Dòng sự kiện:

Những ai dễ bị nhiễm bệnh bạch hầu nhất?

17:54 14/07/2016
Bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị lây nhiễm. Người có khả năng miễn dịch thấp dễ bị bệnh hơn. Thông thường trẻ em từ một đến 10 tuổi dễ mắc bệnh nhiều nhất do không còn kháng thể từ mẹ truyền sang.

Gần nửa tháng nay, một căn bệnh lạ xuất hiện tại 2 xã Thuận Lợi, Thuận Phú (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) làm 3 người tử vong và hàng chục người khác phải nhập viện điều trị trong tình trạng sốt, đau họng khiến dư luận trên địa bàn vô cùng hoang mang. Ngày 13/7, Bộ Y tế đã có kết luận về bệnh lạ này. Hoá ra, đó là bệnh bạch hầu

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính

Để tránh việc người dân hoang mang, Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc giám sát trong vùng dịch bệnh xem có dịch mới hay không, đồng thời tổ chức cấp cứu điều trị. Biện pháp phòng lây lan quan trọng là tổ chức uống thuốc dự phòng cho những người trong vùng tiếp xúc. Ông Phu cũng cho biết, trong ngày 13/7, Cục y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra các khuyến cáo về việc vệ sinh phòng bệnh bạch hầu.

Khi phát hiện bị nhiễm bệnh bạch hầu, bệnh nhân cần được tiêm ngừa kháng độc tố bạch hầu (Serum Anti Diphtheriae- SAD) để trung hòa độc tố của vi khuẩn, ngăn ngừa độc tác động lên tim, thận và hệ thần kinh.

Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Bảo, Khoa Vi sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị lây nhiễm. Người có khả năng miễn dịch thấp dễ bị bệnh hơn. Thông thường trẻ em từ một đến 10 tuổi dễ mắc bệnh nhiều nhất do không còn kháng thể từ mẹ truyền sang.

Dịch bạch hầu bùng phát không theo mùa rõ rệt, chỉ cần có nguồn bệnh sẽ lây nhiễm. Khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, vi khuẩn phát tán ra xung quanh theo đường không khí và lây bệnh cho người lành. Ngoài ra tiếp xúc qua da khi bị trầy xước cũng dẫn đến lây lan vi khuẩn bạch hầu.

Triệu chứng bệnh bạch hầu

Triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng. Nếu không điều trị, màng này lan rộng lấp đầy đường hô hấp khiến bệnh nhân ngạt thở. Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn bạch cầu gây viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm nhất là độc tố của vi khuẩn có thể theo máu tác động lên các cơ quan chính của cơ thể làm viêm tim, viêm thận. Thậm chí vi khuẩn tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói của người bệnh có thể thay đổi do bị ngọng thanh quản.

Khi phát hiện trẻ nhiễm bệnh, cha mẹ cần chú ý thực hiện các biện pháp ngừa biến chứng do độc tố của vi khuẩn gây ra. Bệnh nhân cần được tiêm ngừa kháng độc tố bạch hầu (Serum Anti Diphtheriae- SAD) để trung hòa độc tố của vi khuẩn, ngăn ngừa độc tác động lên tim, thận và hệ thần kinh. Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh phù hợp để trị dứt điểm.

Cách phòng chống bệnh bạch hầu

Cách phòng bệnh bạch hầu tốt nhất là tiêm văcxin cho trẻ 3 lần từ khi mới sinh ra, mỗi lần cách nhau một tháng. Sau một năm thì tiêm nhắc lại, sau 5 năm nhắc lại một lần nữa. Bác sĩ Bảo khuyên bệnh nhân khi bị viêm họng và các triệu chứng trên nên đi khám sớm. Nếu thầy thuốc phát hiện có lớp màng giả màu trắng ở vòm họng nghi ngờ bị bệnh bạch hầu sẽ chỉ định tiêm ngừa kháng độc tố để ngăn ngừa biến chứng.

LÂM PHONG/ Theo Gia đình Việt Nam