Dòng sự kiện:

Ông bố Hà Lan vạch trần những cách dạy con sai lầm khiến nhiều mẹ Việt giật mình

Bố mẹ châu Á thường hay dùng sức mạnh của đòn roi để khiến trẻ nghe lời, ví dụ như: “Nếu con không nghe lời thì mẹ sẽ lấy roi đây này”; “Nếu con không nghe lời thì mẹ sẽ gọi chú cảnh sát bắt con đi nhé”.

Wei Yusi là một người đàn ông Hà Lan nhưng lập gia đình, có 2 con gái và lựa chọn sinh sống lâu dài tại Đài Loan. Từ những trải nghiệm có được về cách chăm con, nuôi dạy con giữa hai nền văn hoá Âu - Á, Wei Yusi đã xuất bản cuốn sách “Tâm sự của ông bố Hà Lan trong quá trình dạy con ở Đài Loan”. Những chia sẻ của Wei Yusi không chỉ khiến cha mẹ Đài Loan quan tâm mà ngay cả cha mẹ Việt khi đọc được cũng sẽ phải giật mình.

 

Wei Yusi là blogger người Hà Lan, lấy vợ Đài Loan và có 2 cô con gái nhỏ đáng yêu.

Lý do khiến trẻ em Hà Lan trở thành những đứa trẻ vui vẻ nhất thế giới chứ không phải Đài Loan, hay Việt Nam

Trẻ em ở nơi nào trên thế giới vui vẻ nhất? Đứng đầu trong danh sách này chính là Hà Lan. Wei Yusi cho biết, số liệu thống kê này chỉ được thực hiện tại những đất nước phát triển. Từ số liệu thống kê cho thấy, đứng trong top đầu của danh sách này là những nước Bắc Âu, Tây Âu... Nguyên nhân chủ yếu là do những quốc gia này rất coi trọng các hoạt động tập thể.

Ở Hà Lan, có 80% các em thiếu nhi đều tham gia các hoạt động tập thể. Vì thế trong cuộc sống của các em ngoài việc học hành, bạn bè và người thân còn có một cộng đồng bạn bè có cùng sở thích và niềm đam mê. Trẻ em cùng nhau tham gia các hoạt động tập thể với mục đích duy nhất là cùng nhau tìm được niềm vui sau những giờ học tập căng thẳng.

Tại Đài Loan, Việt Nam và nhiều nước châu Á nói chung, bố mẹ lại hết sức coi trọng thành tích của những môn học văn hoá, thậm chí có nhiều bậc phụ huynh đăng ký cho con mình tham gia các lớp học ngay từ khi con mới 2,3 tuổi với lý do sợ con không theo kịp con nhà người ta.

 Ông bố Hà Lan cho biết, anh quan sát và thấy lý do trẻ em ở các nước châu Á không hạnh phúc nhiều bởi thời gian chơi quá ít, áp lực học hành quá cao.

Wei Yusi chia sẻ, anh từng là huấn luyện viên của một đội bóng đá nhỏ, có rất nhiều học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 đăng ký tham gia đội bóng này thế nhưng số lượng học sinh lớp 5, lớp 6 tham gia rất ít. Anh có tìm hiểu nguyên nhân và được biết do bố mẹ các em yêu cầu các em giảm bớt các hoạt động thư giãn, dành nhiều thời gian hơn dành cho học tập.

Thái độ của cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại niềm vui cho con trẻ

Wei Yusi cho rằng một đứa trẻ muốn vui vẻ thì trước tiên phải nhận được tình yêu thương và sự khẳng định từ phía gia đình. Những điều này giúp trẻ tự tin khẳng định bản thân, tự tin vào chính mình. Các ông bố bà mẹ ở châu Á lại luôn lo lắng con mình dậm chân tại chỗ, vì thế họ ép con em phải đi trước con nhà người ta.

Wei Yusi tiếp tục đưa ra ví dụ, con gái anh hiện nay đi học tại một trường mẫu giáo bình thường của Đài Loan và 1 tuần có 1 buổi học tại trường mẫu giáo của Hà Lan. Trong một buổi tọa đàm giữa các phụ huynh tại trường mẫu giáo ở Đài Loan, mọi người đều có chung một câu hỏi: “Con của tôi có theo kịp tiến độ của trường hay không?”.

Đối với một đứa trẻ 2, 3 tuổi tại Đài Loan, điều mà bố mẹ các em quan tâm nhất đó là thể hiện của các em ở trường ra sao? Lo lắng con em mình không theo kịp người khác.

Cũng trong một buổi tọa đàm khác ở trường học mẫu giáo của Hà Lan, họ lại đưa ra mục đích và nội dung thảo luận của buổi tọa đàm đó là: Làm thế nào để xây dựng một môi trường học tập vui vẻ và hiệu quả, để ai cũng có thể cảm nhận được trường học không phải chỉ là nơi để học mà đó còn là điểm đến của những con người cùng chung sở thích và niềm đam mê, cùng nhau vui chơi và chia sẻ với nhau những niềm vui trong cuộc sống.

Những ví dụ phía trên có thể cho ta thấy rõ được áp lực học hành của phụ huynh học sinh châu Á dành cho các em học sinh. Cha mẹ từ nhỏ đã đặt rất nhiều hy vọng lên đôi vai nhỏ bé của con. Liệu sống và lớn lên trong một môi trường như vậy thì các em có thực sự vui vẻ hay không?

Khi trẻ khóc thì lại vội vàng dỗ dành

Khi trẻ khóc thì chúng ta có nên vội vàng chạy đến bế bồng và dỗ dành hay không? Không kể Đài Loan hay Hà Lan đều có 2 luồng ý kiến tương phản đối với vấn đề này. Wei Yusi thể hiện lập trường ở giữa hai luồng ý kiến này. Nguyên nhân khiến trẻ khóc cũng rất đa dạng ví dụ như: đau bụng, cảm thấy khó chịu trong người, cáu giận, ăn vạ… Anh sẽ tìm hiểu lý do khiến con mình khóc trước tiên sau đó tùy vào tình hình sẽ quyết định có đáp ứng yêu cầu của trẻ hay không?

Nếu một đứa trẻ chỉ vì muốn được bố bế mà ăn vạ thì nên làm thế nào? Wei Yusi cười và nói: “Dễ thương mà! Nếu không bận việc gì thì không có lý do gì để không bế con. Trong trường hợp không thể bế trẻ, tôi sẽ gợi ý cho trẻ một trò chơi khác để đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ."

Không dạy con tính độc lập, chủ động giải quyết những vấn đề cá nhân

Chúng ta thường hay bắt gặp cảnh tượng phụ huynh đưa đón con em mình đi học về, thậm chí còn giúp trẻ đeo ba lô hoặc cảnh bố mẹ tất bật chuẩn bị những đồ dùng để con đi học vì sợ muộn.

Đa số các bà mẹ châu Á rất hay nghĩ hộ, làm hộ con vì luôn cho rằng con còn bé, những việc con không làm được nếu có thể thì sẽ giúp con làm hết. Thế nhưng Wei Yusi  lại muốn con gái có thể tự mình làm hết những việc cá nhân.

 

Gia đình nhỏ của ông bố Hà Lan với vợ Đài Loan.

Ông bố Hà Lan tiết lộ, hàng ngày một mình anh đưa 2 đứa trẻ ra khỏi nhà bằng xe bus, con gái lớn đi học, cậu út thì đem gửi nhà ông bà ngoại. Khi xếp hàng chuẩn bị lên xe bus, một tay anh bế cậu út, tay còn lại đẩy xe đẩy, không còn thừa ra tay nào để bế con gái vì vậy con gái Wei Yusi phải tự lên xe và xuống xe. Hồi đầu cô bé còn nhõng nhẽo đòi bế dần dần qua vài ngày cô bé đã quen với việc tự mình phải lên xe xuống xe.

"Muốn rèn luyện tính tự lập của con trẻ thì trước tiên bố mẹ phải “mạnh dạn” rời xa các con, nhẫn nại và tạo cơ hội để con tự mình trải nghiệm có như vậy khi vấp ngã con mới có thể tự đứng dậy."

Chọn đòn roi thay lời nói để thuyết phục trẻ

Bố mẹ châu Á thường hay dùng sức mạnh của đòn roi để khiến trẻ nghe lời, ví dụ như: “Nếu con không nghe lời thì mẹ sẽ lấy roi đây này”; “Nếu con không nghe lời thì mẹ sẽ gọi chú cảnh sát bắt con đi nhé”… nói vậy thôi nhưng nhiều lúc chỉ là dọa cho con sợ chứ không làm thật, sớm muôn sẽ có một ngày trẻ sẽ nhận ra là mình đang bị “lừa”.

Chính bởi vậy mà Wei Yusi không đồng tình với cách làm này. Ông bố Hà Lan đưa ra một ví dụ đơn giản như sau: “Con gái không chịu hợp tác trong giờ ăn cơm, thậm chí còn rời khỏi chỗ ngồi chạy lăng xăng khắp nơi. Đây là một việc làm không đúng, chắc chắn bố mẹ sẽ rất bực mình thế nhưng trong bữa ăn ta sẽ nửa đùa nửa thật để vừa khen vừa chê các con về hành động này, như vậy sẽ làm cho không khí bớt căng thẳng đi rất nhiều."