Dòng sự kiện:

Tác dụng phụ nguy hiểm của miếng dán chống say tàu xe

17:27 04/01/2016
Với những người bị say tàu xe, việc dùng miếng dán chống say là giải pháp được nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, khi dùng loại thuốc thấm qua da này dễ gặp những tác dụng phụ nguy hiểm.

 

 [mecloud]Btw3QtNj6E[/mecloud]

Với những người bị say tàu xe, việc dùng miếng dán chống say là giải pháp được nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, khi dùng loại thuốc thấm qua da này dễ gặp những tác dụng phụ rất nguy hiểm.

Khổ sở vì dùng miếng dán chống say xe

Chị L.T.T ở Hoàng Mai (Hà Nội) rất sợ đi các phương tiện giao thông, vì đi loại phương tiện nào (ôtô, tàu hỏa...) chị cũng đều bị say, nôn thốc nôn tháo, phải nằm bê bết vài ngày. Hôm về quê có việc hiếu, chị được mọi người mách dùng miếng dán chống say xe, sẽ không còn cảm giác nôn nao, ngủ một giấc là đến nơi. Thế là chị dán một miếng lên sau vành tai, rồi ngủ mê mệt suốt chặng đường cả đi và về, không có cảm giác say. Chỉ tiếc là khi đến nơi cần tỉnh táo để giải quyết mọi việc thì chị cứ mắt nhắm mắt mở buồn ngủ, ngồi gật gù như người lên đồng.

Hai ngày, rồi ba ngày sau đó chị vẫn còn cảm giác lơ mơ, hoa mắt, chóng mặt và không thể tập trung làm được việc gì. Quá sợ hãi và không chịu đựng được các cảm giác này, chị tới bác sĩ khám bệnh. Sau khi hỏi han tỉ mỉ, bác sĩ khẳng định, các dấu hiệu trên ở chị, cũng như nhiều người khác đã gặp phải là do bị tác dụng phụ của miếng dán chống say xe.

Miếng dán chống say xe cũng có tác dụng phụ nguy hiểm.

Thuốc ngấm qua da và các tác dụng phụ

Miếng dán dùng dán sau tai để chống say tàu xe (thường có hình chữ nhật hay hình tròn) là loại thuốc điều trị ngấm qua da, có tác dụng toàn thân, không khác gì thuốc uống. Miếng dán có chứa dược chất scopolamin. Khi dán lên da (vùng sau tai), thuốc sẽ thấm dần xuyên qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào máu với một lượng đủ có tác dụng chống co thắt, giảm sự kích thích đưa đến hóa giải buồn nôn và nôn do say tàu xe.

Ưu điểm của miếng dán là không bất tiện như thuốc tiêm, không có sự biến đổi hấp thu và bị chuyển hóa bởi gan như thuốc uống, có thể cung cấp dược chất một cách liên tục, không phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày, khi muốn ngưng điều trị chỉ cần bóc bỏ miếng dán ra khỏi da là được. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là dạng thuốc dán xuyên da này có thể gây các tác dụng phụ rất khó chịu, giống như dạng thuốc uống hay tiêm. Do miếng dán được dán ngay sau tai nên thuốc ngấm vào tĩnh mạch não nhanh rồi tác dụng ngay lên các cơ quan của não.

Cụ thể, tác dụng bất lợi của miếng dán chống say xe gây ra cho người sử dụng là: liệt đối giao cảm (do tác động đến hệ thần kinh) làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn điều tiết mắt (làm mắt nhìn mờ, hoa mắt)... Nếu dùng miếng dán chống say cho trẻ em thì tác dụng phụ thật vô cùng đáng ngại và phải sau nhiều ngày (có khi cả tuần) các cảm giác khó chịu mới hết hẳn.

Có trường hợp còn nghĩ đây là miếng dán chứ không phải là thuốc nên muốn dán thật nhiều thì tác dụng mới nhanh và lâu nên thường sử dụng một lúc 2, 3 miếng dán hoặc sử dụng cùng lúc với thuốc uống. Việc làm này rất phản khoa học và rất nguy hiểm. Bởi bản thân miếng dán cũng là một dạng thuốc và đã được nhà sản xuất tính toán liều lượng tốt nhất có trong miếng dán, phù hợp với thể trạng của người sử dụng. Khi dùng nhiều miếng dán cùng lúc, thuốc sẽ ngấm hết qua da, thẩm thấu vào máu với liều lượng rất cao. Khi đó người sử dụng sẽ ở trong tình trạng dùng thuốc quá liều, việc gặp tác dụng phụ rất khó tránh khỏi và sẽ nặng hơn, thậm chí nguy kịch vì ngộ độc thuốc.

Tuyệt đối không dùng kết hợp cả miếng dán và thuốc uống, thuốc tiêm chống say xe. Việc dùng nhiều loại thuốc cùng lúc sẽ khiến thần kinh trung ương và toàn thân bị chi phối bởi nhiều loại thuốc, tình trạng quá liều luôn thường trực, tai biến, ngộ độc do thuốc luôn cận kề, chưa kể những tương tác cộng hưởng thuốc sẽ khiến cơ thể phải chịu những hậu quả khó lường.

Những lưu ý đặc biệt

Trước khi dùng miếng dán chống say xe, cần tuân theo sự hướng dẫn về cách dùng như: thời điểm dán, dán trong bao lâu, nơi dán, khoảng cách giữa hai lần dán... để hạn chế các tác dụng phụ có thể gặp phải. Nên dán miếng dán vào vùng da khô sau tai từ 4 - 6 giờ trước khi khởi hành, bởi đó là thời gian cần thiết để thuốc trong miếng dán thẩm thấu qua da và phát huy tác dụng (nếu sáng hôm sau đi thì nên dán vào ngay buổi tối trước khi đi ngủ).

Không được dán ở nơi da bị kích thích hay trầy xước vì sẽ làm tăng sự thẩm thấu qua da của hoạt chất này và có thể gây ngộ độc. Không dùng miếng dán chống say xe cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Trẻ em trên 8 - 15 tuổi thì dùng nửa miếng dán.

Khi dùng miếng dán chống say xe mà thấy có triệu chứng bất thường như: nhìn mờ, hoa mắt, nhức đầu, ảo giác... thì phải bóc miếng dán khỏi da ngay. Nếu thấy sức khỏe giảm sút, cần tới bác sĩ khám để được can thiệp kịp thời. Sau khi dán hoặc gỡ miếng dán nên rửa tay thật kỹ để thuốc không dính vào đồ ăn, thức uống, vô tình được đưa vào cơ thể sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Theo Sức khỏe đời sống

[mecloud]QoRgE93vp1[/mecloud]