Dòng sự kiện:

5 giới hạn của con, bố mẹ đừng bao giờ chạm vào

Theo TTGD
07:18 02/04/2017
Như người lớn, trẻ nhỏ cũng có những giới hạn của riêng mình và cần được tôn trọng. Khi người lớn “khiêu chiến” giới hạn này, trẻ sinh ra tâm lý làm ngược lại, cố ý đối đầu với bố mẹ

1. Giới hạn riêng tư

Bạn không nên công khai mọi riêng tư của trẻ, chẳng hạn như chuyện trẻ tè dầm, hay thậm chí những bí mật giữa trẻ và bạn (trẻ nói với bạn trẻ thích ai đó, sau này muốn kết hôn với ai đó…). Có thể đây chỉ là những ý nghĩ ngây ngô non nớt nhưng đối với trẻ đó vẫn là sự riêng tư mà trẻ chỉ muốn thổ lộ với người mình tin tưởng nhất. Quan niệm sai lầm của các bậc phụ huynh là cho rằng trẻ còn nhỏ thì dù nói cho người khác nghe những riêng tư của trẻ cũng không hại gì. Bạn nên biết, công khai riêng tư của trẻ trước mặt nhiều người không những tổn thương lòng tự tôn của trẻ mà còn khiến trẻ mất đi cảm giác an toàn. Trẻ sẽ không tín nhiệm bạn nữa, mối quan hệ hai bên sẽ có khoảng cách gây khó khăn cho việc giáo dục về sau.

2. Giới hạn trêu đùa

Hầu như đứa trẻ nào trong quá trình trưởng thành cũng từng bị người lớn hay những đứa trẻ khác “xí gạt”. Ví dụ, một cậu bạn lớn hơn gói cục xà phòng vào chiếc bao đẹp và bảo “rất ngon”, thế là cậu bé nhỏ cho vào miệng ăn thật, lúc này cậu bé lớn ôm bụng cười ngặt nghẽo còn cậu bé nhỏ thì hụt hẫng vì bị gạt. Sự gạt gẫm đùa cợt giữa những người bạn đồng trang lứa với nhau có thể trẻ sẽ chấp nhận được, nhưng nếu người lớn biết chuyện và nhắc chuyện này trước mặt trẻ và người khác, trẻ sẽ cảm thấy ngượng ngùng, hối hận và thấy lòng người thật phức tạp, thật đáng ghét, không dám giao tiếp nữa. Trẻ sẽ thấy oán ghét người đã gạt mình và bất mãn với bạn. Chuyện trẻ bị trêu đùa, bạn nên hướng dẫn trẻ sau này cẩn thận hơn, đừng vội vàng tin lời ai đó.

3. Giới hạn đánh mắng

Trước đây trẻ từng phạm lỗi và bạn trách mắng hoặc đánh đòn. Nếu bây giờ bạn nhắc lại chuyện này trước mặt người khác, thậm chí là kể lại chi tiết tình cảnh trẻ bị đòn, vô hình trung sẽ tạo nên “tổn thương lần hai” đối với trẻ. Nó làm tổn thương lòng tự tôn và khiến trẻ sinh ra sự phản cảm với người lớn. Có thể sau đó, trẻ sẽ càng muốn “đối đầu” với bạn hơn.

4. Giới hạn xấu hổ

Chắc chắn đứa trẻ nào cũng từng mắc phải những chuyện xấu hổ như mặc quần áo ngược, nói lắp, không nhớ lời bài hát v.v… Những chuyện này vốn chẳng to tát và hoàn toàn có thể trẻ đã khắc phục được, nhưng nếu bạn nhắc lại vẫn khó tránh khiến trẻ xấu hổ, đả kích lòng tự tin còn non nớt của trẻ.

5. Giới hạn chuyện làm không được

Có những chuyện vặt vãnh bình thường mà “con người ta” làm được nhưng trẻ của bạn vì lý do nào đó mà làm không tốt. Ví dụ trẻ đã 2 tuổi mà vẫn chưa biết đi hay 3 tuổi vẫn chưa biết ngồi xe đẩy, 5 tuổi chưa biết xếp mô hình gỗ v.v… Những tình huống này thật ra có thể do độ tuổi trưởng thành ở trẻ nhà bạn chậm hơn những đứa trẻ khác mà thôi, đây cũng là hiện tượng bình thường. Nếu bạn cứ đem sự “chậm” này của trẻ nhắc đi nhắc lại, thậm chí tỏ vẻ “chê bai” dù bạn nghĩ chỉ là đang bông đùa nhưng hành động này sẽ khiến trẻ tự ti, ám thị tiêu cực với bản thân, gắn cho mình cái mác “đồ vô dụng”. Tâm lý này sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình trưởng thành sau này của trẻ.

Nguồn: Gia đình Việt Nam