Dòng sự kiện:

Phương pháp ứng xử và đối thoại dành cho trẻ mới lớn

giaoducthoidai
13:31 30/11/2017
Tuổi mới lớn là lứa tuổi đứng giữa ranh giới trẻ con và người lớn, vì thế định hướng cho con là hết sức quan trọng. Những điều chỉnh đúng đắn trong giai đoạn này sẽ giúp con trở thành người mà bạn mong muốn trong tương lai.

Nhưng trên thực tế, điều này không hề dễ dàng. Tuổi mới lớn cũng là lứa tuổi rất nhạy cảm, thời điểm này, cơ thể diễn ra những điều kỳ diệu bí ẩn, các biến đổi về tâm sinh lý tạo ra một con người hoàn toàn mới lạ và quá trình ấy là một thử thách với các em. Bởi vậy, các bậc cha mẹ cần nhận thức được rằng, họ phải làm một người bạn tốt của con để giúp chúng vượt qua những “khủng hoảng” của tuổi dậy thì.

Giúp con suy nghĩ tích cực

Cách tiếp cận tích cực và có suy nghĩ sẽ rất có ích trong việc thiết lập mối quan hệ thân thiết, tốt đẹp giữa phụ huynh và trẻ mới lớn. Suy nghĩ tích cực sẽ là công cụ hữu hiệu giúp trẻ phát triển khả năng thích ứng với cuộc sống, dễ dàng vượt qua khó khăn, khủng hoảng lứa tuổi dậy thì.

Ví dụ, khi trẻ dậy thì làm một việc gì đó có lỗi, thường phụ huynh sẽ có những cách xử trí như sau: Chỉ trích cá nhân: “Mẹ (ba) rất thất vọng về con”, chỉ trích kết quả: “Tại sao con lại làm như vậy? Theo bố (mẹ), con cần làm như này, như này…”. Thay vào đó, sao bạn không nói: “Có lẽ con nên tìm một cách làm khác, chúng ta nên trao đổi để tìm ra cách ứng xử tốt nhất”. Hẳn nhiên, kết quả sau đó sẽ có sự khác biệt rõ ràng hơn nhiều.

Không áp đặt

Những áp lực bài vở, quan hệ bạn bè khiến các em dễ rơi vào trạng thái stress, bướng bỉnh, cáu gắt… vì các em cảm thấy những người thân xung quanh không hiểu những tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của mình. Giai đoạn này, nếu áp đặt con cái sẽ khiến các em trở thành những người ích kỉ, cáu gắt và bướng bỉnh.

Thay vì áp đặt bắt trẻ phải làm những điều mà chúng không muốn, các bậc cha mẹ nên chia sẻ, dành nhiều thời gian tâm sự với các em để tìm hiểu xem trẻ thích gì, muốn gì? Ví dụ, khi trẻ nhuộm tóc xanh đỏ, hay xăm một hình xăm, đừng vội mắng mỏ trẻ theo kiểu “Ai cho phép con làm như vậy? Nếu mai con không đi sửa thì đừng trách bố (mẹ) không báo trước”. Với thái độ của cha mẹ như vậy, trẻ có thể còn làm điều chướng tai gai mắt hơn.

Không can thiệp thô bạo

Các chuyên gia thường lưu ý các bậc cha mẹ nên cảm thông với xu hướng tìm kiếm một hệ giá trị thuần khiết lý tưởng ở tuổi mới lớn, nhiều khi khác xa so với những quan niệm thông thường. Do vậy, một tình huống khá phổ biến và cũng rất dễ hiểu là khi bố mẹ tìm cách ngăn cấm một cách thô bạo đối với tình yêu tuổi mới lớn, mà chỉ đưa ra được những lý do hời hợt bề ngoài, thì vô tình bố mẹ đã tạo ra một thử thách cho sự tự khẳng định hệ giá trị của tuổi mới lớn, khiến các em tìm cách "quyết tâm lao vào" cho đến khi thất bại thì thôi.

Thiết lập nội quy nghiêm ngặt

Trong xã hội hiện đại, các bậc cha mẹ giáo dục con thoáng hơn, không hà khắc như trước kia mà cho trẻ nhiều khoảng không gian riêng để tự do thể hiện cá tính của mình. Đó là một cách giáo dục thực sự tốt nếu như chúng ta biết thiết lập những tiêu chuẩn rõ ràng, đầy đủ. Bởi với trẻ đang ở tuổi dậy thì, bao nhiêu tự do vẫn là chưa đủ. Nếu chúng ta thả lỏng trẻ, vô tình trẻ sẽ trượt dài khỏi các quy chuẩn.

Vì vậy, hãy luôn quy định những tiêu chuẩn rõ ràng như phải về nhà trước 10h đêm, không được hút thuốc, uống rượu, không đưa bạn khác giới về nhà khi cha mẹ vắng nhà,... cho con và đòi hỏi con phải tôn trọng điều đó nếu muốn cha mẹ tôn trọng khoảng không gian tự do của mình.

Kiên nhẫn

Trước tiên, cha mẹ phải là tấm gương về tính kiên nhẫn. Tuổi dậy thì, trẻ thường bị ảnh hưởng rất nhiều từ tính cách của người lớn, hoặc những người gần gũi, thân thiết với chúng. Nếu thấy cha mẹ hay vội vã, cáu gắt cộc cằn và thiếu bình tĩnh trước mọi việc, trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tính khí trẻ dậy thì luôn thích làm trái ý cha mẹ, đặc biệt khi bạn càng cấm thì trẻ lại càng hứng thú với việc đó.

Hãy nhớ rằng chống lại trẻ tuổi mới lớn là chống lại dòng nước lũ. Khi bị lũ cuốn, cách ứng xử khôn ngoan là hãy trôi cùng dòng nước đến khi có thể gặp được chỗ nào đó, có cái gì đó để bám. Cố giãy giụa, quẫy đạp vừa mất sức, vừa có thể bị lũ cuốn mạnh hơn.

Nguồn: Gia đình Việt Nam