Dòng sự kiện:

Phương pháp Suzuki: Học piano và hoàn thiện nhân cách con trẻ

19:09 05/03/2018
Khi cuộc sống đủ đầy thì bên cạnh việc học chữ, các bậc phụ huynh còn có mong muốn cho con học một bộ môn nghệ thuật nào đó. Nếu có ý định học piano, hãy nghĩ đến phương pháp Suzuki.

Khi nói về piano, trên thế giới có một vài phương pháp như Faber, Suzuki, Alfred… Riêng phương pháp Suzuki là chương trình giảng dạy âm nhạc nổi tiếng thế giới có từ giữa thế kỷ XX; do nghệ sĩ violin người Nhật và giáo sư Shinichi Suzuki (1898–1998) phát triển. Phương pháp này nhằm tạo ra môi trường học tập âm nhạc song song với việc học “tiếng mẹ đẻ” của trẻ.

Với cách tiếp cận này, trẻ em được dạy âm nhạc như thể chúng đang đắm mình trong một ngoại ngữ. Trẻ sẽ được dạy nghe “bằng tai” để có thể nhuần nhuyễn; quen với giai điệu trước khi học cách đàn bản nhạc đó. Với phương pháp Suzuki, cha mẹ phải là người đồng hành của trẻ để tạo ra một môi trường hoàn thiện và cùng con phát triển việc học. Suzuki tin rằng môi trường này cũng sẽ giúp phát huy nhân cách đạo đức tốt.

Khi nào trẻ có thể bắt đầu học Piano bằng phương pháp Suzuki?

Trẻ có thể bắt đầu học piano bằng phương pháp này khi mới hai tuổi. Tuy nhiên, thời gian được cho là sẵn sàng cho mọi trẻ là lúc lên 5. Yếu tố cần nhất của phương pháp Suzuki là việc sự đồng hành của cha mẹ; kế đến là đam mê và mong muốn học bộ môn này của trẻ. Còn lại, toàn bộ việc học; không gian học nên được giữ ở mức nhẹ nhàng nhất để đem lại không khí thoải mái cho trẻ.

Phương pháp Suzuki cần gì?

Tư thế đúng là quan trọng nhất với trẻ khi chơi đàn piano. Vì vậy việc tìm kiếm các loại nhạc cụ phù hợp rất quan trọng. Trẻ cần có các cây đàn thu gọn, nhỏ vừa tầm.

Ghế băng và bàn đạp có thể điều chỉnh để dễ dàng tinh chỉnh phù hợp với chiều cao và vị trí ngồi của bé. Đặc biệt nếu cho con học piano; cha mẹ cũng cần trang bị cho con một cây đàn tại nhà vì âm thanh và cảm giác khi đánh đàn organ hay các loại đàn điện hoàn toàn khác piano.

Khi chọn cho con học theo phương pháp Suzuki; phụ huynh cũng nên tham dự để học cùng trẻ các bài học. Cha mẹ thậm chí có thể sẽ phải chơi trong một số bài học. Khi về nhà; cha mẹ sẽ cùng con luyện tập để có thể chia sẻ với giao viên về sự hạn chế cũng như tiến bộ của con.

Cha mẹ cũng nên hát cùng với trẻ thường xuyên; ngay cả khi giọng hát không tốt vì trẻ em học bằng cách lắng nghe; nhờ đó sẽ có “cảm giác” về cơ bản với âm nhạc. Ca hát là bước đầu tiên quan trọng nhất trong việc huấn luyện tai cho âm nhạc.

Lợi ích của phương pháp Suzuki

– Trẻ không cần phải biết đọc nhạc theo phương pháp Suzuki; vì trẻ được dạy cách lắng nghe và phát triển cách nghe nhạc. Nhờ đó, phương pháp này không gây khó khăn cho trẻ trong việc đọc các nốt nhạc ngay khi mới bắt đầu học.

– Vì trẻ không cần nhìn vào các nốt nhạc; nên phương pháp Suzuki có thể áp dụng cho trẻ ở các lứa tuổi nhỏ hơn so với các phương pháp khác. Theo ghi nhận, nhiều trẻ em bắt đầu học piano khi mới ba tuổi thậm chí nhỏ hơn!

– Phương pháp này dạy cho trẻ hiểu nhạc bằng tai nên trẻ học chơi nhạc bằng cảm giác; chứ không phải gặp khó khăn trong việc đọc và hiểu các nốt nhạc trên tờ giấy.

– Trẻ có được cảm giác thành công ngay từ đầu học vì cuốn sách Suzuki dạy trẻ em chơi các bài hát thực sự ngay lập tức. Nhờ đó trẻ tránh được những bài học luyện ngón.

– Môi trường tích cực và vui vẻ của phương pháp Suzuki giúp cho việc học đàn đem lại niềm vui với âm nhạc chứ không phải là nhiệm vụ khó khăn

Những nhược điểm của phương pháp Suzuki

Các ý kiến không ủng hộ phương pháp Suzuki thường là về việc trẻ không được học cách đọc nhạc và trẻ không hình thành chuyên môn, kỹ năng tốt được. Dù Suzuki không dựa vào khả năng đọc thị giác; nhưng gần như tất cả các lớp học đều dạy đọc khi trẻ tiến bộ qua các cấp độ khác nhau.

Vì vậy, cha mẹ đừng quá lo lắng vì các giáo viên sẽ dạy đọc nhạc khi trẻ có được một trình độ nhất định. Nhiều trường học bắt đầu dạy cho trẻ đọc nhạc sau khi hoàn thành cuốn sách đầu tiên.

Đặc biệt, phương pháp Suzuki sẽ không thể hình thành và phát triển về kỹ năng đánh nhạc cụ tốt nếu không có sự đồng hành của cha mẹ. Nếu cha mẹ không thể tham gia cùng con trong việc học nhạc; bạn không nên chọn phương pháp này cho con vì đứa trẻ cần sự khuyến khích thường xuyên của cha mẹ; để có thể đạt thành công với phương pháp này.

Theo Tiếp thị Gia đình