Dòng sự kiện:

Sự thật đáng sợ khi cho con tắm bể bơi công cộng ngày hè

16:54 28/06/2016
Nguy cơ lây nhiễm nhiều nguồn bệnh tại bể bơi công cộng ngày hè là không tránh khỏi nếu bố mẹ vẫn quyết định cho con đi bơi.

Đi bơi trong ngày hè là thói quen của rất nhiều gia đình. Trong tiết trời oi bức, được dầm mình trong bể bơi mát lạnh thì còn gì bằng. Vì vậy, nhiều gia đình đã thường xuyên cho con đi bơi để giải nhiệt và nâng cao sức khỏe...

Không phải gia đình nào cũng có điều kiện thiết kế riêng một bể bơi cho cả nhà thỏa sức bơi lội, chính vì vậy, bể bơi công cộng là lựa chọn tối ưu nhất. Tuy nhiên, đằng sau rất nhiều lợi ích từ thú vui bơi lội, thì "các vận động viên" nhí phải đối mặt với hàng loạt mầm bệnh.

Nguy cơ lây nhiễm nhiều nguồn bệnh tại bể bơi công cộng ngày hè là không tránh khỏi nếu bố mẹ vẫn quyết định cho con đi bơi. Ảnh: Mai Nguyên

Chị Loan (35 tuổi - ở Xuân Đỉnh - Bắc Từ Liêm - Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị có 2 nhóc tì 8 tuổi và 4 tuổi. Chiều tan tầm về là cả nhà chị lại kéo nhau đi bơi để cho con vừa tập bơi vừa nâng cao sức khỏe... Mấy đứa nhà chị rất thích thú với thói quen này vào dịp nghỉ hè, nên sau 1 ngày bị "nhốt" trong nhà cùng bà nội, thì chiều đến chỉ ngóng bố mẹ đi làm về để được ra bể bơi.

Theo lời chị Loan, sẽ chẳng có gì đáng nói nếu gần đây, bé gái nhà chị bị nổi mẩn hết người sau nửa tháng đi bể bơi. Ban đầu chị tưởng do nóng nên cơ thể bé phát ban, chị mua thuốc giải độc gan, tắm lá mát cho con, nhưng tình trạng càng ngày càng nghiêm trọng. Bé ngứa ngáy nên gãi nhiều trầy xước hết da khiến chị vô cùng sốt ruột nên đưa con đến bệnh viện da liễu khám.

Sau khi nhận kết quả bé bị viêm nang lông nặng, chị mới hiểu rõ nguồn lây bệnh cho con là tại bể bơi công cộng mà chiều nào chị cũng cho con đến.

Gia đình chị Hương (Đội Cấn - Hà Nội) cũng tương tự, cho con đi bơi là thói quen của gia đình chị mỗi dịp hè để mong con có thân hình thon gọn, bởi bé gái nhà chị mới 9 tuổi nhưng khá bụ bẫm khiến công cuộc giảm cân cho con của chị khá vất vả.

Tuy nhiên, mới chỉ đi bể bơi cùng bố được vài hôm, con gái chị đã mắc bệnh đau mắt đỏ do tiếp xúc với nguồn nước không sạch.

Mắc bệnh tại bể bơi công cộng là điều thường xuyên xảy ra, bởi mỗi ngày bể bơi đón nhận rất nhiều người. Và không phải ai cũng có ý thức giữ gìn cho nguồn nước được trong sạch, việc tè bậy ngay trong nguồn nước của bể bơi và điều không tránh khỏi.

Ngoài ra nhiều người mắc bệnh ngoài da, bệnh lây nhiễm khác như đau mắt đỏ, bệnh tai mũi họng, bệnh tiêu chảy, bệnh vùng kín... nhưng vẫn nghiễm nhiên có mặt tại bể bơi khiến mầm bệnh lây nhiễm sang người khác.

Một số lưu ý khi đưa con đi bơi: Nên chọn bể bơi không quá đông người để đảm bảo nguồn nước sạch. Khi da bé bị trầy xước, có vết thương hở thì tuyệt đối không cho con đi bơi.

Ngoài ra, mẹ nên trang bị kính bơi, mũ bơi cho con để đảm bảo mắt con ít tiếp xúc với nguồn nước tại bể. 

Sau khi rời khỏi bể bơi, bé cần được vệ sinh sạch sẽ mắt, ta, mũi bằng nước muối sinh lý, tắm xà phòng diệt khuẩn để tránh tổn thương đến làn da bé.

Mai Nguyên

Nguồn: Gia đình Việt Nam