Dòng sự kiện:

Vật dụng "tử thần" gây hại đến trẻ mà cha mẹ thường bỏ lơ

03:03 01/07/2015
Có rất nhiều đồ vật trong nhà tưởng như vô hại nhưng lại có thể gây hại hoặc thậm chí lấy đi tính mạng của trẻ nhỏ nếu như phụ huynh không để ý. Hãy giúp trẻ có một không gian thoải mái chơi đùa mà không sợ bất kỳ vật dụng nào làm nguy hại.

 

Các bậc cha mẹ đôi khi vẫn nghĩ rằng trong nhà là nơi an toàn nhất cho trẻ nhưng thực tế có những vật dụng, đồ đạc, vị trí quen thuộc mà nếu chúng ta không để ý tới lại chính là mối nguy hiểm cho trẻ.

Dây sạc điện thoại


Thời gian vừa qua, cư dân mạng chia sẻ hình ảnh một người đàn ông ôm cô con gái nhỏ, với nội dung chú thích là bé gái chết vì ngậm đầu dây sạc điện thoại chưa rút ra khỏi ổ cắm. Cô bé bị điện giật đến chết.

Thực ra, đây là hình ảnh bé gái chết sau một cuộc đàn áp tại Syria của phiến quân Hồi giáo. Bé là một nạn nhân chiến tranh chứ không phải là chết vì điện giật từ dây sạc điện thoại như nhiều người tung tin. Tuy nhiên bức ảnh này cũng giúp cảnh tỉnh nhiều bậc cha mẹ, những gia đình có con nhỏ nên rút sạc ra khi đã sạc điện thoại xong, vì có một số người “thường xuyên” hay ghim sạc cố định trong ổ điện, nhất là những máy điện thoại có chất lượng kém và linh kiện của bộ sạc không đảm bảo thì rất dễ gây nguy hiểm cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.

 

Dây giầy
Tưởng như vô hại, nhưng dây giầy lại là một tác nhân gây ra thương vong cho trẻ em nếu người lớn không cẩn thận. Không ít trường hợp trẻ bị tuột dây giày và bị cuốn vào thang cuốn khi đi đến sát điểm tiếp nối thang với mặt sàn. Nếu không xử lý kịp thời, bé rất dễ bị thương, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Cuối năm 2012, một bé trai 3 tuổi khi đi siêu thị ở Nghệ An đã bị cuốn chân vào điểm tiếp nối của cầu thang và kẹt lại. Sau đó em bé này đã phải ra Hà Nội chữa trị vì vết thương quá nặng.

Áo tử thần


Mới đây, những hình ảnh về chiếc áo có dây rút ở mũ, gây ra cái chết của hàng chục trẻ em ở Trung Quốc được chia sẻ khiến không ít phụ huynh hoang mang. Chiếc áo có dây rút ở cổ từng là một trong những sản phẩm ưa thích của không ít trẻ nhỏ và cả người lớn, nhưng đã bị Ủy ban an toàn hàng tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) yêu cầu thu hồi lại vì nó có nguy cơ tiềm ẩn. Theo quy định của Mỹ, các loại áo dành cho trẻ em từ 2 - 12 tuổi không được có dây rút bởi trẻ em có nguy cơ bị tử vong khi mặc loại áo này, do các sợi dây bị mắc kẹt vào thiết bị khác, khiến các em bị siết chặt phần cổ, dẫn đến ngạt khí.

Ổ cắm, thiết bị điện gia dụng
Khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện Nhi đồng 1 vừa qua đã tiếp nhận bé trai 11 tháng tuổi nguy kịch do cho ngón tay vào ổ điện. Khi vào viện, bé đã ở trong tình trạng ngưng thở ngưng tim, toàn thân tím tái, ngón áp út tay trái bị bỏng do cháy điện. Phải mất một tháng điều trị cấp cứu, kết hợp với phương pháp vật lý trị liệu hô hấp, dinh dưỡng qua ống thông dạ dày và cắt lọc vết thương phỏng điện, bé mới tạm qua cơn nguy kịch.
Đây không phải là lần đầu tiên bệnh viện cấp cứu bệnh nhi tai nạn bởi ổ điện, nhất là với những bé đang tạp bò, tập đi, hoặc những bé dưới 5 tuổi chưa nhận thức được mối nguy hiểm và người lớn trong nhà cũng quá ẩu khi không thiết kế các ổ cắm điện lên cao. Để tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, phụ huynh nên đặt các thiết bị điện ngoài tầm với của trẻ hoặc che chắn kỹ các ổ cắm điện, đề phòng các dây điện lâu ngày tróc vỏ bọc, các dụng cụ điện dù không ở tình trạng đang sử dụng nhưng lại không ngắt điện, các chuôi đèn để hở... Tất cả những thiết bị thiếu an toàn này đều tiềm ẩn nguy cơ cho trẻ con - những đứa trẻ đang ở tuổi tò mò

Đồ chơi nhỏ
Đầu năm 2015, bé Q. (1 tuổi) được gia đình đưa vào nhập viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng nguy kịch: ngưng tim, ngưng thở, giãn đồng tử (con ngươi). Nguyên nhân là do bé vô tình nuốt phải núm phím đàn trong cây đàn đồ chơi, bị mắc nghẹn và khóc. Người nhà sợ hãi lấy tay cố móc ra nhưng không được mà dị vật còn đi sâu vào trong cuống họng khiến Q. nghẹt thở, tím tái.



Những đồ chơi nhỏ, viên pin, cúc áo, thậm chí cả thạch rau câu có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nếu trẻ nuốt phải vào cổ họng. Nếu không biết cách làm dị vật rơi ra ngoài, dễ dẫn tới tình trạng bé bị ngưng thở, ngưng tim quá lâu khiến não bị tổn thương nặng, nhiều khả năng để lại di chứng, thậm chí tử vong.

Đồ có cạnh sắc nhọn
Khi nhà có trẻ nhỏ, cha mẹ phải cực kỳ để ý đến những đồ vật có cạnh sắc nhọn ở trong nhà như cạnh bàn, ghế, giường, tủ... vì trẻ có thể chọc đầu hoặc mắt vào gây nguy hiểm cho bé. Phụ huynh có thể mua những sản phẩm đã được thiết kế sẵn để bịt lại những cạnh sắc nhọn này. Phòng còn hơn chống, đừng để con mình mẻ đầu sứt trán, thậm chí tổn thương mắt khi đụng chạm vào những vật sắc nhọn có sức sát thương cao như thế!

Cửa sổ


 

Đã có quá nhiều cái chết của những đứa trẻ chỉ vì những cánh cửa sổ không có song sắt. Trẻ hiếu động hay nghịch ngợm rất dễ dành vì một phút sểnh ra của cha mẹ mà trèo ra lan can và gặp tai nạn thương tâm. Để an toàn cho con, với bất kì cửa sổ nào, cha mẹ cũng nên lắp đặt chấn song sắt. Bởi ngay với cánh cửa sổ thông gió nhỏ tưởng vô hại nhưng bé vẫn có thể bắc ghế và lui lọt qua những cửa sổ thông gió mà cha mẹ vẫn nghĩ không bao giờ con với tới hay chui qua được. Chỉ một bất cẩn nhỏ, cha mẹ đã trả giá bằng cả cuộc đời trẻ thơ.

Bật lửa


Hầu như nhà nào cũng có bật lửa trong nhà, để đốt nhang, hay người lớn hút thuốc… Bật lửa dù phát ra tia lửa yếu, nhưng vẫn có thể gây nguy hiểm cho trẻ em, như bị bỏng. Năm ngoài, một bé trai 3 tuổi ở Hà Nội được đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch do ngạt khí CO. Bé bị suy hô hấp nặng và hôn mê sâu. Trước đó, khi ở nhà một mình, bé nghịch bật lửa và để tàn lửa rơi vào tấm đệm gây cháy. Khi người nhà phát hiện thì bé đã nằm hôn mê bất tỉnh trong căn phòng mịt mù khói.

Cây cảnh

Trồng cây cảnh trong nhà cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho bé. Thứ nhất là những cây cảnh độc có thể khiến bé tử vong nếu nuốt phải. Thứ hai là các bé thường nghịch ngợm và chưa lường hết được những nguy cơ, vì vậy đất trồng cũng là một trong những mối nguy hiểm nếu bé bốc ăn. Thứ ba là những viên đá hay sỏi nhỏ được rải xung quanh chậu cây cảnh cũng có thể khiến bé gặp nguy hiểm nếu nuốt vào. Vì vậy nếu muốn trồng cây cảnh trong nhà, cha mẹ không nên đứng đá, sỏi nhỏ rải trong chậu cảnh, nên để cây cảnh xa tầm tay của bé.

Thảm trải sàn

 

Nhiều gia đình thường trải thảm sàn, đặc biệt vào mùa đông, để giúp trẻ thoải mái chơi đùa mà không sợ bị lạnh. Tuy nhiên, nếu loại thảm của bạn thường bị xê dịch và không cố định trên sàn nhà, trẻ sẽ rất dễ bị trượt ngã. Khi trẻ mới tập đi, bước đi còn chập chững và chưa vững, thảm trải sàn trơn trượt cũng là yếu tố có thể gây hại cho trẻ bạn cần cân nhắc.

Lò vi sóng

Lò vi sóng nếu được để ở nơi không an toàn cũng dễ gây nguy hiểm cho bé. Vì vậy khi trong nhà có sử dụng thiết bị này, cha mẹ nên đặt nó ở nơi vững chắc, an toàn để lò vi sóng không đổ vào người bé. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên lựa chọn loại lò vi sóng không có núm tay cầm để bé không dễ dàng mở được.

Bồn cầu


Hầu hết cha mẹ đều biết nhà tắm là nơi không an toàn cho bé, nhưng nhớ là đừng bỏ qua bồn cầu. Mặc dù bồn cầu không khiến bé có thể chết đuối nhưng nó cũng gây nguy hiểm cho bé nếu chẳng may trẻ mải chơi và ngã cắm đầu vào đó vì mải với theo đồ chơi bị rơi vào trong toilet.  Ngoài ra bé cũng rất có thể bị tai nạn kẹp tay với bồn cầu. Vì vậy cha mẹ không bao giờ được để con một mình trong nhà vệ sinh, dù chỉ là trong chốc lát. 

Mỹ phẩm của mẹ


Không chỉ các chất tẩy rửa nguy hiểm cho bé mà mỹ phẩm của mẹ cũng là mối nguy cho sức khỏe của con bởi nó có thể gây ngộ độc nếu bé vô tình ăn phải. Có nhiều mỹ phẩm chứa lượng chất hóa học rất cao, trẻ ăn phải có thể gây dị ứng.

 

PHƯƠNG MAI (Tổng hợp)