Dòng sự kiện:

Trẻ bị viêm phế quản đừng cho uống kháng sinh!

15:00 20/09/2016
Vào mùa thu đông, thời tiết thay đổi và chuyển biến bất thường nên trẻ em bị mắc bệnh hô hấp gia tăng, trong đó có bệnh viêm phế quản.

Số trẻ mắc bệnh viêm phế quản tăng nhanh khi giao mùa

Viêm phế quản rất hay gặp ở trẻ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi do sức đề kháng kém, khả năng miễn dịch chưa hoàn thiện. Đặc biệt những trẻ sinh non, thiếu cân, suy dinh dưỡng, còi xương dễ mắc viêm phế quản...Và nếu không được trị kịp thời, đúng cách dễ dẫn đến viêm phổi. Ngoài ra một số trẻ bị mắc bệnh cảm cúm, ho gà, sởi...nếu gặp thời tiết thuận lợi càng tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút tấn công và dễ mắc viêm phế quản.

Thời tiết giao mùa, trở lạnh đột ngột khiến cơ thể các bé chưa thể thích nghi kịp nên dễ bị vi rút xâm nhập tấn công. Khi các bé đến lớp lại lây nhiễm bệnh sang bé khác khiến số trẻ mắc bệnh viêm phế quản tăng nhanh khi giao mùa.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) số trẻ em tử vong do các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính chiếm tới 75%. Tỷ lệ trẻ tử vong/năm dưới 5 tuổi trên toàn thế giới là 13 triệu. Còn ở Việt Nam bệnh viêm phổi là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu trong các bệnh về đường hô hấp.

Khi trẻ bị viêm phế quản không nhất thiết dùng kháng sinh

Nhiều cha mẹ khi thấy con bị ho, sốt liền vội vàng tìm đến thuốc kháng sinh với suy nghĩ mong con nhanh khỏe lại. Tuy nhiên với viêm phế quản ở trẻ nhỏ chiếm tới 90% nguyên nhân là do vi rút. Vì thế khi trẻ bị viêm phế quản do vi rút đồng nghĩa với sử dụng thuốc kháng sinh không có tác dụng.

Trẻ bị viêm phế quản do vi rút sử dụng kháng sinh không hiệu quả mà còn khiến trẻ mệt hơn

Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối các bậc cha mẹ không tự ý mua thuốc khi con bị viêm phế quản. Việc bé ho khi viêm phế quản rất hữu ích bởi nó có tác dụng tống đờm ra bên ngoài, giúp bé dễ chịu và nhanh bình phục hơn.

Chăm sóc trẻ đúng cách khi bị viêm phế quản

Bệnh viêm phế quản ở trẻ nếu phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách thì bé sẽ tự khỏi. Vì vậy việc chăm sóc khi bé bị viêm phế quản là hết sức quan trọng, cần thiết.

Trước hết cần đảm bảo giữ ấm vùng cổ, tay chân, gan bàn chân cho bé (nếu vào mùa đông). Làm sạch đường phế quản bằng cách nhỏ nước muối sinh lý rồi tiến hành hút dịch, đờm ra bên ngoài để giúp bé dễ thở hơn.

Bổ sung nhiều nước ấm hàng ngày cũng là cách giúp bé dễ chịu, long đờm và tránh bị mất nước, thanh lọc cơ thể. Thêm vào đó nên mặc quần áo thoáng, mát, dễ thấm mồ hôi.

Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đảm bảo môi trường nghỉ ngơi của bé không khói thuốc, không chất độc hại.

Cho bé ăn các thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như cháo, soup, nước ép trái cây, sữa...Tuyệt đối không ép trẻ ăn quá nhiều và hạn chế các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, nhiều đường,...

Điều trị dứt điểm các triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm phế quản ở trẻ

Ngay khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm phế quản như ho, sổ mũi,...cần trị dứt điểm ngay, tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Nếu thấy trẻ mệt mỏi, khó thở, da tái, không ăn uống được gì cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nguyễn Nhàn

Nguồn: Gia đình Việt Nam