Dòng sự kiện:

5 căn bệnh phụ khoa khiến chị em khó có con

20:10 03/03/2016
Tình trạng mang thai khó chị em không nên coi thường vì khi đó không phải là chuyện riêng của “tinh trùng và trứng” nữa mà có thể là vấn đề sức khỏe.

 

 

 

Dưới đây 5 căn bệnh phụ khoa rất dễ dẫn tới tình trạng mang thai khó ở chị em.

1. Viêm lộ tuyến cổ tử cung

Tuyến cổ tử cung là những tuyến nằm dưới lớp mạc của tử cung, có nhiệm vụ tiết dịch nhờn bôi trơn. Lộ tuyến cổ tử cung là phần biểu mô tiết ra niêm dịch bên trong cổ tử cung bị lộn ra ngoài, cũng có khi là sự phát triển lớp biểu mô mỏng chưa hoàn thiện và không bình thường ở cổ tử cung.

Lộ tuyến làm cho lượng dịch trong âm đạo nhiều hơn bình thường, khiến cho tinh trùng khó di chuyển qua để gặp trứng. Hơn nữa, nó còn làm cho độ pH trong âm đạo thay đổi theo hướng bất lợi cho tinh trùng, có thể tiêu diệt tinh trùng ngay khi vừa vào đến âm đạo.

2. Buồng trứng đa nang

Kinh nguyệt thất thường, mọc nhiều lông, thậm chí việc béo lên của chị em có thể là dấu hiệu của đa nang buồng trứng – hội chứng gây khó có con theo cách tự nhiên.

Về bản chất, khi nữ giới có triệu chứng nam hóa, hai bên buồng trứng biến đổi thành đa nang hoặc tăng to lên đều được xem là có biểu hiện tổng hợp đa nang buồng trứng.

Biểu hiện của chứng bệnh này có thể nặng hoặc nhẹ, đa số phát sinh ở phụ nữ đang độ tuổi sinh đẻ, lứa tuổi 20-40. Buồng trứng người bệnh có nhiều nang nhỏ, trứng không phát triển được, không có hiện tượng phóng noãn, rụng trứng.

Ảnh minh họa.

3. U xơ tử cung

U xơ tử cung (UXTC) là những cục bướu thịt có thể nằm ngoài bìa, trong thành hoặc lọt trong lòng tử cung. Đây là loại u lành tính thường thấy nhất của tử cung. Khi oestrogen trong cơ thể tăng cao, u xơ tử cung thường to ra do sự tăng sinh các sơi cơ, mô cơ ở thành tử cung.

Người phụ nữ nên điều trị u xơ tử cung trước khi có dự định mang thai bởi khối u có thể gây ra một số bất lợi cho việc mang thai như: làm thay đổi lớp nội mạc tử cung hoặc chèn ép, gập vòi tử cung; bít lỗ, biến dạng buồng tử cung; không thuận lợi cho sự làm tổ của trứng; khó thụ thai gây vô sinh, sảy thai liên tiếp hoặc sinh non; làm ngôi thai bất thường; rối loạn cơn co tử cung nên khó sinh đẻ…

Những u to nằm trên đường đi của thai sẽ cản trở sinh con qua đường âm đạo; sau sinh dễ gây băng huyết do sót nhau hoặc tử cung co hồi kém; có thể bị xoắn u cuống dài do ổ bụng rỗng đột ngột hoặc có biến chứng thuyên tắc mạch…

4. Thiểu năng buồng trứng

Bệnh này còn gọi là suy buồng trứng nguyên phát, là tình trạng buồng trứng của bạn bị suy giảm chức năng, không còn khả năng tạo ra hooc môn sinh dục nữ như estrogen. Do đó trứng không thể lớn lên và rụng ra ngoài để thụ tinh. Chức năng tạo hooc môn và tạo trứng chín đều bị suy giảm.

Nhận biết: Rối loạn kinh nguyệt, kỳ kinh kéo dài. Một năm chỉ có vài lần có kinh nguyệt, đi kèm là hiện tượng bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm. Chuyện yêu cũng cảm thấy rất khó khăn vì ít chất bôi trơn.

Cách xử trí: Nếu bệnh ở giai đoạn đầu, còn một vài nang trứng chín và phát triển được, bác sĩ sẽ sử dụng hooc môn để thúc trứng chín, khai thác số nang còn lại. Nếu phát hiện quá muộn, buồng trứng bị mất hoàn toàn chức năng, bạn không thể có con hoặc phải xin trứng của người khác và thụ tinh trong ống nghiệm.

5. Viêm âm đạo

Viêm âm đạo là bệnh do kí sinh trùng, nấm hoặc viêm lộ tuyến tử cung gây ra. Bệnh thường có biểu hiện rõ nét nhất là ngứa nhiều ở vùng âm hộ, khí hư bất thường (có màu trắng đục, loãng, có bọt nếu bị viêm do kí sinh trùng và đặc như bột, có ánh trắng nếu bị viêm nhiễm do nấm).

Khi phụ nữ nhiễm trùng viêm âm đạo, thì môi trường trong âm đạo sẽ thay đổi, sẽ không phù hợp cho tinh trùng tồn tại và hoạt động, có chủng khuẩn có thể nuốt tinh trùng, như vậy sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ viêm nhiễm âm đạo trong thời kì mang thai, nguy hiểm càng tăng cao và có hại đến thai nhi, nhẹ gây động thai, nặng có thể dẫn đến đẻ non hoặc sẩy thai. Như vậy sẽ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.

Chi Chi (tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam