Dòng sự kiện:

Phương pháp 'nâng cấp' não bộ nhờ rèn luyện kỹ năng đọc

Theo TTXVN
07:19 04/06/2017
Khi con người bắt đầu học đọc cũng là lúc bộ não có sự thay đổi kỳ diệu để tổ chức lại và tự thay đổi, chuẩn bị thích nghi với lượng kiến thức mới được thu nạp.

Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học đã huy động phụ nữ ở độ tuổi 30 tại Ấn Độ - quốc gia có tỷ lệ mù chữ lên tới 39% - tham gia nghiên cứu với mục đích tìm hiểu sự thay đổi của các khu vực trong não bộ khi con người đọc sách.

Trong thời gian đầu tham gia nghiên cứu, hầu hết các tình nguyện viên không thể đọc nổi dù là một chữ cái trong tiếng mẹ đẻ Hindi. Nhưng sau 6 tháng luyện tập, những tình nguyện viên này đã đạt trình độ tương đương với các học sinh lớp 1.

Các tác giả đánh giá đây là một sự thay đổi đáng kinh ngạc cho thấy não bộ của người trưởng thành rất linh hoạt. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra phần vỏ não vốn là bộ phận được biết đến với khả năng thích ứng rất nhanh với nhiệm vụ mới trên thực tế lại không phải là khu vực chính chứng kiến những thay đổi.

Ảnh chỉ có tính minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thay vào đó, các biến đổi diễn ra mạnh mẽ ở những cấu trúc nằm sâu bên trong não bộ như cuống não - phần não giữa cột sống và bán cầu não gồm não giữa, cầu và hành tủy - và đồi thị, cấu trúc nhỏ nằm sâu bên trong não có chức năng trung chuyển các tín hiệu cảm giác và kiểm soát thông tin.

Khi kỹ năng đọc càng được cải thiện thì khả năng tinh chỉnh của những cấu trúc này càng được nâng cao để thích nghi với những "nhiệm vụ" mới. Điều này lý giải vì sao những người có kỹ năng đọc tốt thường nắm ý chính rất nhanh.

Kết quả nghiên cứu này cũng mở ra những gợi ý cho việc điều trị các chứng khó đọc và khó viết vốn được cho là do vùng đồi thị hoạt động kém.

Các tác giả cũng sẽ nghiên cứu kỹ hơn giả thuyết này để tìm ra hướng đi trong việc khắc phục tính trạng kể trên ở con người thông qua việc rèn luyện kỹ năng đọc để nâng cao khả năng hoạt động của đồi thị.

Công trình do các nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu ngôn ngữ tâm lý Max Planck (Đức) phối hợp cùng các chuyên gia đến từ Trung tâm nghiên cứu Dược sinh học Lucknow Ấn Độ và Đại học Hyderabad thực hiện.

Nguồn: Gia đình Việt Nam