Dòng sự kiện:

Bà bầu thường mất ngủ từ tuần thứ 20 là do đâu?

02:00 24/10/2015
Đa số bà bầu sẽ bị mất ngủ trong giai đoạn đầu và cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, cá biệt cũng có bà bầu mất ngủ hầu như trong suốt thai kỳ.
 

 

Điều đáng mừng là mất ngủ ảnh hưởng không đáng kể đến thai nhi nhưng sẽ tăng cường sự khó chịu của bà bầu trong suốt chu kỳ thai nghén.


“Giật mình” vì bản thân “ngủ ngáy”

Nguyên nhân là do lượng estrogen tăng cao, khiến cho các màng chất nhầy dày hơn và chắn ngang mũi, khiến bạn có nhiều chất nhầy trong mũi hơn và khó thở hơn. Điều đó dẫn đến việc mẹ bầu ngáy khi ngủ. Cách khắc phục việc này là nằm nghiêng qua bên trái và gối đầu trên gối cao một chút.

Gặp vấn đề tiêu hóa


Ợ nóng hoặc ăn không tiêu có thể khiến cho bạn khó chịu và không thể nằm yên trên giường. Cách khắc phục tình huống này là tránh các loại thực phẩm gây ợ nóng, ăn bữa phụ trước giờ đi ngủ 2 – 3 tiếng.  Khi nằm, hãy nằm nghiêng khoảng 45 độ, kê một cái gối lớn ở phần trên của cơ thể bạn.

Đau nhức chân

Những cơn đau nhức chân liên tục khiến bạn không thể ngủ sâu. Cách khắc phục tình huống này là duỗi thẳng chân và bàn chân, sau đó nhẹ nhàng xoay các ngón chân, hoặc thực hiện các bài massage chân cho bà bầu.

Tìm tư thế thoải mái


Mỗi lần trở mình bạn lại thức giấc và không thể nhanh chóng trở lại giấc ngủ như ban đầu.

Cách khắc phục: Khi bạn nằm nghiêng, hai đầu gối cong lại, đặt một chiếc gối giữa hai chân. Để cảm thấy thoải mái hơn, bạn có thể đặt một số chiếc gối dưới bụng hoặc sau lưng. Trong những trường hợp này, một chiếc gối toàn thân dành cho bà bầu rất phù hợp với bạn.

Thân nhiệt tăng cao

Mẹ bầu trở nên nóng và dễ đổ mồ hôi vào nửa đêm, bởi vì thân nhiệt đã tăng cao hơn bình thường một chút. Đây là một hiện tượng rất phổ biến đối với các bà bầu nhờ sự thay đổi của hệ hấp thu chất dinh dưỡng, hóc môn và cân nặng.


Khắc phục tình huống: Giữ cho giường ngủ luôn mát mẻ và bỏ bớt những vật dụng không cần thiết. Bạn sẽ cần đến một đôi dép lê và áo choàng tắm hoặc khăn tắm ngay tầm tay, khi đột nhiên muốn đi tắm vào buổi tối nóng bức.

Đến thời điểm này, việc bạn ngồi dậy khỏi giường cũng là khó khăn hơn, vì vẫn chưa quen với chiếc bụng đang to dần. Hãy tập đứng dậy theo các thao tác sau: Khi bạn đang nằm trên giường, hãy nghiêng về một bên cho đến khi bạn nằm cạnh gờ giường, đưa hai chân xuống khỏi giường và dùng tay đẩy người mình ngồi dậy. Để hai bàn chân chắc chắn trên nền nhà rồi chống tay đứng dậy.

Một điều mà các mẹ không thể không làm để có giấc ngủ ngon, đó là chọn một loại trang phục ngủ thoải mái. Chất liệu của đồ ngủ nên làm từ sợi tự nhiên, có thấm hút mồ hôi như vải cotton. Tránh các loại vải sợi tổng hợp, bám sát vào người và không thể thoát mồ hôi, khiến cho cơ thể bạn dễ ẩm ướt.

Có một số ngày bạn làm việc mệt mỏi, nhưng vẫn không thể ngủ ngon giấc. Bạn có thể cố gắng nằm trên giường, nhắm mắt và cố gắng ngủ ngon. Nhưng nếu bạn không thể ngủ được sau một hồi trằn trọc, hãy đi ra ngoài nghe nhạc hoặc đọc sách, một lát sau cơn buồn ngủ sẽ đến với bạn.

Một số nguyên nhân thường gặp khác


Dậy nhiều lần trong đêm: do dạ con phát triển chèn ép lên bàng quang, hơn nữa thận của bạn phải tăng thêm 30 - 50% công suất nên bạn phải dậy đi tiểu nhiều lần trong đêm làm bạn khó ngủ lại.

Đau lưng, xương hông và chân: do em bé ngày càng lớn, khối lượng cơ thể của bạn tăng nhanh làm cột sống và chân bạn chịu thêm “tải trọng”.

Bị ợ hơi và táo bón: do dạ con phát triển đẩy dạ dày lên trên, thức ăn bị giữ lại lâu hơn nên làm bạn bị ợ hơi và táo bón.

Ốm ngén trong thai kỳ: những khó chịu trong giai đoạn đầu thai kỳ như buồn nôn, sợ mùi vị, mệt mỏi… cũng làm bạn mất ngủ.

Do thay đổi nội tiết trong cơ thể người mẹ.

Thiếu vitamin B cũng làm bạn trằn trọc.

Khó thở: do có sự thay đổi hormone trong quá trình mang thai làm hơi thở bạn chậm và sâu, khiến bạn hít thở rất khó khăn trong giai đoạn mới mang thai. Càng về sau, khi dạ con chiếm chỗ và ép lên cơ hoành, bạn càng khó thở hơn.

Bị chuột rút: càng về cuối thai kì, những cơn co cơ, chuột rút ngày càng xuất hiện nhiều về đêm khiến bạn đau điếng và tỉnh dậy giữa đêm.

Những suy nghĩ, lo lắng và những hoạch định trong suốt quá trình mang thai và sau khi sinh bé cũng làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn.

Những giấc mơ hoặc ác mộng làm bạn không thể ngủ ngon. Những suy nghĩ lo âu trong quá trình mang thai làm bạn hay gặp ác mộng khi ngủ.

Bé “đạp” cũng làm cho bạn khó ngủ hơn: vì bé nằm trong bụng tối hoàn toàn nên không có khái niệm ngày hay đêm. Bé xoay chuyển, nhào lộn và đạp tứ tung trong bụng mẹ bất kể lúc nào nên cũng làm mẹ mất ngủ.

Nếu bạn bị mất ngủ kéo dài (ngủ ít hơn 5 giờ/ngày) và không khắc phục được thì hãy đến gặp bác sĩ để nhận được tư vấn thích hợp. Chúc bạn trở thành bà bầu xinh đẹp và rạng rỡ trong suốt thai kì!

 

 

TUỆ ANH (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam