Dòng sự kiện:

Vụ nổ bóng đêm mừng thọ: Cảnh giác với những mối nguy hiểm khi trẻ chơi bóng bay

12:47 02/03/2017
Khi bóng nổ, nếu vô tình hít nhiều khí hydro, trẻ nhỏ hoặc ngay cả người lớn có thể sẽ bị ngộ độc, thậm chí tử vong.

Báo Dân trí vừa dẫn nguồn tin từ BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng (BV Xanh Pôn) cho biết, bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân nữ tên D.T.M 34 tuổi ( Hàng Ngang- Hà Nội) bị bỏng rộng vùng mặt, tay vì chùm bóng bay phát nổ, ngoài ra 4 người còn lại đứng xa hơn bị bỏng tay.

Cũng theo BS Thống, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện hôm 26/2 trong tình trạng sốc nhẹ do bỏng. Bệnh nhân bỏng rộng vùng mặt, tay nên đau, rát và hoảng loạn.

Theo đó, chùm bóng kép 20 quả lớn và 20 quả nhỏ được gia đình mua trang trí cho tiệc mừng thọ 70 của người bà. Sau bữa tiệc sinh nhật, mọi người gom bóng lại để mang về cho trẻ em chơi. Khi ra ngoài, M. cùng vài người nữa đang lấy chùm bóng ra khỏi túi bóng thì cả chùm phát nổ, cháy chùm lên mặt, tay của M. 4 - 5 người khác đứng xa hơn nên chỉ bị bỏng ở tay.

Nạn nhân M đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Dân Trí 

Bóng bay là món đồ chơi yêu thích của trẻ nhỏ, đặc biệt là loại bóng bat hidro được treo thành từng chùm đủ màu sắc sặc sỡ khiến nhiều em bé thích mê. Tuy nhiên, những hiểm họa khôn lường từ trò chơi bóng bay không được nhiều người chú ý.

Hồi tháng 5/2015, sinh viên lớp Công tác xã hội K35, Đại học Khoa học (Đại học Huế) dùng bóng bay để trang trí buổi chụp ảnh kỷ yếu cuối khóa.

Một bạn nam trong lớp dùng bật lửa đốt sợi dây buộc nhằm chia nhỏ chùm bóng bay. Do bất cẩn, ngọn lửa bùng lên, cả chùm bóng phát nổ khiến 2 nam sinh và 1 nữ sinh bị bỏng.

Cả 3 ngay lập tức được đưa vào Bệnh viện Y dược Huế (Thừa Thiên - Huế) điều trị trong tình trạng bỏng vùng mặt và cánh tay.

Hồi tháng 7/2015, nhân dịp sinh nhật cháu C.M.H (3 tuổi, Trần Duy Hưng, Hà Nội), bà N.T.Y (53 tuổi) mua 2 quả bóng bay mang đến lớp trong lúc đón cháu. Khi cháu H. vừa cầm bóng thì bất ngờ 2 quả bóng bay phát nổ khiến cháu bị bỏng toàn bộ vùng mặt. Bà Y. ôm để che cho cháu cũng bị bỏng 2 bàn tay và cổ tay.

Hai bà cháu được đưa vào viện Bỏng Quốc gia để cấp cứu. Bác sĩ điều trị cho biết, cháu H bị bỏng độ 2-3 toàn bộ vùng mặt nhưng do bỏng khí nên có khả năng sẽ không để lại sẹo.

Để giảm thiểu những nguy hại từ đồ chơi bóng bay, cha mẹ không nên cho con thổi hay cầm nắm trực tiếp vào những quả bóng bay, nhất là bóng bay có màu sắc sặc sỡ. Ảnh minh họa

Bóng bay thường được bơm khí hydro hoặc khí acetylene, đây được xem là những chất khí rất dễ bắt lửa. Trong quá trình sử dụng bóng bay, nguồn khí bên trong bóng bay rất dễ thẩm thấu ra ngoài, trong đó ra nhiều ở cuống bóng, chỗ buộc dây. Hoặc khi bóng ở gần nguồn nhiệt sẽ tạo ra sự co giãn, tăng áp suất khí làm nổ bóng, khí hydro thoát ra kết hợp với oxy gây cháy nổ.

Khi bóng nổ, nếu vô tình hít nhiều khí hydro, trẻ nhỏ hoặc ngay cả người lớn có thể sẽ bị ngộ độc, thậm chí tử vong.

Ngoài ra khí heli cũng thường được bơm vào trong bóng bay. Khí này nếu trẻ hít phải quá nhiều và liên tục cũng có khả năng dẫn đến nghẹt thở.

Để giảm thiểu những nguy hại từ đồ chơi bóng bay, cha mẹ không nên cho con thổi hay cầm nắm trực tiếp vào những quả bóng bay, nhất là bóng bay có màu sắc sặc sỡ. Đặc biệt, khi cho trẻ chơi bóng cần giám sát để tránh xa lửa, chơi quả nhỏ ít một để không gây cọ xát, nổ “cộng hưởng” cả chùm, không mang bóng bơm khí vào trong ô tô.

Mai Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam