Những biến chứng khủng khiếp của bệnh bạch hầu làm chết 3 người ở Bình Phước
Bệnh bạch hầu gây viêm cơ tim, liệt khẩu, lác mắt...
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong sáng ngày 13/7, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 3 bệnh nhân tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Trong đó, 2 trẻ có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu và đang được điều trị tích cực tại khu vực cách ly đặc biệt, 1 trẻ còn lại đang có dấu hiệu lâm sàng nghi nhiễm bệnh cũng đang được theo dõi.
Cũng tại khu vực này đã có 3 trường hợp tử vong nghi nhiễm bệnh bạch hầu, tất cả đều nhập viện tại cơ sở y tế địa phương trong tình trạng sốt, ho, khó thở và tử vong.
Tối 12/3, tin từ Viện Pasteur, cho biết ngoài 3 ca tử vong nói trên, tại Bình Phước hiện có 26 trường hợp mắc hội chứng amidan, trong đó có 4 mẫu xét nghiệm dương tính bệnh bạch hầu. Như vậy, bệnh bạch hầu đã bùng phát ở Bình Phước.
Cách phòng bệnh bạch hầu duy nhất là tiêm phòng.
Có 2 loại bạch hầu là bạch hầu họng – Amidan, bạch hầu thanh quản. Trong đó, bạch hầu họng - Amidan thường gặp hơn cả, chiếm khoảng 1/2 đến 2/3 và biểu hiện đầu tiên là chán ăn, bất an, sốt nhẹ và viêm họng. Nhiệt độ thường trong khoảng 38 - 38,5 độ.
Trong vòng 1- 2 ngày màng giả xuất hiện. Màng giả ban đầu mỏng, màu trắng ngà, lan dần từ amygdales đến vòm khẩu cái, màng giả dính với niêm mạc bên dưới và phủ mặt vòm hầu và thành sau họng có khi lan xuống thanh khí quản, nếu bóc tách màng giả dễ gây chảy máu.
Hạch bạch huyết vùng cổ phản ứng có khi phù nề vùng mô mềm của cổ rất trầm trọng tạo thành triệu chứng được gọi là dấu cổ bò “ Bull neck”. Đây là triệu chứng rất nặng nề , có khi gây xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hoá và tiểu ra máu, tình trạng này kéo dài trong vài ngày, nhanh chóng chuyển sang nhiễm độc năng và tử vong.
Tiến trình của bệnh bạch hầu tuỳ thuộc vào diện tích của màng giả và lượng độc tố sản xuất. Một số trường hợp có suy hô hấp và tuần hoàn, tỷ lệ mạch - nhiệt độ gia tăng không tương ứng, khẩu cái có thể bị liệt, làm thay đổi giọng nói, ăn uống sặc và khó nuốt, lú lẫn, hôn mê và chết có thể tiếp theo trong vòng 7- 10 ngày, một số trường hợp hồi phục chậm, có biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên.
Loại bạch hầu thứ hai là bạch hầu thanh quản. Thông thường sự lan xuống của màng giả từ họng. Bệnh nhân thở dữ dội, tiếng rít thanh quản, khàn giọng, cần gián biệt với các trường hợp viêm thanh quản do các nguyên nhân khác, phản xạ co kéo trên xương ức, thượng đòn và khoảng gian sườn rất dữ dội, có khi có sự tắt thanh quản và có thể chết nếu không được khai khí quản kịp thời. Thỉnh thoảng xuất hiện khó thở đột ngột do tắt nghẽn vì một phần màng giả bóc ra bít đường thở gây tử vong.
Biến chứng của bệnh bạch hầu nói chung là rất khủng khiếp. Có 2 loại biến chứng quan trọng: Biến chứng do màng giả lan rộng và biến chứng do độc tố gây nên. Trường hợp bệnh bạch hầu mà chẩn đoán và điều trị muộn thì màng giả phát triển và lan nhanh xuống phía dưới thanh - khí phế quản sẽ gây tắc nghẽn đường hô hấp. Nếu cấp cứu không kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.
Viêm cơ tim có thể xảy ra ở cả hai trường hợp bạch hầu nặng và nhẹ, nhất là khi có tổn thương tại chỗ lan rộng và khi có sự trì hoãn trong chỉ định kháng độc tố. Tỷ lệ viêm cơ tim là 10% - 25%. Tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim là 50% - 60%.
Viêm cơ tim có thể xuất hiện rất sớm vào những ngày đầu tiên của bệnh hoặc trễ hơn vào tuần thứ 4 đến tuần thứ 6. Đây là một biến chứng trầm trọng đòi hỏi sự chăm sóc theo dõi chặt chẽ, tỉ mỉ và điều trị tích cực. Thông thường tiên lượng là xấu.
Người mắc bệnh bạch hầu có thể bị liệt khẩu, viêm cơ tim, viêm thần kinh...và tử vong.
Ngoài ra còn có biến chứng thần kinh thường xuất hiện sau một thời gian muộn hơn. Liệt khẩu cái cả hai bên và thường liệt vận động, liệt phần mềm của lưỡi gà tuần thứ 3, liệt cơ vận nhãn thường xuất hiện tuần thứ 5, nhưng cũng có thể xuất hiện trong tuần đầu đó là nguyên nhân gây cho bệnh nhân nhìn mờ, và lác. Viêm dây thần kinh cơ hoành, gây liệt cơ hoành thường ở tuần thứ 5 đến tuần thứ 7. Liệt các chi hoàn toàn nhưng hiếm gặp. Hầu hết các biến chứng thần kinh sẽ phục hồi hoàn toàn trong nhiều tuần đến nhiều tháng.
Phòng ngừa bệnh bạch hầu làm 3 người chết ở Bình Phước
Phòng bệnh Bạch hầu cho trẻ < 1 tuổi, thực hiện theo chương trình tiêm chủng mở rộng bằng chủng ngừa vac xin: Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván.
Người thân được xem như người tiếp xúc với bệnh và cũng phải tiêm một liều biến độc tố bạch hầu và điều trị từ 7-10 ngày.
Người mang mầm bệnh không có triệu chứng nếu phát hiện được vi khuẩn do nuôi cấy thì tiêm một liều biến độc tố bạch hầu trong 7 -10 ngày và cần được theo dõi các biến chứng. Kháng độc tố không khuyến cáo sử dụng cho người tiếp xúc và người mang mầm bệnh không có triệu chứng.
THANH PHONG/Theo Gia đình Việt Nam
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua