Dòng sự kiện:

Tỷ lệ thai nhi dị tật cao khi mẹ bầu có thể trạng gầy ốm

17:39 16/10/2015
Những người mẹ gầy, nhỏ, yếu... thường có những đứa con suy dinh dưỡng trong tử cung, nguy cơ dị tật tăng cao, phát triển thể chất và trí tuệ kém, tỷ lệ tai biến lúc sinh cũng nhiều hơn.
 

 

Trung bình bà bầu cần tăng thêm 10 – 12kg trong 9 tháng mang thai mới hy vọng có một em bé đủ cân (khoảng 3kg) và chiều cao tốt (50cm). Trong đó, ba tháng đầu thai phụ bị nghén nên thường chỉ tăng được 1-2 kg, đến ba tháng giữa tăng lên 4 - 5kg và tăng tốc ở 3 tháng cuối lên 5 – 6kg. Riêng với bà bầu thuộc loại người gầy hoặc có đa thai, cần tăng trọng nhiều hơn từ 14 – 18kg.

Phụ nữ mang thai nếu quá gầy, con dễ bị dị tật hơn.

Các nhà nghiên cứu khuyên rằng một chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai lành mạnh, giảm stress và tinh thần lạc quan vui vẻ sẽ giúp phụ nữ giảm nguy cơ sẩy thai và tăng cường sức khoẻ cho cả mẹ và con

Tuy nhiên, nếu cân nặng của người mẹ lúc mang thai quá thấp (dưới 45kg) cũng là một yếu tố tiên lượng nguy cơ của thai kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn (gọi là thai kỳ nguy cơ cao) mà phụ nữ cần lưu ý.

Những người mẹ gầy, nhỏ, yếu... thường có những đứa con suy dinh dưỡng trong tử cung, nguy cơ dị tật tăng cao, phát triển thể chất và trí tuệ kém, tỷ lệ tai biến lúc sinh cũng nhiều hơn.

Cần bổ sung dinh dưỡng và tăng cân trước và trong khi mang thai.


Để giảm bớt nguy cơ cho mẹ và bé, người phụ nữ nên chuẩn bị một cân nặng hợp lý trước khi quyết định mang thai. Cân nặng hợp lý để dự phòng cho trường hợp ốm nghén người mẹ không ăn được nhưng vẫn còn lượng mỡ dự trữ để nuôi thai.

Nếu phụ nữ đã mang thai khi cơ thể quá gầy ngoài việc cần phải tuân thủ theo tháp dinh dưỡng, ngay trong những tháng mang thai đầu tiên phụ nữ nên chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ trong một ngày. Nếu người mẹ nôn ói nhiều lần và không ăn uống được, bác sĩ sẽ cân nhắc để hỗ trợ bằng đường dịch truyền. Tuy nhiên, việc truyền đạm phải cân nhắc vì khi truyền vào cơ thể phụ nữ mang thai dễ có nguy cơ gây phản ứng sốc.

Cần có chế độ thăm khám định kỳ và kiểm tra cân nặng gắt gao hơn bà bầu thường.


Một số thai phụ gầy không uống được sữa vì mùi tanh, hoặc bị nghén thì nên thử các loại sữa khác như: sữa đậu nành, sữa tươi, sữa chua, phô mai…. Bên cạnh đó, bà bầu nên uống từng ít một đều đặn trong ngày, sau đó từ từ tăng lượng sữa.

Nếu như đã thử mọi cách vẫn không thể uống được sữa, bà bầu có thể thay thế bằng món ăn chứa nhiều chất đạm, béo, canxi, sắt, Omega3, Omega6, DHA, Axit Folic, các vitamin (A, D, E, K)… Việc ăn uống đa dạng, cân bằng sẽ đảm bảo các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của mẹ và bé.

Bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng, thai phụ gầy phải dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn dưỡng thai. Gia đình nên tìm cách giảm bớt việc làm cho bà bầu gầy. Ngoài ra, bà bầu gầy cần có chế độ thăm khám định kỳ gắt gao hơn bà bầu thường, khoảng 2 tuần/lần.

Chế độ tăng cân của mẹ bầu gầy ốm, bạn cần phải phát triển thêm lượng cơ xương và tích luỹ thêm mỡ trong cơ thể. Tăng khối lượng cơ xương cần phối hợp cả dinh dưỡng và vận động, thể dục thể thao...

Cần chia nhỏ bữa ăn của mẹ bầu để cung cấp đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của bé.


Nên ăn ba bữa ăn chính đúng giờ và không bỏ bữa. Thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng chính là cơm và dầu mỡ, cần ưu tiên dùng nhiều các loại thức ăn “bổ dưỡng” giàu năng lượng, giàu chất béo, ngọt như sữa tươi, sữa bột nguyên kem các loại, bánh kem, ly kem tươi, chocolate, chè, thịt quay, tô mì nhiều dầu mỡ... Cả trong chế biến món ăn, bạn có thể thường xuyên làm các món chiên, xào, xúp có nước béo...

Khi có thai, những cơn mệt mỏi buổi sáng là dấu hiệu thai đang tiến triển tốt. Những phụ nữ bị buồn nôn, mệt mỏi trong 12 tuần đầu thường giảm 70% nguy cơ sẩy thai. Mức độ mệt mỏi càng nặng thì khả năng thai tiến triển tốt càng cao. Và mệt mỏi cũng là nguyên nhân khiến các mẹ bầu gầy ốm càng trở nên chán ăn. Đừng lo ngại, đây chính là lúc bạn cần nạp thêm và nạp thêm nhiều năng lượng cũng như dưỡng chất để cân bằng cơ thể và bảo vệ con bạn tốt nhất.

Với nhu cầu tăng thêm 300kcal/ngày, thai phụ cần ăn tăng thêm 1/2 chén cơm (hay chất bột đường khác như bún, phở, hủ tiếu, mì, nui, khoai củ...) cho mỗi bữa ăn, 2 ly sữa mỗi ngày và ăn thêm 1 – 2 bữa phụ ngoài 3 bữa ăn chính với các loại bánh, trái cây, sữa chua...

Chất đạm có nhiều trong thịt, cá, tôm, cua, trứng, các loại đậu, phô mai... Cần tăng thêm 15g đạm (70 – 80g thịt cá) mỗi ngày. Chất béo từ dầu, mỡ, bơ, margarin, hạt nhiều dầu như mè, đậu phộng, đậu nành... cung cấp rất nhiều năng lựơng và giúp hấp thu các loại vitamin tan trong chất béo quan trọng như A, D, E, K. Bạn còn cần bổ sung canxi, Axit Folic. Hãy lắng nghe lời khuyên của bác sĩ để uống đều đặn thuốc và sữa.

Ngoài việc tuân thủ theo tháp dinh dưỡng còn nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, ngay trong những tháng mang thai đầu tiên.  Đừng sợ tăng cân là xấu. Nhiều phụ nữ gầy ốm trước khi mang thai lại trở nên xinh đẹp hơn nhờ tăng cân khi mang thai và sau khi sinh.

 

 

TUỆ ANH (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam