Dòng sự kiện:

Nhờ 'bác sĩ Google', Việt Nam có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới

15:55 10/12/2016
Thời đại công nghệ thông tin với hàng loạt các tiện ích như mạng xã hội, báo điện tử, blog chia sẻ kinh nghiệm... con người dễ dàng tiếp cận hơn với các kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Và mỗi người, ai cũng có thể trở thành “bác sĩ” và “tự mình” chữa bệnh theo hướng dẫn trên mạng, để rồi sau đó nhận lấy những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Có nhiều bà mẹ chỉ cần khi trái gió trở trời hoặc chuyển mùa, con bị sốt hoặc ho là lên mạng chia sẻ bệnh tình của con và "xin lời tư vấn dùng thuốc gì cho con". Ngay lập tức các bà mẹ khác đưa ra lời khuyên với đủ các dạng thuốc khác nhau, từ thuốc Nam cho tới thuốc Tây, thậm chí có cả những lời khuyên chỉ cần uống các dạng lá là khỏi. Các bà mẹ khá yên tâm với những lời "tư vấn" và ngay lập tức tự ra hiệu thuốc mua thuốc, hoặc đặt mua trên mạng theo chỉ dẫn của các "chuyên gia y tế" này.  

Chia sẻ với Báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Đào Minh Tuấn,  Trưởng khoa Hô hấp, cho hay: Hàng ngày, người dân có thể tiếp cận với lượng lớn thông tin ung thư, bệnh tật, thực phẩm bẩn khắp nơi từ các phương tiện thông tin. Điều này dẫn đến tâm lý hoang mang và dễ dàng tin tưởng vào các thông tin chữa bệnh trên mạng. Thay vì đặt niềm tin vào bác sĩ có chuyên môn, nhiều bệnh nhân được chẩn đoán ung thư giai đoạn sớm nhất quyết xuất viện về nhà để điều trị theo các phương pháp chưa được kiểm chứng như uống lá này, ăn củ kia...  

 Việt Nam có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới vì 'bác sĩ Google'

Nhiều phụ huynh quá tin tưởng vào "bác sĩ Google" mà không biết vô tình đẩy con mình vào tình trạng kháng thuốc trầm trọng.  

Lấy ví dụ từ thực tế, bác sĩ Đào Minh Tuấn cho hay, có những trường hợp phụ huynh thấy con nổi nốt là chụp ảnh lên mạng để hỏi, nhiều người không biết lại tư vấn là nổi mẩn hoặc do trẻ nóng quá. Đến khi trẻ sốt cao, các nốt sưng rộp lên thì phụ huynh mới đưa vào viện thì trẻ đã bị thủy đậu khá nặng. Có trẻ bị nhiễm khuẩn vào máu do bố mẹ không biết bệnh nên kiêng khem không cho tắm rửa. Việc kiêng tắm như các lời khuyên trên mạng vô tình đã đẩy trẻ tới tình trạng nặng hơn vì khi bị ngứa, các cháu sẽ gãi, gây nguy cơ nhiễm trùng cao.  

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết có nhiều trường hợp vì bố mẹ thiếu hiểu biết, lại bận rộn nên con cái cứ có bệnh là hỏi thăm để tự chữa chứ không đưa đến bác sĩ điều trị. Để chẩn đoán đúng bệnh cho một bệnh nhân thì người bác sĩ cần phải dựa vào rất nhiều thứ: kinh nghiệm, những thông tin từ cha mẹ, sự thăm khám, rồi qua thiết bị máy móc, các xét nghiệm... Vì vậy, nếu cha mẹ chỉ bắt bệnh cho con đơn giản qua việc chụp ảnh rồi post lên diễn đàn, lên Facebook thì việc tìm ra được vấn đề của con là việc làm hy hữu. Thêm vào đó, trên mạng xã hội thì 9 người 10 ý, việc lọc ra thông tin đúng, phù hợp cho mình là điều không đơn giản.  

Từ thực tế quá trình điều trị hàng chục năm qua cho các bệnh nhi, bác sĩ Dũng chia sẻ, ông đã từng chứng kiến nhiều trường hợp đau lòng, chỉ vì bố mẹ quá tin vào "bác sĩ Google" khiến bệnh tình của con nặng thêm, đến khi vào viện đã biến chứng nặng. Điển hình là trường hợp một cháu bé 2 tháng tuổi bị ho, nhưng mẹ cháu bé đã tự ý cho trẻ uống thuốc theo chỉ dẫn trên mạng mà không biết rằng tình trạng của trẻ 2 tháng tuổi diễn biến rất nhanh, buổi sáng cháu còn rất bình thường nhưng sang chiều đã nặng, biến chứng viêm phổi.  

Kháng thuốc kháng sinh

Việt Nam có tỷ lệ kháng thuốc cao nhất thế giới một phần vì cha mẹ tự ý mua thuốc cho con.

Đúng là hiện tại có nhiều kênh thông tin cho bậc phụ huynh về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho con song các bậc phụ huynh cần phải là người có chuyên môn, tỉnh táo. Nếu chỉ nghe những lời khuyên từ kinh nghiệm bản thân của người khác thì vô tình các bậc phụ huynh đã đặt tính mạng của con mình vào tình huống nguy hiểm.  

Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Dũng, hiện nay Việt Nam đang là nước đứng đầu về việc kháng thuốc kháng sinh ở trẻ em và cả người lớn. Chính vì những nguyên nhân khi các bé ốm, ho, sốt... các phụ huynh đã tự ý mua thuốc kháng sinh về cho con uống hoặc nghe những lời khuyên trên mạng mua thuốc một cách vô tội vạ cho con. Không chỉ tự ý mua thuốc trên mạng, nhiều phụ huynh còn lạm dụng mạng Internet như một nguồn tham khảo chính thống khi cần chăm sóc sức khỏe, trị bệnh cho con. Nào là dùng B1 trộn với mật ong giúp con hết biếng ăn, dùng các bài thuốc dân gian từ lá để trị các bệnh hen suyễn, dị ứng, đau bụng... Không ít trường hợp phụ huynh phải đưa con nhập viện do biến chứng nặng nề vì dùng thuốc “theo hướng dẫn từ Internet”.  

Nhiều người khác lại tin tưởng việc mua thuốc qua mạng vì họ có đơn thuốc hoặc đã từng được bác sĩ kê đơn cho. Tuy nhiên theo khuyến cáo của các bác sĩ, tình trạng các bệnh ở trẻ em hoàn toàn khác nhau, tùy theo cơ địa, cân nặng hoặc các bệnh đã mắc phải trước đó mà các bác sĩ kê thuốc sao cho phù hợp. Việc bố mẹ liên tục tin tưởng vào "bài thuốc trên mạng" vừa đẩy con mình vào tình trạng nguy hiểm, kháng thuốc lại vừa đứng trước nguy cơ tiêu thụ thuốc giả, gây nhiễm độc cao. Chính vì thế cần phải tỉnh táo trước "mê hồn trận thông tin tư vấn" trước khi cho con mình uống thuốc khi mắc bệnh.  

Theo Một thế giới

Nguồn: Gia đình Việt Nam


TAG