Dòng sự kiện:

Những việc cần làm ngay để cứu sống trẻ bị đuối nước

14:11 22/06/2016
Khi phát hiện trẻ đuối nước, cần có biện pháp cứu và sơ cứu khoa học, đúng cách để cứu sống trẻ.

Hàng năm cứ vào mùa hè lại xảy ra nhiều vụ trẻ bị đuối nước khi đi tắm biển, sông hồ... 

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm ở nước ta có từ 3500 - 4000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về số người chết đuối.

Qua con số trên một lần nữa cho chúng ta thấy rằng: Ngoài việc cho trẻ học bơi, cha mẹ cũng cần trang bị cho con những kỹ năng bảo vệ tính mạng và cứu người khi đi bơi. Sau đây, sẽ là một số nguyên tắc cơ bản giúp cứu người đuối nước an toàn mà các bậc phụ huynh nên biết.

Hàng năm cứ vào mùa hè lại xảy ra nhiều vụ trẻ bị đuối nước khi đi tắm biển, sông hồ... Ảnh minh họa

Khi bị đuối nước trẻ sẽ có dấu hiệu ngưng thở và tim đập chậm lại nếu không được phát hiện và đưa lên bờ kịp thời tình trạng ngưng thở sẽ diễn ra, dẫn đến thiếu oxy trong máu, làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp.

Theo đó, khi bị đuối nước, lần ngưng thở 1 của trẻ sẽ kéo dài trong vòng từ 20 giây cho đến ngưỡng nhất định 5 - 7 phút (tùy vào từng nạn nhân) thì nhịp thở sẽ xuất hiện trở lại, và lúc này trẻ sẽ có nguy cơ hít các dị vật vào phổi gây co thắt thanh quản tức thì.

Sau đó, ở trẻ sẽ xuất hiện lần ngưng thở 2, tương tự như lần 1 khi nhịp thở xuất hiện trở lại nước và dị vật sẽ bị hít vào trong phổi dẫn đến nhịp tim hoạt động chậm lại, loạn nhịp tim, tim ngừng thở và nạn nhân sẽ tử vong tức thì nếu không được phát hiện và cấp cứu sớm.

Những bước cứu trẻ khi bị đuối nước:

Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.

Bước 2: Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không, từ đó có những biện pháp sơ cứu cần thiết như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực…

Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại.

Bước 5: Kiểm tra xem nạn nhân có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp.

Bước 6: Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ.

Lưu ý:

- Không dốc ngược nạn nhân đuối nước, vác lên vai rồi chạy.

- Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển nạn nhân tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cấp cứu, có nguy cơ gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh và thầy cô không nên để trẻ chơi một mình mà không có người lớn giám sát. Đậy kín các chum vại nước xung quanh nhà, không cho trẻ chơi gần ao hồ, tốt nhất nên dạy cho trẻ tập bơi để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Minh Sang (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam