Dòng sự kiện:

15 vấn đề cực nguy hiểm có thể xảy ra với thai nhi

20:30 25/11/2015
Mang thai và đón một đứa bé hoàn toàn khỏe mạnh là mong ước của tất cả những người mẹ.

 

 

 

 [mecloud]Xj2bXHpWJa[/mecloud]

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn trải qua một thai kỳ suôn sẻ. Trong suốt 40 tuần thai nằm trong bụng mẹ, bé có thể gặp nguy hiểm.

1. Mang thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là một trong những trường hợp rất đáng ngại của các ca mang thai. Theo đó, thay vì chọn tử cung làm nơi trưởng thành trong suốt 9 tháng, thai nhi lại đậu ngay ở những vị trí bất lợi như buồng trứng, vòi tử cung, ổ bụng… Điều kiện phát triển ở những nơi này có thể đe dọa đến tính mạng của người mẹ mang thai ngoài tử cung khi thai nhi ngày một lớn dần.

Mẹ cần chú ý tới những dấu hiệu cơ bản để biết con nằm ngoài tử cung để kịp thời điều trị.

2. Giãn não thất

Đây là bệnh lý gặp phải ở những thai nhi đã vào đến tam cá nguyệt thứ hai. Nếu mắc phải bệnh giãn não thất, thai nhi có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như rối loạn chức năng vùng lều và gây bại liệt các chi. Do đó, cần phải được phát hiện và điều trị sớm, bằng không buộc phải chấm dứt thai kỳ.

3. Thai chết lưu

Khi trứng thụ tinh đã làm tổ trong tử cung, nhưng vì một lý do nào đó đã không thể tiếp tục phát triển sự sống của mình và chết đi trong bụng người mẹ, người ta gọi đó là trường hợp thai chết lưu. Mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết thai chết lưu để sớm có biện pháp can thiệp kịp thời.

4. Thai nhi bị dị tật

Dị tật phát hiện trong thai kỳ để lại nỗi đau và hậu quả khá nặng nề, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm một số trường hợp thai nhi bị dị tật bẩm sinh có thể điều trị, phẫu thuật hay điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt của các bà mẹ để cải thiện tình trạng thai nhi.

Một số dị tật mà bé có thể sẽ mắc phải đó là hội chứng down, bàn chân vẹo, sứt môi và hở hàm ếch, bệnh tim bẩm sinh, nứt đốt sống, hậu môn không lỗ.

5. Thai phát triển chậm trong tử cung

Nếu bạn đã thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng trong thai kỳ nhưng thai nhi vẫn bị nhẹ cân so với tiêu chuẩn khuyến cáo, có thể bạn thai nhi đã mắc phải một bệnh lý nào đó hoặc do những bất thường về gen, nhiễm sắc thể, hay do những nguyên nhân khác đến từ người mẹ chẳng hạn tình trạng nhiễm trùng, nhiễm hóa chất… Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể tránh được trường hợp thai nhi phát triển chậm trong tử cung nếu biết cách phòng ngừa hiệu quả.

6. Thai bị thiếu oxy

Hầu hết trong các trường hợp, thai nhi bị thiếu oxy là do người mẹ mắc một trong các bệnh lý nghiêm trọng như: thiếu máu, đau tim, huyết áp cao hay hen suyễn… Chúng khiến mẹ khó thở và vì thế lượng oxy cung cấp vào cơ thể thai nhi cũng bị thiếu hụt. Để tránh phải những rủi ro có thể gặp phải, mẹ nên biết cách phòng ngừa và xử lý trường hợp thai nhi bị thiếu oxy.

7. Thai máy bất thường


Bắt đầu từ tháng thứ 4 trở đi, bạn đã có thể theo dõi thai máy, tức hoạt động của thai nhi trong tử cung mẹ. Nếu thai máy bất thường, mẹ không nên xem nhẹ, nhất là khi đã bước qua tần 30 của thai kỳ. Đó có thể là một dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần được kiểm tra.

8. Tràng hoa quấn cổ

Đã có không ít trường hợp thai nhi bị tràng hoa, tức dây rốn quấn quanh cổ đe dọa đến tính mạng. Tình trạng này xuất hiện khi thai nhi vận động quá nhiều trong tử cung gây ra. Tốt nhất không nên tự ý can thiệp tháo rốn hoặc làm theo những mẹo dân gian mà hãy đến bệnh viện để được bác sĩ can thiệp an toàn.

9. Nhau tiền đạo


Thông thường, nhau tiền đạo chỉ được phát hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nhau tiền đạo cò thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.

10. Canxi hóa bánh nhau

Khi canxi lắng đọng ở phần giữa cơ tử cung và bánh nhau sẽ xuất hiện hiện tượng xơ hóa bánh nhau hay còn gọi là canxi hóa bánh nhau. Thực chất, đây cũng là trường hợp không hiếm trong các ca mang thai. Tuy nhiên, nếu ở mức độ nặng nó có thể gây nguy hiểm cho sự phát triển của thai nhi.

11. Nhau bong non

Một trong những trường hợp cấp cứu đe dọa nhất đến tính mạng của thai phụ và thai nhi đó chính là trường hợp nhau bong non.Song không phải ai cũng biết về nhau bong non, những kiến thức về hiện tượng này sẽ giúp bạn có thêm nguồn tham khảo khi cần.

12. Nhau cài răng lược

Với sự phổ biến ngày càng tăng về tình trạng nhau cài răng lược, các bác sĩ chuyên khoa luôn khuyên các bà mẹ theo dõi sức khỏe thai nhi định kỳ vì nhau cài răng lược có thể khiến thai phụ gặp nguy hiểm. Thông thường nhau cài răng lược chỉ được phát hiện khi người mẹ chuyển dạ.

13. Hiện tượng đầu nổi

Khi gần đến thời điểm sanh, thai nhi sẽ chúc đầu xuống và nằm gọn vào phần khung xương chậu của người mẹ. Nếu mọi chuyện không thuận theo điều tự nhiên này, thai nhi sẽ gặp nguy hiểm với hiện tượng đầu nổi cuối thai kỳ. Do đó, người mẹ cần phải được khám thai định kỳ để các bác sĩ theo dõi thường xuyên về sự phát triển của thai nhi nhất là vào những tuần cuối cùng.

14. Thai to vượt tuổi

Trái với việc bỏ bê chuyện dinh dưỡng, nhiều mẹ ngày nay lại chăm chút thái quá cho chất lượng bữa ăn của mình trong thai kỳ. Kết quả là thai nhi có cân nặng hơn mức bình thường. Điều này có thể khiến nhiều người tưởng rằng tốt. Tuy nhiên, chớ chủ quan khi thai to vượt tuổi vì nó có thể liên quan đến một số vấn đề bệnh lý đáng ngại khác mà bạn cần để tâm.

15. Thai quá ngày dự sinh

Dù đã quá ngày dự sinh nhưng con vẫn chưa chịu chào đời. Đừng tiếp tục chần chừ, bởi thai quá ngày sự dinh có thể tiềm ẩn những rủi ro mà bạn không thể ngờ tới. Đó có thể là một dấu hiệu đáng ngại khác liên quan đến tình trạng sức khỏe thai nhi mà mẹ nhất thiết phải được thăm khám và xác định bởi các bác sĩ chuyên ngành.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video xem nhiều nhất: [mecloud]OoRMwqxT5X[/mecloud]