Dòng sự kiện:

14 nguyên nhân khiến bé đột nhiên thức giấc vào ban đêm

16:21 19/10/2015
Chăm con vào ban đêm là mối lo của nhiều bà mẹ bởi nó không chỉ khiến mẹ mệt mỏi mà còn phải lo lắng về tình hình sức khỏe của con.

 

 

 

Nếu trước đó bé nhà bạn có thói quen ngủ rất ngoan nhưng bây giờ bỗng dưng lại hay thức giấc nhiều lần vào ban đêm, chứng tỏ bé đang gặp phải những rắc rối về mặt sức khỏe.

Bé thức giấc vào ban đêm có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

Bước phát triển nhảy vọt

Bị gián đoạn giấc ngủ cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy em bé của bạn đang được chuẩn bị sẵn sàng để có một bước nhảy vọt về tăng trưởng và phát triển, chẳng hạn như bò hoặc đi. Ở thời điểm đó, sự thay đổi của hooc môn tăng trưởng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ bình thường của bé.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em thường bắt đầu thức giấc khi chúng học được một điều gì đó mới lạ từ cuộc sống hay những người thân xung quanh. Và khi chúng muốn thực hành kỹ năng mới này chúng sẽ làm thật nhiều nếu có thể.

Bé đang mọc răng

Bé đang mọc những chiếc răng đầu tiên hoặc bé đang mọc răng hàm? Những chiếc răng sữa này khiến bé bị đau và làm cho bé bị tỉnh giấc giữa đêm cũng như quấy khóc nhiều hơn. Mẹ có thể giúp con đỡ ngứa/đau răng bằng cách cho bé gặm những đồ chơi bằng nhựa mềm, hoặc ăn bánh quy. Nếu bé đang bú mẹ thì việc cho bé bú lúc này cũng khiến cơn đau nhức dịu bớt và dễ dàng đưa bé quay trở lại với giấc ngủ dang dở.

Bé mắc chứng trào ngược

Trẻ ăn no, khó chịu; trẻ bị chứng trào ngược cũng dễ tỉnh giấc ban đêm. Bé sơ sinh cho đến 1 tuổi rất hay bị trào ngược, chướng bụng, buồn nôn/ ói sau khi ăn no và nằm ngủ luôn. Vì thế, nếu mẹ đang có thói quen cho con bú nằm, hoặc cho con vừa ăn vừa ngủ (bú bình/bú mẹ), thì hãy lưu ý cho bé nằm đầu hơi cao một chút, hoặc vỗ lưng cho bé ợ hơi để tránh khó chịu cho bé.

[mecloud]zzl24zAWf7[/mecloud]

Bé đang đói

Cơn đói bụng khiến bé khó chịu và cáu gắt. Một bình sữa lúc này sẽ là cứu tinh. Tuy nhiên, mẹ không nên cho bé bú cữ đêm nhiều sẽ tạo thành thói quen xấu khiến bé cứ tỉnh giấc giữa đêm hết ngày này qua ngày khác. Hơn nữa, cữ bú đêm dễ khiến bé bị sâu răng đấy mẹ ạ. Tốt nhất, trước khi đi ngủ mẹ hãy cho bé dặm một bình cho no bụng, để bé có thể ngủ ngon xuyên đêm.

Trẻ có nhịp sinh học khác xa so với người lớn

Chúng có thể đi ngủ từ rất sớm, và kéo theo việc thức dậy cũng sớm. Hơn nữa, chúng lại không thể tự ru mình vào giấc ngủ như người lớn, nên khi bỗng dưng giật mình tỉnh giấc giữa đêm, bé không tự ru mình vào giấc ngủ tiếp được mà cần sự “trợ giúp” của ba mẹ. Những bé nào có xu hướng ngủ ngoan có thể ngủ xuyên đêm, nhưng bé nào ngủ tỉnh (hoặc trẻ bú mẹ) sẽ có xu hướng tỉnh giấc trong đêm nhiều hơn.

Bé đang bị nóng

Thân nhiệt của trẻ cao hơn người lớn, vì thế bạn hay thấy con mình đổ mồ hôi nhiều, hoặc chúng thấy nóng khi người lớn thấy bình thường. Nếu bé tỉnh giấc giữa đêm và cáu gắt, dùng tay gãi đầu hoặc bụng, lăn lộn, trở mình liên tục… thì mẹ thử sờ vào lưng và đầu bé xem có bị đổ mồ hôi lưng và trên tóc không. Có thể bé đang bị nóng khiến bé ngủ không ngon giấc. Mẹ hãy giảm nhiệt độ phòng ngủ bằng việc bật điều hòa, bỏ bớt những vật chắn xung quanh bé như thú nhồi bông, chăn, hoặc gối ôm… giúp bé thấy mát mẻ hơn.

Bé đang bị lạnh

Mẹ nên nhớ, nhiệt độ lý tưởng nhất trong phòng ngủ là khoảng 28-29 độ. Nóng quá khiến bé tỉnh giấc và lạnh quá cũng khiến bé khó ngủ. Vào mùa đông, mẹ hãy cho bé nằm giường nệm, đắp chăn, mang tất và mặc ấm. Nếu ở vùng nhiệt đới, mẹ hãy điều chỉnh lại nhiệt độ máy lạnh, vì có thể mẹ đang làm bé lạnh quá đấy!

Bé sợ bóng đêm

Bé cũng có những nỗi sợ hãi và những giấc mơ dữ. Thỉnh thoảng khi bé ngủ, mẹ thấy bé khóc thút thít hoặc khóc òa lên, đó là bé đã gặp nỗi sợ hãi gì đó trong giấc ngủ. Lúc này bé muốn được mẹ vỗ về, hoặc mẹ chỉ cần đặt tay lên ngực con để bé an tâm hơn và tiếp tục chìm vào giấc ngủ.

Bé đang ở giai đoạn tăng trưởng bứt phá

Trong năm đầu đời, mỗi tháng của bé là một giai đoạn tăng trưởng bứt phá. Vì đang phát triển, nên bé thường xuyên có nhu cầu… ăn. Nhất là với những bé hiếu động, vốn chạy nhảy và hoạt động nhiều vào ban ngày thì rất dễ bị đói vào buổi đêm. Cơn đói thường khiến chúng cồn cào ruột gan và khó ngủ. Vì vậy, cách tốt nhất là bữa tối mẹ nên cho bé ăn chắc bụng, đừng chỉ ăn cháo loãng, bú sữa mẹ thì bé rất mau đói.

Có thể bé đang bị đau

Mẹ kiểm tra xem con có bị đau ở chân tay, hay chỗ nào không? Con có bị muỗi chích ngứa ngáy không? Tư thế con nằm ngủ có thoải mái không? Chỗ con nằm có bị vướng víu gì không? Đã có trường hợp bé khóc dữ dội trong đêm mà mẹ không tìm ra nguyên nhân, đến khi đưa bé đi khám thì bác sĩ kiểm tra chân tay mới phát hiện ngón chân bé bị một sợi len quấn chặt mà vì trời lạnh, mẹ ủ bé kỹ quá không phát hiện được. Do đó, nếu bé khóc quấy không lý do, mẹ hãy kiểm tra xem con có bị đau không, tránh những trường hợp phải ân hận về sau.

Chu kỳ giấc ngủ không thường xuyên

Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) thì “Trẻ không có chu kỳ giấc ngủ thường xuyên cho đến khi khoảng sáu tháng tuổi”. Trong khi trẻ sơ sinh ngủ khoảng 16-17 giờ mỗi ngày, mỗi giấc ngủ chỉ kéo dài khoảng từ 1 – 2 giờ thì đối với bé lớn hơn lại cần ngủ ít hơn.

Tuy nhiên, với mỗi em bé khác nhau thì nhu cầu ngủ cũng khác nhau. Vì thế, sẽ là bình thường nếu bé chưa được 6 tháng tuổi thức giấc nửa đêm, chúng sẽ ngủ lại sau một vài phút.

Thay đổi các yếu tố môi trường khiến trẻ dễ thức giấc vào ban đêm

Nếu em bé của bạn đang ngủ ngon nhưng đột nhiên thức dậy thì vấn đề có thể là sự thay đổi của nhiệt độ căn phòng, âm thanh cũng như ánh sáng.

Trẻ có thể bị đánh thức ban đêm bởi những tiếng ngáy của bố mẹ, tiếng ho quá to hoặc ngay cả khi bé cảm thấy quá nóng hay quá lạnh.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng có thể khiến trẻ dễ thức giấc ban đêm, đó là sự thay đổi môi trường. Việc thay đổi cũi, giường, võng hay thay đổi nơi ngủ trong khi đi nghỉ cũng là một trong số những lý do khiến trẻ bị thức giấc ban đêm.

Bệnh tật

Trẻ cũng thức dậy vào ban đêm khi chúng đang bị bệnh, mệt, ốm hoặc đau đớn. Một số trẻ bị nhiễm trùng tai cũng hay thức giấc ban đêm. Cha mẹ có thể soi tai và phát hiện ra điều này. Khi đó, cha mẹ nên cho bé uống thuốc kháng sinh để giảm viêm. Trẻ sẽ ngủ ngon mà không thức giấc nửa đêm nữa.

Nhưng khi con thường xuyên thức giấc ban đêm mà không xác định được nguyên nhân, cha mẹ nên đưa con tới bác sĩ nhi khoa để được thăm khám và điều trị bệnh kịp thời.

Chứng rối loạn lo âu

Một bà mẹ than thở đứa con gần 10 tháng tuổi của mình hay thức giấc vào ban đêm. Sau đó đã được bác sĩ nhi khoa tư vấn rằng bé thường xuyên thức dậy vào ban đêm cũng là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ từ 9 tháng đến 12 tháng tuổi. Hiện tượng này hay gặp ở những bậc cha mẹ nuôi dạy con “kiểu Tây”. Nghĩa là cho trẻ ngủ riêng sớm để rèn luyện tính tự lập.

Khi đó, trẻ bắt đầu cảm thấy lo âu vì sợ phải ngủ riêng. Chúng dễ thức giấc và nhìn cha mẹ của mình vào ban đêm. Trẻ ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 2 năm, giấc ngủ cũng có thể bị xáo trộn bởi lo lắng. Đây là một giai đoạn bình thường trong phát triển cảm xúc của một đứa trẻ. Khi ấy, trẻ có thể thức dậy nhiều lần trong đêm và gọi tên cha mẹ hoặc đòi cha mẹ nằm ngủ chung giường.

Tuy nhiên, những rối loạn cảm xúc này sẽ nhanh qua. Bạn hãy vỗ về bé để bé trở lại giường ngủ, nhưng phải đảm bảo với chúng là bạn sẽ quay lại sớm. Bé sẽ thiếp đi trong lúc “chờ đợi” cha mẹ quay lại.

Mẹo giúp bé ngủ ngon

– Nên cho bé ngủ theo giờ quy định, tức là cho trẻ ngủ vào cùng một giờ mỗi ngày. Như vậy sẽ tập cho trẻ được một thói quên tốt khi ngủ.

– Tạo cảm giác thoải mái cho trẻ trước khi ngủ: Nếu đạt được cảm giác thoải mái dễ chịu, bé sẽ dễ dàng bắt đầu giấc ngủ hơn. Để làm được điều này các bậc cha mẹ nên dành thời gian cho bé để kể chuyện hay mát-xa cho trẻ, ngoài ra nếu có thể bạn hãy tắm bằng nước ấm cho trẻ trước khi đi ngủ.

– Bố trí không gian phòng ngủ hợp lý: Nên giữ cho nhiệt độ trong phòng ở mức vừa phải, thoáng gió, không có tiếng động, phòng ngủ nên đặt ở chỗ tối, ít ánh sáng.

– Tránh cho trẻ ăn no trước khi đi ngủ.

Lưu ý: Nếu đã thử nhiều cách mà trẻ vẫn thức giấc và quấy vào ban đêm. Bạn nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ nhi khoa để có những phát hiện và tìm ra nguyên nhân kịp thời.


Chi Chi
(Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video xem thêm: [mecloud]PQQlS81zPR[/mecloud]