Dòng sự kiện:

Vì sao ổ dịch bạch hầu bùng phát ở Bình Phước?

21:35 14/07/2016
Tối 12/3, ngoài 3 ca tử vong vì bệnh bạch hầu, tại Bình Phước hiện có 26 trường hợp mắc hội chứng amidan, trong đó có 4 mẫu xét nghiệm dương tính bệnh bạch hầu.

Số người dương tính với bệnh bạch hầu tăng từng ngày

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong sáng ngày 13/7, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 3 bệnh nhân tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Trong đó, 2 trẻ có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu và đang được điều trị tích cực tại khu vực cách ly đặc biệt, 1 trẻ còn lại đang có dấu hiệu lâm sàng nghi nhiễm bệnh cũng đang được theo dõi.

Cũng tại khu vực này đã có 3 trường hợp tử vong nghi nhiễm bệnh bạch hầu, tất cả đều nhập viện tại cơ sở y tế địa phương trong tình trạng sốt, ho, khó thở và tử vong. 3 bệnh nhân này vào BV đa khoa tỉnh Bình Phước ngày 24/6 trong tình trạng sốt, ho, khó thở. Đến ngày 29/6, bệnh nhân Thị Lại tử vong. Ngày 30/6, bệnh nhân Điểu Trích tử vong. Ngày 8/7, bệnh nhân Hậu tử vong. Cả 3 có diễn tiến bệnh rất nhanh và có các biểu hiện giống bệnh bạch hầu. Kết quả xét nghiệm cả 3 dương tính với bệnh bạch hầu.

Tối 12/3, tin từ Viện Pasteur, cho biết ngoài 3 ca tử vong nói trên, tại Bình Phước hiện có 26 trường hợp mắc hội chứng amidan, trong đó có 4 mẫu xét nghiệm dương tính bệnh bạch hầu.

Một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Báo Thanh niên

Từ ngày 7 - 11/7, BV đa khoa tỉnh Bình Phước đã chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới 5 bệnh nhân, trong đó có 3 người cùng một gia đình gồm: Điểu Vinh (15 tuổi, xã Thuận Lợi) chơi với một người nghi mắc bệnh bạch hầu (đã tử vong) và bị lây bệnh.

Điểu Vinh được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới ngày 7/7 với chẩn đoán nghi mắc bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim. Điểu Vinh đã lây bệnh cho cha là ông Điểu Huynh (36 tuổi). Ông Huynh được BV đa khoa tỉnh Bình Phước chẩn đoán nghi mắc bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới, hiện sức khỏe đã ổn định, chưa tìm thấy vi khuẩn bạch hầu (do bệnh nhân đã uống kháng sinh trước đó).

Em Điểu Vinh là Lan cũng có triệu chứng mắc bệnh bạch hầu, sức khỏe đã ổn định. Hai bệnh nhân khác là Nguyễn Trường Hậu (24 tuổi) và Điểu Hồng (18 tuổi) sau khi chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới nghi mắc bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim cấp đã được chuyển qua BV Chợ Rẫy. Tuy nhiên, bệnh nhân Hậu đã tử vong sau đó. Còn bệnh nhân Điểu Hồng được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm tìm vi khuẩn bạch hầu nhưng không tìm thấy. Tuy nhiên, BV Chợ Rẫy cũng gửi mẫu đến Viện Pasteur để xác định lại một lần nữa và dự kiến kết quả này sẽ có sau 2 - 3 ngày. Hiện, sức khỏe của Hồng tạm ổn.

Theo Cục Y tế dự phòng nhận định, đây có thể là ổ dịch bạch hầu và yêu cầu Sở Y tế Bình Phước phải tìm ngay các biện pháp để chống dịch và cho người dân uống thuốc dự phòng.

Bùng phát dịch bệnh bạch hầu vì không tiêm phòng

Bác sĩ Phan Tứ Quý, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực chống độc nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết: một trong những nguyên nhân dẫn đến bùng phát bệnh bạch hầu tại Bình Phước có thể liên quan đến vấn đề tiêm phòng. 

Virus bạch hầu dưới ống kính hiển vi.

Điều tra dịch tễ cho thấy, hầu như những trường hợp bị bệnh này không tiêm nhắc lại, khi bị bệnh sẽ lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên.

Bạch hầu là bệnh lây truyền từ người sang người và từ người không triệu chứng (những cá nhân đang bị nhiễm bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng) bị nhiễm bệnh.

Vi khuẩn truyền qua đường hô hấp qua dịch tiết hô hấp trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết mũi họng bị nhiễm bệnh hoặc vết thương trên da.

>> Những ai dễ bị mắc bệnh bạch hầu

Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắc-xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, bệnh chỉ xuất hiện một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Ông Phu lý giải việc quay trở lại của dịch bệnh bạch hầu ở Bình Phước là do dịch bệnh này vẫn tồn tại ở nước láng giềng, đồng thời, khả năng miễn dịch cộng đồng chưa tốt tại vùng có bà con dân tộc sinh sống.

Năm ngoái, dịch bạch hầu cũng xảy ra ở Quảng Nam và chúng ta đã khoanh dịch tốt.

Các chuyên gia y tế đều khuyến cáo khi có những triệu chứng đau họng nghiêm trọng hoặc không có khả năng nuốt, cổ sưng, khó thở, tức ngực, cực kỳ suy yếu và tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bạch hầu, sốt là phải đến cơ sở y tế ngay.

Bạch hầu không phải là bệnh có thể được quản lý ở nhà. Trường hợp đã nghi ngờ là bệnh bạch hầu nên nhập viện kịp thời.

PHONG GIAO