Dòng sự kiện:

Ngủ trong xe ô tô bật điều hòa nguy hiểm như thế nào?

Theo Sohuutritue.net.vn
08:25 28/09/2018
Nhiều người thường có thói quen ngủ trong xe ô tô bật điều hòa mà không biết rằng thói quen này rất nguy hiểm, có thể gây tử vong do thiếu khí hay ngộ độc khí. Các chuyên gia cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về thói quen này.

Ngủ trong xe ô tô bật điều hòa nguy hiểm như thế nào?

Xe ôtô là phương tiện thông dụng và tiện nghi đối với nhiều gia đình có điều kiện. Ôtô có những trang bị tiện nghi giống ở nhà như điều hoà, đài, đầu đĩa nên được ví như căn nhà di động với không gian riêng biệt thoải mái. Vì vậy, người sử dụng ôtô có xu hướng tận dụng sự tiện nghi này để biến nó thành nơi nghỉ ngơi khi đi du lịch, công tác, hay “làm” một giấc ngủ trưa. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết về nguyên tắc khi ngủ trong xe nên thời gian qua đã xảy ra một số vụ tử vong do các nạn nhân đã bất cẩn ngủ quên trong xe đóng kín cửa.

Việc ngủ trong xe hơi là tình huống bất khả kháng khi bạn quá mệt mỏi vì lái xe đường dài, khi không tìm được chỗ nghỉ êm ái. Có rất nhiều lý do khiến bạn không nên ngủ trong xe hơi như nguy cơ mắc ung thư, bị trộm cắp và nguy hiểm nhất là tử vong do thiếu khí hay ngộ độc khí. Đã có nhiều trường hợp đáng tiếc do thiếu hiểu biết khi ngủ trong ô tô được ghi nhận trên thế giới và cả ở Việt Nam trong nhiều năm qua.

Theo các chuyên gia y tế, tử vong khi ngủ trong ôtô có hai trường hợp là bật hoặc tắt điều hòa, nhưng đều đóng kín cửa. Nếu không bật điều hòa, cửa lại khóa, tài xế ngủ lâu, trong xe không còn dưỡng khí. Ở trường hợp ngược lại là có bật điều hòa. Hầu hết những xe hiện nay tài xế đều chọn chế độ gió trong. Sau một thời gian khi cảm biến phát hiện thiếu dưỡng khí, điều hòa tự lấy gió ngoài để tăng khí tươi.

Tuy nhiên, không khí ngay ngoài xe lại bị bao phủ bởi khí từ ống xả, chứa nhiều CO. Khi con người hít vào, CO kết hợp với Hemoglobin trong hồng cầu làm biến đổi cấu trúc Hemoglobin, khiến hồng cầu không thể vận chuyển oxi tới các tế bào cơ thể. Do đó, tế bào thiếu hụt oxy, rơi vào trạng thái hôn mê, bất tỉnh thậm chí tử vong. Nếu sống thì di chứng về não là rất lớn bởi não không có oxy trong thời gian dài.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Tạch - cựu kỹ sư của Toyota đã chia sẻ trên Đời sống Plus: "Cần phải hiểu rằng xe cá nhân cũng tương tự như một hộp kín, không có sự lưu thông gió với bên ngoài nếu như bật điều hòa. 

Không gian trong xe ô tô nhỏ, lượng oxy ít. Trong trường hợp xe vừa đi đường dài không lấy gió ở ngoài thì lượng oxy sẽ giảm dần, đến một mức nguy hiểm có thể khiến người ngủ trong xe hôn mê và tử vong". 

Theo kỹ sư Tạch, cũng có những loại xe cao cấp hiện đại có chức năng tự động lấy gió ngoài khi lượng oxy giảm. Lúc này, cảm biến nồng độ oxy sẽ cảnh báo, cửa gió sẽ tự động hạ để lấy gió bên ngoài, lưu thông không khí, bổ sung oxy vào bên trong. Tuy nhiên, những loại xe này trên thị trường hiện nay không nhiều.

Trước nhiều ý kiến lo ngại khi ngủ trong ô tô cũ, đã sử dụng lâu bên cạnh việc thiếu oxy, lái xe cũng sẽ đối mặt với nguy cơ rủi ro do rò rỉ ga. Tuy nhiên, kỹ sư Tạch cho rằng hiện tượng này rất hiếm gặp, các lái xe không cần quá lo lắng.

Vì các van, hay đầu nối khí ga chủ yếu ở bên ngoài cabin, bên trong cabin chủ yếu là hệ thống điều hòa, rất khó để rò rỉ. Trừ trường hợp có những hỏng hóc lớn.

Đối với những trường hợp lái xe buộc phải bật điều hòa để ngủ trong xe, kỹ sư Tạch khuyên các lái xe nên để chế độ lấy gió ngoài, hoặc hạ cửa kính xe.

Kỹ sư Tạch tư vấn: "Tùy thuộc vào khoang ca bin cũng như số lượng người ngồi trong xe trước đó, sẽ quyết định nồng độ oxy thấp hay cao. Nếu có thể, trước khi ngủ lái xe hãy hạ của kính một lúc để không khí lưu thông và đặt báo thức 1-2 giờ trước khi ngủ để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra".

Các cách phòng tránh khi ngủ trong xe ô tô

Nếu vì một lý do nào đó bạn phải ngủ trong xe thì cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản sau:

Điều quan trọng nhất chính là cần hé một chút cửa kính để đảm bảo không khí bên trong và bên ngoài lưu thông, đủ oxy cho người ngủ trong xe.

Chọn nơi thoáng đãng không khí lưu thông tốt.

Nếu thời tiết nóng bức, lái xe cần chọn vị trí râm mát, dưới gốc cây.

Tránh đỗ xe trong không gian chật hẹp, bí khí bởi trong trường hợp này ngay cả mở hết cửa xe bạn vẫn có thể bị thiếu oxy hay nghiêm trọng hơn là ngộ động khí CO thải từ động cơ.

Không hạ kính quá sâu, chỉ hạ khoảng 1,25 – 1,50cm là hợp lý. Hạ kính xuống quá nhiều lại có thể gây cảm lạnh trong điều kiện thời tiết lạnh, đồng thời không đảm bảo an toàn tài sản trên xe.

Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể đặt báo thức sau mỗi giờ, việc này khiến giấc ngủ bị gián đoạn nhưng nó giúp bạn kiểm soát tình huống tốt hơn bởi ngủ trong xe hơi chưa bao giờ là an toàn.

Nguồn: Gia đình Việt Nam