Phòng và điều trị quai bị lứa tuổi học đường
Bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch do virut quai bị gây ra. Đây là bệnh lành tính, tự khỏi và tạo ra miễn dịch bền vững. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp qua các bụi nước của hơi thở từ bệnh nhân quai bị có viêm tuyến nước bọt. Bệnh gây thành dịch, hay gặp ở trẻ từ 3 - 14 tuổi và thanh niên 18 - 20 tuổi, ít gặp ở người già và trẻ dưới 2 tuổi, tỉ lệ mắc bệnh nam nhiều hơn nữ.
Bệnh dễ gặp ở nơi sinh hoạt tập thể như mẫu giáo, trường học, đơn vị tân binh. Có thể xảy ra quanh năm nhưng thường thành dịch vào mùa Đông - Xuân.
Thể điển hình hay gặp nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai, sau một thời kỳ ủ bệnh khoảng 14 - 24 ngày mà không có biểu hiện gì đặc biệt là giai đoạn toàn phát của bệnh với các triệu chứng: sốt, nhức đầu, đau mỏi toàn thân, tuyến nước bọt mang tai đau, sưng to gây biến dạng khuôn mặt, da vùng tuyến mang tai bình thường, không nóng đỏ, bệnh nhân thường bị cả hai bên mang tai, người bệnh khó nói, khó nuốt. Sau 1 tuần, tuyến mang tai giảm đau, nhỏ dần, bệnh nhân hết sốt, các triệu chứng lui dần và hết hẳn.
Thể thường gặp thứ hai là viêm tinh hoàn, thường gặp ở tuổi dậy thì, đôi khi biểu hiện đơn độc mà không kèm theo viêm tuyến mang tai. Bệnh xuất hiện sau sưng tuyến mang tai 1 - 2 tuần, bệnh nhân sốt cao trở lại, tinh hoàn sưng, đau, đỏ, thường ở một bên, kéo dài 4 - 5 ngày thì bệnh nhân hết sốt nhưng sau 2 tuần mới hết sưng tinh hoàn.
Viêm tinh hoàn có thể gây biến chứng teo tinh hoàn (tỷ lệ teo tinh hoàn khoảng 5/1000). Ngày nay, qua theo dõi nhiều năm, đa số các tác giả thấy rằng: Nếu teo một tinh hoàn sẽ không có ảnh hưởng gì, bên lành sẽ hoạt động bù trừ, khi bị teo cả hai bên hoặc ở người chỉ có một tinh hoàn thì tỷ lệ bị ảnh hưởng hoạt động sinh dục và vô sinh cũng thấp.
Ngoài ra có thể gặp thể viêm buồng trứng, viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, tuy nhiên ít gặp trên lâm sàng.
Thuốc chữa
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị chủ yếu là nâng đỡ, tăng cường dinh dưỡng, điều trị triệu chứng. Phát hiện sớm các biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm màng não... Điều trị cụ thể với thể viêm tuyến mang tai: xúc miệng bằng nước muối 0,9%, dung dịch axit boric 5%, hạ sốt nếu sốt quá cao, có thể dùng giảm đau (paracetamol), an thần nhẹ (rotunda), dùng các vitamin nhóm B, C, uống nước chanh, cam, ăn lỏng.
Nằm nghỉ tại giường, hạn chế đi lại, trong thời gian còn sốt, còn sưng tuyến (thường là 7 - 8 ngày đầu). Cách ly tối thiểu 10 ngày. Còn với thể viêm tinh hoàn, bệnh nhân phải được nằm nghỉ tại giường khi còn sưng đau, mặc quần sịp để treo tinh hoàn; giảm đau bằng cách chườm đá, uống paracetamol, dùng 3 - 4 ngày, giảm viêm bằng thuốc cortanxy, dùng 3 - 4 ngày.
Sau khi tinh hoàn đỡ sưng đau có thể dùng vitamin E từ 1 - 2 tháng để tăng sinh tinh trùng.
Nếu bệnh nhân chỉ có sưng đau tuyến nước bọt mang tai đơn thuần có thể điều trị ngoại trú theo đơn của bác sĩ. Khi đã sưng cả tuyến dưới hàm, dưới lưỡi gây khó nuốt, khó thở hay viêm tinh hoàn thì phải nhập viện điều trị ngay.
Phòng bệnh
- Khi có trẻ bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly 10 - 21 ngày (thường là 10 ngày) để tránh lây lan cho các cháu khác.
- Tiêm phòng vaccin quai bị: đây là loại vaccin sống giảm độc lực. Vaccin có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp các vaccin khác như vaccin tam liên MMR (Measles-mump-rubella) ngừa bệnh sởi, quai bị và sởi Đức (Rubella).
Khuyến cáo sử dụng vaccin: Trẻ 12 đến 14 tháng tuổi nên được tiêm ngừa mũi vaccin tam liên MMR, liều thứ 2 nhắc lại khi trẻ được 4 đến 6 tuổi.
Tiêm chủng quai bị rất quan trọng ở những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch chống quai bị.
HỒNG HẠNH (Tổng hợp)
Nguồn: Gia đình Việt Nam
Clip hot
[mecloud]IhrbQ2AVe9[/mecloud]
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua