Dòng sự kiện:

7 sai lầm của mẹ khi sử dụng bỉm cho con

03:48 05/08/2015
Bỉm là một vật dụng không thể thiếu đối với các bà mẹ có con nhỏ. Nhiều mẹ nghĩ rằng chỉ cần đóng bỉm cho con là được, ít quan tâm tới việc bỉm cũng là một trong những tác nhân gây bệnh cho con, đặc biệt là các bệnh về da.

Hãy điểm qua một số thói quen sai lầm hay mắc phải của mẹ khi dùng bỉm cho con. Mẹ cũng nên sửa ngay từ hôm nay nhé!

1. Dùng bỉm quá lâu


Có thể các bậc làm cha mẹ sẽ ngạc nhiên nhưng đây là lỗi khá phổ biến và khi nhắc tới nhiều người phải gật đầu đồng ý.

Nhiều mẹ quá bận rộn với công việc và lơ là việc thay bỉm cho con hoặc nghĩ thêm một khoảng thời gian nữa cũng không sao lại đỡ tốn bỉm. Nhiều người sử dụng một chiếc bỉm cho con tới 8 tiếng/ ngày. Đấy là nguyên nhân khiến trẻ hay quấy khóc.

Theo các chuyên gia chăm sóc về sức khỏe trẻ sơ sinh, một miếng bỉm chỉ dùng được tối đa trong 4 tiếng. Trong những tháng đầu tiên sau sinh, cứ cách 2-3 giờ đồng hồ cần phải thay bỉm cho bé. Nếu bé đi đại tiện thì cần phải thay bỉm ngay.

Để bỉm quá lâu không thay cho bé sẽ khiến bé dễ bị viêm nhiễm, hăm tã và rôm sảy.

2. Dùng bỉm cả ngày

Nhiều mẹ thường ngại giặt giũ tã cho con nên bắt con dùng bỉm cả ngày, không để thời gian để da con được “nghỉ ngơi”.

Tuy nhiên, dùng bỉm 24/24 khiến bé cảm thấy bí bách, da dễ bị viêm đỏ, hăm, rôm sảy. Cho da bé được “thả rông” vài lần trong ngày giúp làn da bé thông thoáng, tránh viêm nhiễm.

3. Sử dụng lại bỉm cũ

Đây là thói quen của rất nhiều bà mẹ sử dụng lại bỉm cũ cho con. Vì theo các mẹ nghĩ, bỉm đã mặc rồi, nếu bé chưa tè, ị ra bỉm thì nó vẫn sạch, mẹ có thể mặc lại sau khi tắm cho bé hoặc trước khi cho bé đi ngủ. Điều này vô cùng nguy hiểm, nó có thể khiến làn da của bé bị viêm do những chiếc bỉm “sạch” trước đó đã bị vi khuẩn xâm nhập. Và khi mẹ mặc lại cho bé, vô tình mẹ đã truyền mầm bệnh cho con.

4. Bôi phấn rôm trước khi đóng bỉm

Một số mẹ có thói quen, sử dụng phấn rôm hoặc các loại kem sáp chống hăm, rôm sảy cho bé ở mông, sau đó mới đóng bỉm. Thực tế, cách làm này vô cùng tai hại. Làn da của bé sẽ chịu tổn hại, bí bách ở hai mức độ: kem (phấn) và bỉm. Từ đó, mẹ không những không phòng được hăm tã cho bé mà còn khiến bé bị hăm nặng hơn.

Tốt nhất, khi mẹ “thả rông” cho bé, mẹ hãy bôi phấn rôm để làm mát da bé. Sau đó, nếu mẹ muốn đóng bỉm thì mẹ rửa sạch làn da bé với nước ấm và lau khô.

5. Không chọn bỉm đúng kích cỡ


Nhiều mẹ có tư tưởng mua bỉm lớn hơn cỡ người của con để bé thoải mái nhưng đây không phải là cách làm đúng. Mặc bỉm đúng kích cỡ sẽ khiến trẻ được thoải mái, dễ chịu, giúp con vận động dễ dàng và tránh bị tràn.

Bên cạnh đó, nếu bỉm quá rộng và thừa sẽ tạo ra sự cọ sát của bỉm vào phần da khiến trẻ đau rát.

6. Đóng bỉm kể cả khi trẻ đã lớn

Nhiều bé đi học mẫu giáo vẫn được bố mẹ đóng bỉm cho... “chắc”. Ở độ tuổi này, trẻ đã đủ nhận thức biết được khi nào cần đi vệ sinh để tự đi hoặc gọi bố mẹ hoặc cô giáo. Ngoài ra, trẻ tuổi này đang rất rất hiếu động, chạy nhảy thường xuyên, hay ra mồ hôi khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, đặc biệt là vùng da bị bưng bít bởi bỉm.

Do đó, đóng bỉm cho trẻ lớn vừa gây lãng phí tiền bạc, lại gây bất tiện, khó chịu và viêm nhiễm cho trẻ.

Nếu trong đám bạn bè tự khẳng định mình đã lớn bằng việc không phải đóng bỉm nữa thì con nhà bạn lại vẫn phải dùng bỉm ở tuổi mẫu giáo, con sẽ xấu hổ nếu như bị bạn bè trêu.

7. Không kiểm tra kĩ trước khi mua bỉm

Bé tiếp xúc với các loại bỉm trần, bỉm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng rất dễ mắc bệnh. Nhẹ thì ngứa ngáy, nổi mẩn, kích ứng da. Nặng thì bé có thể bị nhiễm trùng da, nấm, thậm chí về lâu dài còn mắc bệnh ung thư, vô sinh. Do đó, các mẹ khi mua bỉm cho con đừng vì tiết kiệm mà mua phải loại bỉm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe con yêu.

Bên cạnh đó cũng cần mua bỉm phù hợp cho con. Ví dụ, bé trai thì cần mua loại bỉm có các loại thấm hút ở phía trước dày hơn phía sau, bé gái thì mua bỉm có độ thấm hút ở giữa và mông tốt hơn. Hay như, bé từ 6 tháng tuổi sẽ dùng bỉm nhỏ hơn 1 tuổi chẳng hạn.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm video:[mecloud]jKVoxDaxrR[/mecloud]