Dòng sự kiện:

Tác dụng chữa bệnh tuyệt vời của quả hồng ngâm mùa thu

14:10 16/09/2016
Quả hồng ngâm chứa nhiều chất xơ gấp 2 lần so với các trái cây khác và có nhiều tác dụng chữa bệnh tuyệt vời.

Từ độ giữa tháng 9 Dương lịch, trên khắp các con phố ở Hà Nội đồng loạt xuất hiện thứ quả nhỏ xinh - hồng ngâm. Hồng ngâm có nhiều loại, tuy nhiên giống hồng ngâm loại quả nhỏ đa phần có nguồn gốc từ Cao Bằng, Bắc Kạn và một số tỉnh phía Bắc. Đến mùa thu hoạch, hồng được hái xuống và ngâm với nhiều kỹ thuật, bí quyết loại bỏ vị chát của hồng để cho ra thứ hương vị ngọt ngào, giòn tan khiến ai cũng mê.

Ruột hồng ngâm có màu vàng cam. Đây là loại quả chứa nhiều chất xơ gấp 2 lần so với các trái cây khác. Hồng ngâm cực giàu chất chống oxi hóa, nhiều nước, vitamin C, vitamin A, protein và là nguồn cung cấp chất sắt, canxi, magie tuyệt vời.

Những tác dụng chữa bệnh tuyệt vời của quả hồng ngâm

Hỗ trợ kiểm soát cơn thèm ăn, giảm cân

Một quả hồng ngâm bình thường chứa tới 6g chất xơ, đảm bảo khoảng ¼ lượng chất xơ bạn cần hàng ngày. Như đã biết, chất xơ khiến cơ thể mất nhiều thời gian và năng lượng hơn để tiêu hóa, vì vậy, bạn sẽ no lâu hơn, giảm “cơn thèm” đồ ăn và tiêu hao thêm một lượng calo đáng kể. 

Ngoài ra, một quả hồng cỡ trung bình 168g chỉ cung cấp khoảng 31 calo và lượng chất béo cực thấp nên sẽ là món ăn vặt lý tưởng dành cho những người đang có kế hoạch giảm cân.

Giảm trướng bụng, đầy bụng và hỗ trợ tiêu hóa

Với lượng chất xơ và tannin dồi dào, quả hồng có tác động tích cực đến quá trình hoạt động của nhu động ruột, giúp ngừa tiêu chảy một cách hữu hiệu. Ăn hồng ngâm có thể giúp bạn giảm chứng đầy hơi hoặc táo bón. Tuy nhiên, bạn không nên ăn nhiều hồng ngâm khi bụng rỗng có thể khiến tắc ruột.

Ngăn ngừa các bệnh tim mạch

Quả hồng chứa nhiều đường, hầu hết là đường glucose và fructose, giúp các mạch máu lưu thông, làm khỏe các cơ tim mà vẫn duy trì được lượng đường máu ở mức bình thường.

Ngăn ngừa bệnh ung thư

Những hợp chất như sibutol, axit betulinic và hàm lượng betacaroten cao trong quả hồng được nghiên cứu là có tác dụng chống ung thư.

Chống lão hóa, cải thiện thị lực

Một nghiên cứu tại Nhật Bản đã chứng minh tác dụng chống lão hóa của quả hồng. Đó là nhờ nhóm hợp chất proan - thocyanidin có nhiều trong lớp vỏ hồng, giúp bảo vệ tế bào không bị oxy hóa. Ngoài ra, trái hồng cũng chứa một lượng đáng kể vitamin A giúp củng cố thị lực.

Trị thiếu máu

Chất đồng dồi dào trong trái hồng sẽ giúp cơ thể hấp thụ chất sắt một cách tốt nhất để tạo nên nhiều tế bào máu đỏ, từ đó phòng ngừa và điều trị bệnh thiếu máu rất tốt.

Chống viêm

Trong quả hồng chứa dồi dào chất catechins và polyphenolic, đây là những hợp chất chống ôxy hóa mạnh có tác dụng kháng viêm và chống nhiễm trùng rất tốt.

Tăng cường hệ miễn dịch  

Quả hồng có chứa rất nhiều vitamin C, vì vậy bạn có thể ăn hồng thường xuyên để phòng ngừa và điều trị một số bệnh thông thường như cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm trùng phổi, hen suyễn...  

Giải rượu và chống say rượu

Nếu ăn hai quả hồng sau khi uống rượu, ngày hôm sau bạn sẽ không bị đau đầu bởi Tannin trong quả hồng sẽ giúp tăng tốc độ giải rượu, bảo vệ gan.


 

Bí quyết loại bỏ vị chát của hồng

- Cho hồng vào túi nylon cùng với 1 hoặc 2 quả táo (loại táo tàu to) buộc kín miệng túi lại, 2-3 ngày sau, hồng sẽ không còn chát nữa.

- Bạn có thể tự làm hồng ngâm bằng cách xếp hồng vào trong thùng kín, lấy cồn hoặc rượu phun lên bề mặt quả, đậy kín 3-5 ngày, hồng sẽ hết chát.

- Hòa nước vôi với nồng độ 3%, bỏ hồng vào và đậy lại. Ngâm 3-5 ngày ăn sẽ ngon.

- Xếp hồng lẫn với lê, đậy kín 3-5 ngày vị chát của hồng cũng sẽ mất đi.   

- Ngâm hồng vào nước ấm 35 độ C, hai ngày sau, hồng sẽ không còn chát nữa. Hoặc ngâm vào chậu nước nóng 40-45 độ C và đậy lại. Đến khi nguội thì thay 1-2 lần nước nữa, để qua đêm, hồng sẽ không còn chát.  

- Sau khi rửa sạch hồng bằng nước muối, bạn lấy kim châm một ít rồi ngâm vào nước sôi để nguội. Vị chát sẽ không còn.

- Ngoài ra có một cách làm hồng ngâm đơn giản là bạn vùi hồng xanh vào trong thùng gạo, để 4-5 ngày là có thể ăn được.

Cách chọn hồng ngâm giòn ngọt không chát, không hóa chất

Trên thị trường có 2 loại hồng ngâm. Loại hồng ngâm 1 là loại hồng ngâm vôi, đây là loại quả mà khi bán vẫn còn 1 lớp vôi bám ở bên ngoài và loại hồng ngâm thứ 2 có vỏ ngoài như trái hồng xanh, ăn giòn và ngọt. Đây là loại hồng ngâm có xuất xứ Đà Lạt

Nghe những người bán hàng chia sẻ, để chọn được những trái hồng ta ngâm này cần quan sát bên ngoài quả. Quả hồng ta ngâm thường nhỏ, mẫu mã không đẹp, núm quả có nhiều đốm đen. Khi bổ hồng ngâm phần núm cứng, sắc vàng cam, ăn có vị ngọt sắc. Bên ngoài quả có nhiều ngấn dọc từ thân quả xuống. Hồng ngâm ngon thường có hình tim.

Bạn có thể tham khảo cách phân biệt hồng ngâm hóa chất qua bài viết Cô bán hồng chỉ cách phân biệt hồng ngâm hóa chất

Ngoài ra, hồng ngâm là loại quả không phải ai cũng thích hợp để ăn. Bạn cần biết Những điều cấm kỵ khi ăn hồng ngâm để không hại sức khỏe

Tiểu Vũ (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam