Dòng sự kiện:

11 nguyên tắc "bất thành văn" mẹ cần nhớ khi trẻ bị cảm lạnh

20:24 12/10/2016
Bố mẹ thường hay lo lắng khi con bị cảm lạnh nhưng thực ra cảm lạnh được xem là chứng bệnh bình thường với tất cả mọi người, bao gồm trẻ em. Mỗi năm trẻ có thể bị cảm lạnh tới 8 lần, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi.

Khi thời tiết giao mùa, nhiệt độ chênh lệch nhiều nên trẻ hay bị mắc các bệnh về đường hô hấp. Mặc dù đây chỉ là bệnh thông thường và hay gặp ở trẻ nhỏ nhưng đều làm bố mẹ lo lắng cho sức khỏe của con. Làm thế nào để đề phòng cảm lạnh, khi trẻ bị chảy nước mũi và sốt và xử trí ra sao luôn là vấn đề được các ba mẹ quan tâm. Sau đây là những nguyên tắc cần nhớ khi trẻ bị cảm lạnh.

1. Đưa trẻ đi khám, không tự ý cho trẻ uống thuốc tại nhà

 

Cho bé đi khám và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ

Khi trẻ bị cảm lạnh, ba mẹ hãy cho con đi khám , bác sĩ sẽ kiểm tra để biết nguyên nhân gây bệnh cho con. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc mà cần uống thuốc theo đơn của bác sĩ với liều lượng phù hợp.

2. Cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ

Nếu là cảm lạnh thông thường, thực hiện chăm sóc bé theo hướng dẫn của bác sĩ con sẽ khỏi trong khoảng 7 đến 10 ngày. Nếu trẻ bị nặng hơn, bác sĩ có thể sẽ kê thêm thuốc phù hợp với từng bé.

 

Cho bé uống thuốc theo đơn của bác sĩ.

3. Lưu ý khi trẻ bị sốt

Khi trẻ bị sốt, ba mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:

- Nếu trẻ sốt dưới 38.5 độ C, chưa cần thiết phải dùng thuốc hạ sốt và cũng không tự cho trẻ uống thuốc cảm.

- Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ C, ba mẹ cho con uống thuốc hạ sốt, cởi bỏ bớt quần áo, lau mát và cho trẻ bú hoặc uống nhiều nước.

- Thông thường, thuốc hạ sốt bắt đầu có tác dụng sau 20 - 30 phút, và kéo dài 2 giờ sau khi uống. Thuốc sẽ giúp giảm sốt xuống từ 1 – 2 độ C.

- Mỗi lần thuốc hạ sốt nên cách nhau từ 4-6 tiếng sau mới lại uống tiếp, một ngày không nên uống quá 5 lần.

- Paracetamol là loại thuốc thông dụng hiện nay để điều trị hạ sốt, giảm đau cho trẻ em và cả người lớn.

4. Cho trẻ ngủ nhiều hơn

Khi bé bị cảm, cơ thể sẽ thấy mệt mỏi, nên hạn chế cho bé vận động nhiều. Ba mẹ cần chú ý cho bé ngủ nhiều hơn bình thường để đảm bảo sức khỏe. Nếu để trẻ phải hoạt động nhiều, cơ thể mệt hơn, sức đề kháng kém hơn thì trẻ sẽ lâu khỏi ốm hơn.

 

Cho bé ngủ nhiều hơn bình thường để lấy lại sức.

5. Lưu ý khi trẻ bị ngạt mũi

Khi trẻ bị ngạt mũi có thể cho trẻ gối đầu bằng gối hoặc khăn mỏng, tránh gối quá cao không tốt cho trẻ.

 

Nếu bé bị ngạt mũi, khi ngủ nên cho bé gối lên gối mỏng.

Bình thường trẻ dưới hai tuổi không cần dùng gối bởi khi dùng gối trẻ có thể bị nghẹt thở khi xoay đầu, làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh, làm thân nhiệt của trẻ tăng lên, gây bong gân cổ và khiến đầu bé bị bẹt nếu nằm gối lâu.

Trong trường hợp dịch mũi đặc lại, có nhiều rỉ mũi trong lỗ mũi thì mẹ nên nhỏ 2 - 3 giọt nước muối vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước muối ngấm làm mềm rỉ mũi thì nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để rỉ mũi bong ra nhẹ nhàng.

 

Vệ sinh mũi cho bé đúng cách.

Khi mũi bé có nhiều dịch nhầy, mẹ có thể vệ sinh mũi cho con để con dễ thở và khỏi bệnh nhanh hơn. Mẹ đặt bé nằm nghiêng, nhỏ nước muối từ lỗ mũi phía trên, cuốn theo dịch và rỉ mũi chảy xuống lỗ mũi phía dưới, sau đó từ từ làm tương tự với bên mũi còn lại.

Nếu dịch mũi quá đặc thì mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho con. Tuy nhiên không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi.

6. Cho trẻ uống nhiều nước hoặc sữa

Cần cho trẻ uống nhiều nước và ăn nhiều hoa củ quả như táo, nho, cà chua, cà rốt để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Chú ý cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, nhất là khi bị sốt.

7. Giữ nhiệt độ phòng ổn định

Mẹ chú ý giữ nhiệt độ phòng ổn định với độ ẩm phù hợp. Mẹ có thể dùng máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm cho không khí, mỗi ngày nên mở cửa sổ và cửa ra vào 2 lần để không khí lưu thông.

 

Mẹ chú ý giữ nhiệt độ phòng ổn định.

8. Lưu ý khi mặc quần áo cho trẻ đang bị ốm

Mặc quần áo phù hợp cho trẻ, tránh quá dày hay quá mỏng không phù hợp thời tiết. Không nên vội vàng thêm quần áo dày cho trẻ khi mùa thu đến, cần điều chỉnh phù hợp theo nhu cầu của trẻ và theo nhiệt độ trong nhà hay ngoài trời khi giao mùa.

 

Mặc quần áo phù hợp cho trẻ.

9. Nếu trẻ đỡ, có thể cho trẻ vận động nhẹ nhàng

Khi trẻ đỡ mệt có thể duy trì các hoạt động ngoài trời thường nhật nếu thời tiết đẹp. Trẻ sẽ thấy thoải mái hơn khi được vận động nhẹ nhàng và cũng sẽ ăn ngon, ngủ ngon hơn.

Nếu trẻ đỡ ốm nên cho vận động nhẹ nhàng.

10. Giữ phòng thoáng mát, chú ý vệ sinh sạch sẽ

Giữ phòng thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ để trẻ được hưởng không khí trong lành. Phòng cho trẻ phải thoáng, mát nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh về hô hấp. Đặc biệt là tránh cho trẻ tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Đây đều là những nguyên nhân gây bệnh cảm lạnh thông thường.

 

Đảm bảo phòng ở thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ.

11. Tránh ở gần trẻ nếu đang bị bệnh

Tránh cho trẻ đến những nơi đông đúc, không khí ô nhiễm dễ lây bệnh. Nếu trong gia đình có người bị cảm lạnh thì tránh tiếp xúc với trẻ. Khi buộc phải tiếp xúc thì nên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với trẻ.

 

Nếu bị ốm, mẹ hạn chế tiếp xúc với trẻ.

12. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ

 

Đảm bảo chất dinh dưỡng cho trẻ khi giao mùa để tăng sức đề kháng.

Vào mùa thu đông nên cho trẻ uống nhiều nước hơn, bảo đảm cho trẻ ăn uống đa dạng và đủ chất dinh dưỡng tốt cho tiêu hóa và hệ miễn dịch. Nên cho trẻ ăn thực phẩm tươi, sạch, đảm bảo lượng sữa hàng ngày của trẻ, tăng cường thêm rau và trái cây.

Theo PL.XH

Nguồn: Gia đình Việt Nam