Dòng sự kiện:

Tiêm chủng cho con, mẹ cần tìm hiểu những gì?

17:28 09/11/2015
Vấn đề tiêm chủng cho trẻ sơ sinh là điều mà không mẹ nào được phép quên. Đặc biệt, mẹ phải tìm hiểu thật kĩ các vấn đề liên quan tới tiêm phòng cho bé.

 

 

 

[mecloud]z6ztNHkxeG[/mecloud]

1. Lứa tuổi tiêm phòng

Đối với các trẻ nhỏ hơn 12 tháng việc tiêm phòng nên được thực hiện theo yêu cầu của chương trình y tế quốc gia. Ngoài ra trong lứa tuổi này trẻ có thể tiêm được 2 loại vắc xin khác ngoài chương trình đó là: Vắc xin phòng Viêm màng não mủ HIB, và vắc xin phòng Cúm.

Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên việc tiêm phòng trong chương trình tiêm chủng quốc gia không còn tiếp tục nữa, khi đó các bạn nên đưa con em của mình đến các trung tâm tiêm phòng để được tiêm các loại vắc xin khác cần thiết cho trẻ như:

Tiêm nhắc lại Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván-Bại liệt.

Tiêm nhắc lại Viêm gan siêu vi B.

Viêm màng não mủ do HIB

Viêm não Nhật Bản

Viêm màng não mủ do não mô cầu A+C

Trái rạ

Sởi - Quai bị- Rubella

Thương hàn

Cúm

Viêm màng não-viêm phổi do phế cầu…

2. Những trường hợp hoãn hoặc không tiêm chủng cho bé

Trong một số trường hợp việc tiêm phòng có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm cho trẻ. Những trường hợp này việc tiêm phòng sẽ được hoãn lại và chờ ý kiến quyết định của BS chuyên khoa.

Những trường hợp đó gồm có:

-Trẻ đang sốt cao.

-Trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính.

-Đang bị viêm da mủ, hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma).

-Trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi, tràn dịch (có nước) màng phổi..., nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính v.v...).

-Trẻ mới khỏi các bệnh nói trên, nhưng còn đang trong thời kỳ hồi sức.

[mecloud]khAVwhzaV3[/mecloud]

3. Trước khi tiêm

- Không cho trẻ ăn, bú quá no, tuy nhiên cũng không để trẻ đói để tránh tình trạng trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm.

- Vệ sinh thân thể sạch sẽ để hạn chế nhiễm trùng. Khi tiêm phòng, cần cho trẻ mặc trang phục đơn giản để giúp bác sĩ dễ thao tác trong quá trình khám, không mặc quần áo quá bó chặt, ủ ấm quá nhiều.

- Chuẩn bị đủ hồ sơ sức khỏe của bé, đặc biệt là sổ tiêm chủng trước đó.

- Trước khi tiêm nên trao đổi với bác sĩ những biểu hiện sức khỏe của trẻ, có bị suy dinh dưỡng, có mắc bệnh cấp tính (như sốt, viêm phổi, viêm phế quản...), tiền sử bệnh tật, dị ứng với thuốc, hóa chất, thức ăn... để giảm đi những phản ứng bất lợi cho trẻ.

- Mũi tiêm trước cùng loại đấy bé có bị dị ứng, mẩn đỏ, sốt không. Nếu có thì trao đổi với bác sĩ để chuyển vắcxin khác cũng có tác dụng tương tự.

4. Sau khi tiêm chủng cho bé

- Ngồi lại theo dõi 15-30 phút, xem có dị ứng với thuốc không.

- Theo dõi khi trẻ về nhà: Theo dõi xem trẻ có sốt không, biểu hiện bên ngoài da, cử chỉ, quấy khóc, bú mẹ có bình thường không, đi ngoài thế nào. Đặc biệt là với những trẻ tiêm lần đầu khi ở 2 tháng tuổi, tiêm mũi đầu tiên và tiêm vắcxin 5 trong 1.

5.Chăm sóc trẻ sau khi tiêm

- Cha mẹ nên chườm mát nơi tiêm (không chườm nóng), cho trẻ uống nhiều nước, bú mẹ nhiều hơn, mặc đồ thoáng.

- Trẻ sốt nhẹ sốt 37-38 độ thì có thể dùng các biện pháp làm mát, hạ nhiệt, thuốc hạ sốt đặt hậu môn. Nếu sốt trên 38 độ thì dùng thuốc hạ sốt, tác dụng nhanh hơn.

6. Khi nào đưa trẻ đến bệnh viện

- Phản ứng sau tiêm có nhiều loại: thường gặp, ít gặp, hiếm gặp và rất hiếm gặp. Đa phần các phản ứng sau tiêm đều xảy ra với các loại văcxin khác nhau. Phản ứng tại chỗ tiêm có thể là sưng, đau, khó chịu, mệt mỏi, có thể sốt nhẹ, phản ứng gần như xảy ra ở các loại văcxin, phản ứng thông thường.

- Nếu trẻ có biểu hiện bất thường sau tiêm, cha mẹ có thể liên hệ với nhân viên tư vấn hoặc cán bộ y tế xã để được tư vấn.

- Sau tiêm, trẻ có thể sốt nhưng nếu bình thường thì chỉ sốt một ngày, nhiều lắm là 2 ngày. Nếu trẻ sốt cao hơn 2 ngày thì cha mẹ nên thận trọng, có thể đưa trẻ đến bệnh viện để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

- Một số biểu hiện nặng sau tiêm chủng: sốt cao trên 39 độ C, co giật, chân tay lạnh, tím tái, khó thở, quấy khóc, không đáp ứng thuốc hạ sốt thông thường, bỏ bú, sưng to, đỏ quanh chỗ tiêm...

Khi đó, cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện.

Lưu ý:

Các loại vắc xin tiêm phòng sẽ phát huy hiệu quả cao nhất nếu bạn tiêm đủ liều và đúng theo lịch tiêm phòng.

Phải chủ động tiêm phòng trước khi có dịch bệnh xảy ra, không nên thấy có dịch bệnh rồi mới đi tiêm phòng vì như vậy hiệu quả của việc tiêm phòng sẽ không cao, và rất dễ xảy ra tình trạng thiếu thuốc tiêm phòng.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video xem nhiều nhất: [mecloud]HSm6c15Uvh[/mecloud]