Trẻ vào lớp 1 dễ bị sang chấn tâm lý do… không dám đi vệ sinh
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tự tin vào lớp Một” do Báo Nhi Đồng phối hợp với trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu tổ chức ngày 18/6 tại Hà Nội nhằm cung cấp cho các bậc phụ huynh bí quyết chuẩn bị hành trang cho trẻ nhập học lớp 1 năm học 2017-2018 (khoảng 1 tháng tới).
Tại sao cho trẻ đi học đọc, viết trước khi vào lớp 1 là sai lầm?
Khoảnh khắc bước vào lớp 1 vô cùng quan trọng với trẻ. Rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến việc làm thế nào để chuẩn bị tốt nhất cho con trước bước ngoặt này.
Thạc sĩ giáo dục học Hoàng Thị Kim Huệ (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho hay, hiện nay có 3 “trường phái” phổ biến của các phụ huynh có con chuẩn bị đi học lớp 1.
Thứ nhất, bố mẹ cho rằng một đứa trẻ 6 tuổi đã phát triển bộ não (khoảng 90%) và thể chất khá tương đối, cho nên để con tự nhiên vào lớp 1, không can thiệp, chuẩn bị gì cả.
Trường phái thứ hai là những phụ huynh hoang mang, không tin các con có thể đọc, viết, tính toán thành thạo trong 15-30 tuần ở trường. Do đó, họ chọn cách cho trẻ đi học trước (từ 5 tháng thậm chí 1 năm) và nghĩ rằng, đó là sự chuẩn bị cho khởi đầu chắc chắn, bền vững nhất.
Một bộ phận phụ huynh còn lại thì quan điểm chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 là chuẩn bị cách thức, phương hướng tư duy và tâm thế.
Vậy, trong 3 trường phái này, đâu mới là sự chuẩn bị tối ưu cho con?
Chuyên gia Hoàng Thị Kim Huệ cho biết, trẻ bước vào lớp 1sẽ gặp 3 khó khăn chính.
Đầu tiên là sự thay đổi đột ngột thói quen sinh hoạt. Từ việc ngồi ở trường mầm non với bàn ghế sặc sỡ sắc màu, sắp xếp tự do, con phải ngồi bàn gỗ ngăn nắp, chỉ được học không được chơi. Không ít trẻ thấy việc ngồi bàn học ngay ngắn thực sự ngột ngạt, bí bách.
Đặc biệt, có một chi tiết rất nhỏ nhưng nếu phụ huynh và thầy cô không để ý có thể gây sang chấn tâm lý cho học sinh mới vào lớp 1 đó chính là việc các con không tìm thấy nhà vệ sinh ở trường học mới hoặc e ngại, lo sợ không dám tự đi vệ sinh một mình.
“Nhiều chuyên gia tâm lý cho biết, khi bố mẹ đưa con lớp 1 đến gặp chuyên gia trong trạng thái sang chấn tâm lý, sau tìm hiểu mới biết nguyên nhân sâu xa chính là do trẻ không tìm thấy nhà vệ sinh, không dám/lo sợ đi vệ sinh một mình. Thay đổi thói quen sinh hoạt tưởng dễ nhưng thực sự là khó khăn rất lớn của trẻ”, bà Huệ chia sẻ.
Khó khăn thứ hai đến từ thay đổi hoạt động trí tuệ từ tư duy trực quan bằng hình ảnh (mầm non) sang tư duy trừu tượng (bậc tiểu học). Điều đó khiến rất nhiều trẻ sợ học, sợ sách vở.
Khó khăn thứ ba là sự thay đổi trong quan hệ giao tiếp. Ở mầm non cô giáo xưng cô - con, dạy trẻ ít nhưng cưng nựng, chăm sóc trẻ là chính. Ở lớp 1, nhiệm vụ của cô là hoàn thành mục tiêu giáo dục nhà trường đề ra cho nên nhiều trẻ cảm thấy e ngại, sợ cô giáo.
Từ việc phân tích trên, Th.S Hoàng Kim Huệ khẳng định trường phái đầu tiên (cha mẹ để con tự nhiên vào lớp 1) không tốt, chắc chắn phụ huynh phải trợ giúp con mình. Trường phái thứ hai (cho con tập đọc, tập viết trước) cũng là sai lầm. Bởi lẽ, khó khăn của con khi vào lớp 1 đến từ sự thay đổi môi trường, bản chất việc học, đặc trưng loại hình tư duy chứ không phải khó khăn ở việc đọc - viết.
Điều tuyệt vời và đúng đắn nhất cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ chính là tâm thế thoải mái trước khi bước vào môi trường mới, khích lệ con học tập qua việc tạo động lực cho trẻ.
“Để con học thật tốt, bố mẹ chỉ việc cười thật tươi”
Bà Trần Vân Anh - Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý Tâm Việt (Nha Trang) khẳng định, hành trang vào lớp 1 quan trọng nhất là tâm thế của trẻ.
“Cung cấp cho con tâm thế vui vẻ, đó là xuất phát tốt nhất. Vạn sự khởi đầu nan, nếu con từ đầu đã sợ hãi sẽ không học tốt được. Nếu chúng ta làm cho con vui vẻ và muốn học, muốn tiếp nhận kiến thức thì kết quả sẽ tốt”.
Chuyên gia này giải thích, đó chính là cơ chế phát huy bộ não của trẻ. Theo tâm lý học ứng dụng, bộ não con người có 3 phần: não người - đại não (chuyên xử lý các vấn đề ngôn ngữ, tính toán, logic, sáng tạo); não thú (xử lý cảm xúc); não bò sát (phản xạ không điều kiện).
Khi thông tin được tiếp nhận sẽ đi qua não thú đầu tiên, não thú như một cái van. Nếu thông tin tiêu cực, não thú sẽ khóa năng lượng lại không cho đi lên đại não. Đó là lí do khi cha mẹ quát nạt, trách phạt thì trẻ sẽ phản ứng tiêu cực thay vì nghe lời và hợp tác. Ngược lại, nếu cha mẹ nhẹ nhàng, động viên thì thông tin tích cực được não thú mở ra, đưa lên não người giúp trẻ nhận thức, tính toán, logic (tức học tập) thì trẻ sẽ hợp tác, học hành tiến bộ.
Bởi vậy, muốn phát huy bộ não muốn trẻ học tập thì cha mẹ phải tạo môi trường vui vẻ, thân thiện, tích cực, an toàn cho trẻ.
“Mỗi ngày việc đơn giản của bố mẹ chỉ là cười thật tươi. Đi làm về gặp con là cười, trút hết stress trước khi bước vào cánh cửa nhà. Cha mẹ quản lý cảm xúc tốt sẽ giúp con học tập tốt”, bà Vân Anh chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý này lưu ý thêm, bố mẹ không cần quá lo lắng nếu con vào lớp 1 nhưng viết chưa đẹp, học Toán chưa giỏi. Đó là điều rất bình thường.
Bởi lẽ, mỗi đứa trẻ đều có 9 loại hình thông minh nhưng chỉ số của loại thông minh ở mỗi đứa trẻ là không giống nhau. Có đứa trẻ nói nhiều (thông minh ngôn ngữ), vẽ giỏi (thông minh không gian), giỏi Toán (thông minh logic), thích nghịch ngợm chạy nhảy (thông minh vận động)…
Một đứa trẻ nhút nhát chưa hẳn không tốt. Nhút nhát là biểu hiện của loại hình thông minh nội tâm, những đứa trẻ nhút nhát có ưu điểm là cảnh giác cao trước người lạ.
Mỗi đứa trẻ thông minh theo cách của mình. Cha mẹ tuyệt nhiên không nên so sánh con với đứa trẻ khác.
Bí quyết đồng hành cùng con
Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, đồng hành cùng con sẽ hiệu quả gấp nhiều lần so với dạy con. Bí quyết để đồng hành cùng con vào lớp 1 là thấu hiểu. Muốn thấu hiểu con thì trước hết phải tạo thiện cảm.
Theo chuyên gia Trần Vân Anh, muốn tạo thiện cảm với con thì cha mẹ nên lưu ý: một là cười với con, hai là khen ngợi khích lệ chúng, ba là hỏi trẻ nhiều hơn và bốn là lắng nghe trẻ… Đừng mắng khi con hỏi nhiều, đừng dập tắt niềm vui khi con đang say mê kể chuyện dù có thể với người lớn, những câu chuyện bé kể rất dài dòng và chẳng có gì quan trọng.
Thay vì dắt con đến gặp cô giáo lớp 1 và nói "cô chú ý giúp kèm cháu, con nhà tôi nhát lắm", cha mẹ nên loại bỏ cụm từ “nhút nhát” ra khỏi từ điển và thường xuyên khích lệ con bằng các cụm từ “con tự tin”, “con tuyệt vời”, “mẹ tin con làm được”…
Chuyên gia Hoàng Thị Kim Huệ khuyên các bậc cha mẹ hãy xin nghỉ làm, đưa con đi tựu trường lớp 1 và làm cho con cảm nhận được sự đặc biệt của dấu mốc này bằng một món quà hay bữa tiệc nhỏ. Đồng hành cùng con, phụ huynh là người tạo động lực tự nhiên giúp trẻ học tốt, nuôi dưỡng đam mê, để con được vui vẻ và muốn khám phá tri thức thay vì dọa nạt, áp gánh nặng kiến thức lên đầu trẻ.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Đáp án bài toán lớp 1 của Singapore thách thức người lớn
- Hướng dẫn đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6
- Cô bạn 10x 'không chịu ngồi yên' đạt thủ khoa lớp 10 TP HCM
- Bài toán lớp 1 của Singapore thách thức người lớn
- Thi lớp 10 chuyên: 1 chọi 10
- Mẹ thường xuyên nói 4 câu "thần chú" này, con lớn lên thông minh xuất sắc, thành danh thành tài
- 4 tuyệt chiêu của cha mẹ Nhật giúp dạy con thành đứa trẻ tự lập, ham học hỏi
- 4 phương pháp không hề tốn kém nhưng giúp cha mẹ tạo nên những đứa trẻ IQ cao vượt trội
- 5 kiểu gia đình nuôi dạy nên những đứa trẻ xuất chúng: Không chỉ giỏi giang mà còn hiếu thảo
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua