Dòng sự kiện:

Vinamilk là công ty Việt Nam đầu tiên được Forbes bình chọn vào FAB 50

16:00 29/08/2016
Ngày 24/8, tạp chí Forbes Châu Á đã công bố danh sách 50 công ty niêm yết hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Fabulous 50, viết tắt FAB 50) với sự góp mặt của Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) ở vị trí thứ 24 tính theo vốn hóa thị trường.

Đây cũng là lần đầu tiên có 1 công ty Việt Nam được bình chọn vào danh sách mơ ước này trong suốt 12 năm lịch sử của FAB 50. Nói về Vinamilk, Forbes Châu Á cho biết: “Công thức bí mật của công ty HOT (nóng) nhất Việt Nam, chỉ cần hỏi bất kỳ trẻ em nào thì sẽ biết”.

Danh sách Fab 50 được tạp chí Forbes Châu Á lập lần đầu tiên vào năm 2005 nhằm xếp hạng và công bố 50 công ty niêm yết hàng đầu củacác nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương từ các lĩnh vực, ngành nghề như chế biến thực phẩm, công nghệ, bán lẻ, y tế….

Toàn cảnh siêu nhà máy sữa của Vinamilk (nhà máy MEGA) - một trong 13 nhà máy sữa của Vinamilk tại Việt Nam và cũng là 1 trong 3 siêu nhà máy sữa trên thế giới.

Để chọn ra danh sách 50 công ty niêm yết xuất sắc nhất này, đội ngũ phóng viên và biên tập viên của Forbes Asia đã phải sàng lọc 1.524 công ty được niêm yết có số vốn hóa tối thiểu là 1.7 tỷ USD của các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Úc…. Các công ty này còn phải trải qua một quá trình xem xét với nhiều tiêu chí khắt khe như: không có quá 50% cổ phần sở hữu thuộc nhà nước, không được thua lỗ và sụt giảm doanh thu trong 5 năm gần đây, không có tỷ lệ nợ (debt ratio) vượt quá 50%. Bên cạnh các tiêu chí cơ bản trên, Forbes Châu Á còn kiểm tra năng lực tài chính của các công ty này bằng một loạt các phân tích và đo lường khác nhau với mục đích cuối cùng: Vinh danh những công ty niêm yết có hiệu quả, những công ty ưu tú nhất trong số những công ty tốt nhất trong khu vực.

Sản phẩm sữa đặc và creamer của Driftwood được bày bán tại các siêu thị ở Mỹ.

Tính đến giữa tháng 08/2016, Vinamilk đạt mức vốn hóa là 9.2 tỷ USD với doanh thu là1.8 tỷ USD và được xếp thứ 24 trong danh sách FAB 50 năm 2016. Theo thời điểm hiện tại ngày 29/8, vốn hóa thị trường của Vinamilk đạt mức kỷ lục là 10 tỷ USD. Với sự kiện này, Forbes Asia đã nói “Lần này chính Việt Nam đã tạo ra tin tức nóng hổi nhất. Chưa bao giờ có công ty Việt Nam nào được bình chọn vào FAB 50 nhưng năm nay, chính công ty Vinamilk đã làm nên sự thay đổi”.


Sản phẩm sữa đặc và creamer đặc Driftwood do Vinamilk sản xuất được bày bán tại các siêu thị Mỹ.

Bên cạnh đó, theo một báo cáo của Euro monitor về các công ty sữa trên toàn thế giới thì Vinamilk đang đứng thứ 49 về toàn cầu về doanh thu các sản phẩm sữa trong năm 2015 (ước tính của KPMG theo số liệu của Euro Monitor). Doanh thu này hiện cao hơn 18% so với mức doanh thu trung bình của các công ty sữa ở Châu Á. Đặc biệt, Vinamilk còn được đánh giá là công ty đứng đầu về tính thanh khoản ở các khu vực. Đây chính là minh chứng cho sự kinh doanh có hiệu quả và nền tảng tài chính vững mạnh của Vinamilk trong suốt 40 năm qua.

“Vinamilk hiện đang sở hữu một hệ thống phân phối sản phẩm đáng mơ ước mà các công ty khác nếu muốn có sẽ phải đầu tư trong 10 năm để phát triển” một nhà quản lý tại công ty chứng khoán Hồ Chí Minh đã nhận xét.

Bà Mai Kiều Liên-TGĐ của Vinamilk, người đồng hành cùng Vinamilk 40 năm qua, đưa công ty này lọt vào Top 50 doanh nghiệp niêm yết hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương.

Trong thời gian tới Vinamilk sẽ vẫn chú trọng giữ vững thị trường nội địa, song song với việc tìm kiếm các cơ hội mở rộng ở nước ngoài. Hiện nay ngoài 10 trang trại và 13 nhà máy trong nước, Vinamilk còn có 3 nhà máy tại Mỹ, New Zeland, Campuchia, 1 công ty con tại Ba Lan và đang xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu ở các thị trường mới như Thái Lan, Myanmar và Châu Phi.

PV