Dòng sự kiện:

Vành tai bé có lỗ nhỏ như đầu kim, cẩn trọng bệnh nguy hiểm ở trẻ

15:51 14/11/2016
Nhiều người nhận thấy một lỗ nhỏ như đầu kim ở trên vành tai con nhưng đều không biết rằng đây là khiếm khuyết bẩm sinh rò luân nhĩ ở trẻ, dân gian còn gọi là "lỗ tai nhỏ".

Bệnh rò luân nhĩ ở trẻ là một khiếm khuyết bẩm sinh ở tai có khả năng di truyền mà ít người để ý đến. Bệnh này ban đầu chỉ xuất hiện một lỗ nhỏ như đầu kim tại vành tai của trẻ nên rất khó phát hiện, dẫn đến việc nhiều bậc phụ huynh không chú ý chăm sóc và đề phòng biến chứng. Nhiều trường hợp khi bố mẹ phát hiện ra thì dị tật này đã có những chuyển biến xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Giữa tháng 10, chị Ngọc Liên (Cầu Giấy – Hà Nội) đưa con trai 3 tuổi đi khám tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vì bị rò luân nhĩ. Tình trạng của bé đã có một cục mủ sưng to và có hiện tượng viêm đỏ. Chị cho biết:“Hồi mới sinh có thấy một lỗ nhỏ bằng đầu kim ở vành tai con nhưng mình chỉ nghĩ là sẹo hoặc lõm da nên không để ý lắm. Nhưng tháng 10 vừa rồi cháu hay gãi tai và kêu ngứa rát. Lỗ nhỏ ấy chảy một ít mủ trắng và dịch có mùi hôi. Mình có nặn ra một ít và rửa sạch lại. Một thời gian ngắn sau thì lỗ này sưng lên thành một cục. Bác sĩ bảo cháu bị rò luân nhĩ và khuyên phẫu thuật sớm để tránh bị áp - xe mưng mủ trong tai”.

Chị Liên cho biết đang cho con uống kháng sinh và tình trạng có thuyên giảm.

Lỗ nhỏ như đầu kim ở vành tai trẻ ít được các bậc cha mẹ để ý đến, đây là khuyết tật bẩm sinh rò luân nhĩ ở trẻ.

Cũng giống như chị Ngọc Liên, chị Phượng Hoa (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) có cả hai đứa con đều bị rò luân nhĩ chia sẻ: “Cả họ nhà chồng bên mình đều có hai lỗ nhỏ ở hai bên tai, từ thời ông nội đã có rồi. Khi mình sinh hai đứa con ra đều có lỗ này thì mọi người trong nhà đều cảm thấy bình thường, cho rằng đấy là dấu hiệu di truyền nên không quan tâm. Đến khi cháu thứ 2 được 5 tháng thì mình phát hiện lỗ nhỏ bên trái bị rỉ mủ trắng như bã đậu và sưng ngứa. Mãi sau mới mang cháu đi khám thì bệnh đã nhiễm trùng, gây áp - xe trong tai, phải uống kháng sinh bớt viêm rồi trích rạch lấy mủ”. Chị Hoa cho biết có thể trong quá trình chăm sóc không mấy chú ý nên đã khiến lỗ rò bị nhiễm trùng, may mắn là cháu đầu không sao.

Theo báo cáo của các cơ sở y tế, hiện số lượng trẻ sơ sinh bị viêm tai rò luân nhĩ đang có chiều hướng gia tăng, trẻ nhỏ có độ tuổi từ 1 đến 10 tuổi đến khám và phát hiện bệnh rò luân nhĩ cũng nhiều hơn. Hầu hết các bậc phụ huynh đều phát hiện lỗ nhỏ ở vành tai trên của con nhưng lại không biết đây là dị tật rò luân nhĩ có thể biến chứng gây bệnh nếu không vệ sinh chăm sóc tốt.

Theo bác sĩ Phạm Thị Bích Đào (bệnh viện Tai – mũi – họng TƯ), dị tật rò luân nhĩ là một dị tật bẩm sinh, thường xảy ra ở tuần thứ 6 của bào thai, làm tồn tại một lỗ nhỏ vùng trước vành tai đi sâu vào trong và bám vào màng sụn. “Rò luân nhĩ được hình thành do sự kết hợp không hoàn chỉnh giữa cung mang thứ nhất và cung mang thứ hai để tạo thành tai ngoài. Đường rò là một ống nhỏ, dị tật này xuất hiện ngay khi trẻ được sinh ra, có thể ở cả một bên hoặc cả hai bên tai”.

Chăm sóc sai cách có thể biến chứng áp - xe gây mủ 

Cũng theo bác sĩ Đào: “Thông thường thì rò luân nhĩ không cần phải can thiệp phẫu thuật trừ khi bị nhiễm trùng. Thực tế, trong lỗ rò cũng có nang lông, tuyến mồ hôi, tuyến bã nên đôi khi các bậc phụ huynh sẽ thấy có dịch tiết màu trắng đục chảy ra từ lỗ rò. Dịch này khiến nhiều người tưởng là mủ nên nặn hoặc đưa bông tăm vào lỗ rò để vệ sinh. Nhưng điều này vô tình đưa vi khuẩn vào lỗ rò dẫn đến viêm, tạo mủ bít đường rò, áp xe…”.

Bác sĩ Bích Đào cũng cho biết, khi rò luân nhĩ bị nhiễm trùng sẽ có những dấu hiệu như ngứa, sưng, có dịch ở lỗ rò, có chất bã đậu trắng đục ở lỗ rò do trẻ gãi, nặn, bóp. Nếu trẻ bị sốt, đau, lỗ rò viêm sưng đỏ là do đã bị nhiễm khuẩn tạo thành ổ áp xe ngay tại lỗ hoặc lan ra những vị trí khác sau tai. Khi có những triệu chứng như vậy, phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế để khám. Điều trị rò luân nhĩ cho trẻ phải dùng kháng sinh thích hợp, khi hết viêm nhiễm mới tiến hành phẫu thuật để bỏ đường rò này.

Phẫu thuật để loại bỏ đường rò được thực hiện tương đối nhanh, trong khoảng thời gian là 30 phút. Bác sĩ sẽ rạch da quanh lỗ rò, bóc tách tìm đường rò, lấy đường rò và khâu lại. Hiện nay việc phẫu thuật lấy đường dò ở trẻ để lại sẹo rất nhỏ nên không ảnh hưởng đến thẩm mỹ của trẻ sau này. Tuy nhiên nếu không cẩn thận sẽ bị bỏ sót đường rò và gây tái phát.

Khi trẻ bị rò luân nhĩ, phụ huynh tuyệt đối không nặn bóp hoặc dùng bông tăm đưa vào đường rò. Chỉ nên dùng bông thấm nước muối sinh lý nhẹ nhàng lau sạch dịch tiết từ lỗ rò. Nếu có dấu hiệu viêm cần đưa trẻ đi khám ngay lập tức ở các chuyên khoa Tai - mũi - họng để điều trị. Không tự động điều trị cho trẻ tại nhà khi lỗ rò bị viêm. Bởi để lâu dài, viêm sẽ biến chứng thành áp xe, khi phẫu thuật để xử lý áp xe sẽ để lại sẹo lớn gây mất thẩm mỹ cho trẻ.

Theo Emdep

Nguồn: Gia đình Việt Nam