Sản phụ có thể được lưu giữ máu dây rốn miễn phí
Được ví như cuộc cách mạng trong y học, tiến hành ghép tế bào gốc trở thành niềm hi vọng cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh nan y về máu như ung thư máu, tan máu bẩm sinh, suy tủy... TS. Trần Ngọc Quế - Phó GĐ Ngân hàng Tế bào gốc (Viện Huyết học truyền máu TW cho biết: "Hiện Việt Nam đã có rất nhiều ngân hàng tế bào gốc mà ở đó các gia đình có nhu cầu sẽ tự trả chi phí lưu trữ tế bào gốc cho đứa con mới ra đời. Ngoài lưu trữ theo kiểu dịch vụ, tại Viện Huyết học và truyền máu TW còn có ngân hàng lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng.
Tại đây, tế bào gốc sẽ do các sản phụ tự nguyện hiến tặng, lưu trữ miễn phí và sẽ được sử dụng cho tất cả mọi người nếu có yêu cầu. Hiện Ngân hàng Tế bào gốc - Viện Huyết học Truyền máu TW đang lưu trữ 2.270 tế bào gốc, nhiều trường hợp bệnh nhân đã được cứu sống nhờ tìm đến nguồn tế bào gốc máu dây rốn được lưu trữ tại đây".
May mắn tìm được tế bào gốc phù hợp từ Ngân hàng TBG máu dây rốn cộng đồng
TS. Trần Ngọc Quế kể lại, vào năm 2014, viện đã lần đầu tiên thực hiện ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng (từ nguồn tế bào gốc không cùng huyết thống) cho bệnh nhân Hoàng Thùy Linh. Nữ bệnh nhân này bị mắc bệnh ung thư máu nên phương pháp chữa trị tối ưu nhất chỉ có thể là ghép tế bào gốc đồng loại. Tế bào gốc để ghép được phải phù hợp về kháng nguyên bạch cầu đối với người được nhận. Cũng vì thế, nguồn tế bào gốc được xét đến đầu tiên là anh chị em ruột vì tỷ lệ phù hợp cao hơn.
Tuy nhiên, dù em trai Thùy Linh đã sẵn sàng hiến tế bào gốc cho chị gái nhưng giữa hai chị em lại không phù hợp về HLA. Vậy nên mọi hy vọng của bệnh nhân đều trông chờ vào nguồn tế bào gốc phù hợp trong Ngân hàng tế bào gốc dây rốn cộng đồng. Điều kỳ diệu là tại thời điểm ghép cho bệnh nhân Thùy Linh, trong số hàng trăm mẫu máu dây rốn cộng đồng đang được lưu trữ thì có đến 3 mẫu phù hợp. Nhờ vậy, sau quá trình phẫu thuật, bệnh nhân đã phục hồi sức khỏe rất tốt.
Sau khi được ghép tế bào gốc từ ngân hàng TBG máu dây rốn, Thùy Linh đã tìm lại được nụ cười.
Giống như trường hợp của Thùy Linh, anh Thế Hiển cũng đã may mắn tìm được tế bào gốc phù hợp với mình từ ngân hàng tế bào gốc cộng đồng. Anh Hiển phát hiện mình bị bệnh suy tủy xương khi vừa mới kết hôn. Tai họa bệnh tật giáng xuống anh khi đang trong thời gian hạnh phúc nhất. Chỉ trong 1 thời gian ngắn điều trị, anh đã sụt 5 cân, người hốc hác, xanh xao. Nếu bệnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ thì sẽ nhanh chóng diễn tiến thành ung thư máu cấp tính. Nhưng anh đã tìm được tế bào gốc phù hợp với mình từ ngân hàng cộng đồng. Sau khi ghép thành công, anh lại trở về được với cuộc sống thường ngày, cùng vợ đón đứa con đầu lòng xinh xắn.
"Không chỉ hai trường hợp Thùy Linh và anh Hiển mà còn có rất nhiều bệnh nhân khác đã tìm lại được cuộc sống từ Ngân hàng Tế bào gốc cộng đồng. Tính đến nay, các tế bào gốc máu dây rốn được dùng để điều trị trên 70 bệnh khác nhau như các bệnh ung thư máu thuộc dòng tế bào bạch cầu, các bệnh di truyền của hồng cầu, của hệ miễn dịch, rối loạn chuyển hóa, các bệnh lý ung thư không do di truyền như suy tủy, thiếu máu nặng..." - Ts Trần Ngọc Quế cho biết.
Từ cuối năm 2014 đến nay, Viện Huyết học truyền máu TW đã thực hiện 13 ca ghép tế bào gốc thành công từ nguồn máu dây rốn của Ngân hàng tế bào gốc cộng đồng.
Các sản phụ có thể được lưu giữ máu dây rốn miễn phí!
Không một ai biết được một em bé được sinh ra đến khi lớn lên có thể mắc những bệnh gì. Đối với ngành y học, việc cất giữ tế bào gốc dây rốn như một tấm bảo hiểm bệnh tật cho con cái ở tương lai. Nhiều người lựa chọn cách lưu trữ dịch vụ máu dây rốn tại các ngân hàng với số tiền ban đầu là 25 đến 30 triệu đồng, mỗi năm sẽ chi trả thêm 2 đến 3 triệu đồng tiền bảo quản thường niên.
Những sản phụ khỏe mạnh hoàn toàn có thể có cơ hội lưu trữ miễn phí máu dây rốn vào Ngân hàng tế bào gốc cộng đồng.
Tuy nhiên, vẫn có những sản phụ có thể được lưu giữ máu dây rốn miễn phí nếu tình nguyện hiến tặng cho ngân hàng, ngoài việc giúp đỡ cộng đồng thì chính đứa con của các thai phụ cũng sẽ được thụ hưởng tế bào gốc của mình nếu có nhu cầu trong tương lai.
Điều kiện để một mẫu tế bào máu cuống rốn được lưu trữ là: Mẹ không mắc một trong các bệnh truyền nhiễm như lậu, giang mai, viêm gan B, viêm gan C, HIV... tiểu đường, huyết áp, ung thư, bệnh về miễn dịch, khi sinh con không sốt, không bị nhiễm trùng. Chỉ số về thể tích hồng cầu (biết được ở tuần thứ 36 khi xét nghiệm làm hồ sơ sinh) đạt trên 80g/l. Thể tích máu cuống rốn khi lấy được phải đạt mức 160 - 280mg.
Theo Emdep
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua