Dòng sự kiện:

Những cách nuôi dạy con ‘lạ đời’ đến khó tin của cha mẹ 9 nước nổi tiếng thế giới

Theo Khám phá
08:25 25/04/2017
Người Wolof nuôi dạy con theo cách nhổ nước bọt lên mặt con với mong muốn đem lại phước lành, cuộc sống hạnh phúc suốt đời cho bé.

Mỗi ông bố bà mẹ trên thế giới có những cách nuôi dạy con khác nhau. Nhưng tựu chung lại nó đều xuất phát từ lòng yêu thương vô bờ bến và mong muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất dành cho con của mình.

Khi mà nhiều phụ huynh Việt luôn cố gắng đùm bọc, nuôi con “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” thì nhiều cha mẹ khác trên thế giới có những cách nuôi dạy con ngược lại hoàn toàn. Tuy nhiên, đó thuộc một phần về truyền thống và thực tiễn văn hóa của đất nước họ.

Những phương pháp dạy con “lạ đời” dưới đây sẽ khiến bạn không khỏi ngạc nhiên:

1. Cha mẹ ở Mauritanian nhổ nước bọt lên mặt con

Người Wolof ở Mauritania nghĩ rằng nước bọt của họ mang nhiều điều may mắn. Do đó, họ nhổ nước bọt lên người trẻ sơ sinh, những đứa con của họ như một phương thức để ban phước lành cho đứa trẻ đó.

Theo đó, các bà mẹ thường nhổ nước bọt lên trên mặt con còn các ông bố nhổ vào tai, sau đó nước bọt sẽ lan rộng trên đầu những đứa trẻ với mong muốn chúng sẽ có một cuộc sống hạnh phúc suốt đời.

2. Cha mẹ Na Uy cho con ngủ bên ngoài nhà dù trời rất lạnh

Ở một số nước Bắc Âu, cha mẹ thường cho con, thậm chí là những đứa trẻ mới biết đi, phải ngủ ở bên ngoài nhà mặc dù thời tiết mùa đông lạnh giá trong khi chính họ lại đang thưởng thức những bữa ăn ấm cúng hay tách trà nóng trong nhà.

Theo quan niệm của họ, không khí trong lành, mát lạnh sẽ giúp cho trẻ ổn định tinh thần và tránh được bệnh tật hơn.

3. Các bà mẹ Kenya không bao giờ nhìn vào đôi mắt trẻ

 

Mặc dù phụ nữ Kisii ở Kenya cũng rất quan tâm và yêu quý con mình nhưng không bao giờ họ nhìn trực tiếp vào mắt của con. Họ cho rằng đó là cách dạy trẻ không để ý quá nhiều đến mọi thứ.

4. Cha mẹ Việt Nam dạy con làm theo thói quen

Một số cha mẹ Việt thường tạo ra ám hiệu để làm thói quen cho con thực hiện một việc nào đó. Ví dụ như khi con có dấu hiệu buồn đi tiểu, mẹ sẽ dạy con theo cách xi tè.

Đến khoảng 9 tháng tuổi bé sẽ liên tưởng rằng âm thanh của tiếng xi tè giống như tiếng nước trong nhà vệ sinh và con sẽ tự ý thức đi vào nhà vệ sinh để thực hiện nhu cầu.

5. Cha mẹ Mayan tắm cho con bằng nước lạnh

Trước khi đi ngủ, các bậc cha mẹ ở Mayan thường tắm cho con bằng nước lạnh. Họ quan niệm đây là cách khiến trẻ cảm thấy mát mẻ hơn và luôn khỏe mạnh.

6. Trẻ sơ sinh Phần Lan nằm ngủ trong hộp các tông

Thật ngạc nhiên khi mà trẻ sơ sinh ở các nước khác được ngủ trên chăm ấm đệm êm hoặc nôi gọn gàng xinh xắn thì các bé ở Phần Lan lại được cha mẹ cho ngủ trong một thùng bìa các tông.

Trong thùng bìa đó bao gồm một tấm nệm mỏng, đây cũng chính là chiếc giường duy nhất mà trẻ được sử dụng để ngủ trong những năm tháng đầu đời.

7. Trẻ em Nhật Bản ăn tất cả mọi thứ và không ăn chất béo

Phụ huynh Nhật Bản cũng như bất kì chuyên gia dinh dưỡng trường học nào đều rất quan tâm và cẩn thận trong việc chuẩn bị bữa ăn hàng ngày của trẻ.

Do đó, họ tuân theo chế độ ăn uống thực vật, bao gồm một phần nhỏ các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và không bao giờ chuẩn bị quá nhiều đồ ăn.

8. Núm vú giả của trẻ em Đan Mạch được treo chi chít trên cây cao

Treo núm vú giả lên trên cây cao khi không dùng đến nữa là cách để trẻ em Đan Mạch chào tạm biệt những đồ chơi một cách nhẹ nhàng.

9. Trẻ em Armenia được chọn nghề nghiệp tương lai ngay từ khi còn nhỏ

Như là một nghi thức bắt buộc, khi trẻ em Armenia còn rất nhỏ, các bậc phụ huynh đã xếp một loạt các đồ chơi trước mặt của trẻ. Sau đó, trẻ thể hiện sự quan tâm của mình với đồ vật nào thì đó sẽ là ngành nghề trong tương lai của bé.

Ví dụ như một cuốn sách đại diện cho nhà bác học, tiền đại diện cho chủ ngân hàng và nếu trẻ lựa chọn con dao thì có khả năng lớn lên đứa bé ấy sẽ trở thành một bác sĩ.

Mỗi cha mẹ trên thế giới có những phương pháp dạy con khác nhau, tuy nhiên nó cũng chỉ phù hợp với phong tục tập quán và truyền thống riêng của từng nước. Không nên áp đặt phương thức đó với con nếu như cảm thấy không phù hợp.

Nguồn: Gia đình Việt Nam