Trẻ bị liệt cánh tay do "chuyển dạ"- mẹ Việt cần biết
Bé gái Vũ Phương N. (Thái Bình) 3 tháng tuổi, xinh xắn, bụ bẫm, trắng trẻo nhưng toàn bộ cánh tay trái mất vận động từ lúc lọt lòng. Chị P. mẹ cháu kể lại: N. là con đầu lòng của anh chị, lúc sinh nặng 4,1kg, do thai to lại đẻ thường nên sinh rất khó, các bác sĩ phải giúp sức kéo bé N. ra. Nhưng sau đó, chị phát hiện bên tay trái của con không thấy cử động, không có cảm giác sờ, nắm, cấu không thấy khóc. Gia đình đã đưa bé lên Hà Nội khám và điều trị phục hồi chức năng ở Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán N. bị tổn thương toàn bộ đám rối thần kinh cánh tay và được giới thiệu sang Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt – BV Việt Đức để phẫu thuật nối ghép thần kinh.
Ảnh minh họa.
Còn trường hợp con chị Nhàn ( Sơn Tây) lại là một trường hợp đáng tiếc. Con chị cũng bị liệt cánh tay từ khi mới sinh. Do gia đình không biết cứ nghĩ cháu bị liệt bẩm sinh nên không mang V đi khám. Hiện V đã 5 tuổi nhưng cánh tay phải của cháu teo lại không cử động được.
Theo bác sỹ bệnh viện Việt Đức cho biết: Việt nam có khoảng 50-60% trẻ bị mắc bệnh liệt đám rối thần kinh cánh tay.Trẻ sinh ra bị liệt đám rối thần kinh cánh tay cần được theo dõi liên tục đến 3 tháng tuổi thì có thể dự đoán được khả năng phục hồi của trẻ thế nào, từ đó đưa ra quyết định phương pháp phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân của tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh là do tai biến sản khoa trong lúc người mẹ chuyển dạ sinh thường. Bệnh thường xảy ra ở những trẻ quá to do bà mẹ có cân nặng lớn, hoặc bị tiểu đường thai kỳ. Nếu trẻ vẫn được sinh thường thì khi chui qua khung chậu của mẹ, vai trẻ sẽ bị chèn ép gây tổn thương. Hoặc khi mẹ rặn sinh, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh giúp sức bằng cách dùng tay kéo hoặc dùng dụng cụ hút trẻ ra cũng có thể làm tổn thương đám rối thần kinh cánh tay trẻ.
Tổn thương nhiều mức
Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay thường xảy ra ở ba mức độ. Mức độ nhẹ, bé chỉ bị yếu bên cánh tay bị tổn thương. Ba tháng đầu sau sinh bé sẽ có dấu hiệu hồi phục dần và một năm sau hồi phục vận động hoàn toàn.
Ở mức độ vừa, tổn thương đám rối thần kinh cánh tay được gọi là liệt cao. Tức là bé chỉ bị tổn thương đám rối các rễ thần kinh C5, C6 (thần kinh cột sống thứ 5 và thứ 6). Những trường hợp này có chỉ định phẫu thuật và nếu được mổ sớm, việc phục hồi cánh tay của bé cũng rất tốt.
Mức độ nặng hơn, bé bị tổn thương toàn bộ rễ của đám rối thần kinh cánh tay (tổn thương các rễ thần kinh từ C5, C6, C7, C8 đến N1 - thần kinh ngực). Ở mức độ nặng, tổn thương xảy ra ở nhiều dạng là đứt dây thần kinh đám rối hoặc giật đứt toàn bộ rễ thần kinh đám rối... Các trường hợp này đều cần phẫu thuật sớm mới có hi vọng phục hồi chức năng cánh tay cho bé.
Một số trường hợp người nhà không có đầy đủ thông tin về bệnh lý này, dẫn đến trẻ không được điều trị kịp thời, đến khi hơn 1 tuổi mới phẫu thuật thì kết quả phục hồi không còn tốt so với "thời gian vàng" để phẫu thuật là từ 3-12 tháng tuổi. Trường hợp xấu hơn là trẻ không được phát hiện bệnh và điều trị, cánh tay bị tổn thương đám rối thần kinh mức độ nặng sẽ bị liệt vĩnh viễn.
Cách nhận biết và điều trị
Bác sĩ sản khoa và phụ huynh có thể nhận biết trẻ bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay qua triệu chứng xụi lơ cánh tay. Cụ thể, bên tay lành trẻ vẫn quơ qua quơ lại bình thường, còn bên tay tổn thương sẽ yếu, không hoạt động bình thường hoặc không hoạt động gì cả.
Tuy nhiên, có những trẻ ngoài bị liệt đám rối thần kinh còn bị gãy xương đòn vai cũng do tai biến sản khoa. Những trẻ này phải chờ một hai tháng để theo dõi, đánh giá xem đám rối thần kinh cánh tay bị tổn thương có phục hồi hay không. Nếu không hồi phục phải phẫu thuật sớm cho trẻ.
Phẫu thuật trẻ sẽ được tái khám, theo dõi định kỳ 3, 6, 9 tháng hoặc một năm một lần để đánh giá mức độ phục hồi thần kinh thế nào. Thường sau mổ một năm mới đánh giá được mức độ phục hồi thế nào do đám rối thần kinh mỗi ngày chỉ mọc 1mm. Sau khi mổ ba tuần mới mở băng bột cho bé để tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Để đánh giá kết quả mổ, bé sẽ được kiểm tra chức năng vận động ở ba vị trí là vai, khớp khuỷu và cử động của bàn tay. Nếu vận động vai tốt, cử động khuỷu tốt, cầm nắm tốt, sau này bé có thể mang, xách nặng được khi cần thiết.
Về phía gia đình, quan trọng nhất trong ba tuần đầu sau mổ phải cố định cánh tay cho trẻ. Nếu để trẻ cử động mạnh sẽ làm các đầu dây thần kinh mới được nối bung ra. Ngoài ra, người nhà cũng phải hết sức kiên trì tập vật lý trị liệu sau mổ cho trẻ.
Nếu tay bé vẫn cử động được, nhưng không giơ lên thì gia đình nên đưa bé đi phục hồi chức năng tại bệnh viện hoặc các phòng khám tư nhân. Tại đây bé sẽ được tập vận động cơ. Chạy thuốc hỗ trợ cho tay bé khỏe hơn.
Thời gian điều trị phục hồi chức năng phải mất vài tháng tay bé mới có thể cử động được nên các gia đình phải kiên trì phối hợp với các bác sỹ vận động cho bé.
Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua