Dòng sự kiện:

6 điều mẹ bầu phải tuyệt đối tránh ở 3 tháng cuối thai kỳ

16:12 25/11/2015
Mẹ đã trải qua 6 tháng mang bầu và chỉ cần cố gắng giữ cho thai kỳ khỏe mạnh thêm 3 tháng nữa là được gặp con yêu rồi.

 

 

 

[mecloud]Xj2bXHpWJa[/mecloud]

Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng cuối

– Tới tuần 27, thai nhi mở to mắt, phân biệt ánh sáng với bóng tối cho dù sau khi sinh, bé chỉ nhìn được những vật cách 15cm.

– Tuần 28-32, bé có thể tăng khoảng 500g mỗi tuần. Đó là lý do giải thích vì sao bạn đột nhiên thấy quần áo bầu chật chội từ giai đoạn này.

– Từ tuần 32 đến tuần 35, bé có thể tăng 250g mỗi tuần. Bộ não phát triển nhanh đến mức chu vi vòng đầu của bé tăng khoảng 2,5cm mỗi tuần tại thời điểm này. Phổi cũng phát triển rất nhanh, bé sinh ở tuần thứ 34 thì cần hỗ trợ thở nhưng nếu chào đời ở tuần 36, bé có thể tự thở tốt.

– Từ tuần 35, thính giác hoàn thiện. Do đó, hãy trò chuyện thường xuyên hơn với bé. Trong những tuần cuối cùng, hệ tiêu hóa của bé chứa đầy meconium (chất màu xanh đen, do các tế bào chết, lông tơ và chất bài tiết trong ruột, gan của bé). Đây cũng là kiểu phân đầu tiên sau khi bé chào đời.

– Ở tuần 36, phần lớn bé lọt đầu xuống xương chậu mẹ.

– Bào thai hoàn thiện ở tuần 37, hệ tim và hô hấp trưởng thành đủ để bé thích ứng với thế giới bên ngoài.

– Ở tuần 40, nhau thai có chiều rộng như một chiếc đĩa lớn, dày 2-3cm và nặng 650g.

Mẹ có biết rằng, so với 6 tháng trước thì 3 tháng cuối này thực sự quan trọng tới mức nào không? Và con vẫn có thể gặp nguy hiểm nếu như mẹ vô tình bất cẩn.

Mẹ nên nhớ:

Không ăn đồ tái sống

Lời khuyên không ăn đồ tái sống khi mang thai chắc chắn mẹ đã nghe rất nhiều lần từ khi mang bầu, nhưng vẫn phải nhắc lại bởi nhiều mẹ nghĩ rằng đến giai đoạn này thai nhi đã hình thành đầy đủ các bộ phận nên việc ăn uống cũng dễ dãi hơn. Thực tế thì mẹ ăn đồ tái sống rất dễ nhiễm khuẩn vì chúng có thể chứa ký sinh trùng toxoplasmosis hoặc khuẩn E. Coli. Chị em cũng nên nói không với thức ăn thừa trong tủ lạnh, thức ăn đóng gói sẵn và thực phẩm có chứa chất phụ gia, bảo quản.

Mẹ bầu cần tiếp tục xây dựng cho mình một chế độ ăn giàu protein, canxi, sắt, chất xơ… uống nhiều nước để thai nhi được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, phát triển tốt nhất.

Hạn chế ăn cay

Có thể mẹ rất thích ăn cay, nhưng vẫn cần phải hạn chế cơn thèm này, hạn chế đồ ăn cay, nóng như tiêu, ớt vì chúng có thể gây ra các vấn đề khó chịu cho hệ tiêu hóa. Thậm chí những gia vị này còn gây hại cho sự phát triển của em bé. Mẹ cũng nên tránh những gia vị hỗn hợp được đóng gói sẵn vì chúng có thể chứa hương liệu nhân tạo.

Tránh ngồi nhiều giờ liền


Cho dù mẹ đang ở nhà hay ở văn phòng cũng không nên ngồi quá lâu tại một vị trí. Ngồi hàng giờ liền có thể khiến mẹ đau lưng và gây áp lực lên bụng. Hãy nhớ rằng khi mang thai đến giai đoạn này, bé đã chiếm phần rất lớn trong bụng mẹ. Hãy đứng dậy thường xuyên và đi lại nhẹ nhàng, em bé sẽ rất thích và cảm ơn mẹ lắm đó.

Tránh môi trường ồn ào

Mặc dù bé vẫn đang trong tử cung mẹ nhưng những tiếng ồn ào xung quanh có thể khuấy động bé và ảnh hưởng đến thính giác đang phát triển của con. Vì vậy, mẹ nên tránh xa những nơi có nhiều tiếng động lớn, những cuộc cãi vã và nhạc quá lớn.

Đừng căng thẳng

Để sinh ra một em bé khỏe mạnh, thông minh, mẹ bầu nên hạn chế đến mức tối đa căng thẳng cả về thể chất lần tinh thần. Hãy bỏ ngoài tai những chuyện bực mình, khó chịu, hãy hạn chế làm việc nặng, công việc khiến mẹ suy nghĩ nhiều và dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Mẹ nên biết rằng cảm xúc của mẹ trong thai kỳ như thế nào, em bé sau này cũng đúng như thế.

Không di chuyển trên hành trình dài ngày

Trong 3 tháng cuối đặc biệt là từ tuần 37 thai kỳ, em bé sẽ chào đời bất cứ lúc nào. Để tránh những tình huống không mong đợi như sinh con trên đường đến bệnh viện, đẻ rơi… mẹ nên hạn chế những chuyến đi xa. Những cuộc hành trình dài còn có thể khiến mẹ mệt mỏi, ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.

Ngoài ra, mẹ cũng cần chú ý thêm:

-Theo dõi cử động của thai nhi trong tháng cuối bằng việc đếm cử động mỗi lần 3 ngày. Và khi thấy thai nhi cử động ít hơn 10 lần nên xin bác sĩ kiểm tra lại nhịp tim thai.

– Đi tiêm ngừa uống ván (tiêm mũi 2 trước sinh ít nhất một tháng).

– Nếu thấy khoảng cách những cơn gò tử cung càng lúc càng ngắn, trong cơn gò bụng cứng hơn, thời gian gò lâu hơn gây đau bụng hoặc ra chất nhầy lẫn ít máu ở âm đạo là bạn đã gần chuyển dạ. Khi thấy ra nước âm đạo điều đó có nghĩa là túi ối bị rỉ hoặc vỡ.

– Giữ vệ sinh, tránh dùng thuốc khử mùi âm đạo, các loại xà phòng thơm. Chị em có thể lót băng vệ sinh mỏng. Đồng thời, nếu bạn thấy ngứa, đau, dịch tiết ra có màu lạ, có mùi hôi thì hãy đến ngay bác sĩ để thăm khám.

– Để có được lượng sữa tốt cho con, mỗi ngày nên lau rửa đầu vú, dùng nước ấm xoa bóp vú để tránh tình trạng nghẹt ống dẫn sữa đưa đến viêm tuyến sữa.

– Không nên rửa sâu trong âm đạo vì có thể gây thuyên tắc hơi trong động mạch, tổn thương xuất huyết cổ tử cung.

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng cuối

Protein: Protein là chất cần cung cấp cho sự phát triển của thai nhi và sự “sản xuất” sữa của bà mẹ chuẩn bị cho việc đón chào trẻ ra đời. Protein có nhiều trong cá, thịt gà, sữa, đậu, hạt hướng dương, hạt bí, hạnh nhân…Nhưng cần hạn chế tối đa các loại thực phẩm có chứa hàm lượng thủy ngân cao như cá mập, cá kiếm, cá thu vua, cá lát, cá ngừ đóng hộp…

Chất béo: Chất béo giúp cho sự phát triển của não và hệ thần kinh khỏe mạnh. Chất béo có nhiều trong dầu ô liu, bơ, các loại hạt, đậu phộng tự nhiên …Hạn chế thực phẩm có chứa chất béo bão hòa đã qua chế biến như khoai tây chiên, thịt rán …

Sắt và canxi: Trong suốt quá trình mang thai, người mẹ sẽ phải thiếu hụt một số lượng lớn sắt và canxi để giúp cho sự phát triển khung xương của trẻ và nuôi dưỡng trẻ, ngay cả trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng cuối cũng vẫn cần thiết cung cấp canxi và sắt cho các mẹ bầu và thai nhi. Chính vì thế phải luôn luôn bổ sung đủ canxi và sắt thông qua các thực phẩm tự nhiên và có thể uống thêm các viên sắt folic hoặc canxium bổ sung sắt và canxi theo chỉ định của bác sĩ. Các thực phẩm giàu canxi là sữa chua ít béo, sữa đậu nành, nước cam, rau lá xanh, đậu phụ … thực phẩm giàu sắt là thịt bò, thịt lợn …

Tăng cường vitamin, khoáng chất, chất xơ: Hãy tăng cường cung cấp các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, yếu tố vi lượng và chất xơ như rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc, khoai mì… để bà bầu hấp thu canxi, sắt một cách tốt hơn, dễ dàng hơn, đồng thời cần uống đủ 2,5 lít nước mỗi ngày, tránh việc bị táo bón và tăng cường sức đề kháng cho cả mẹ bầu và thai nhi.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video xem nhiều nhất: [mecloud]OoRMwqxT5X[/mecloud]