Dòng sự kiện:

Bàng hoàng khi có thai chết lưu, mẹ bầu nên làm gì?

03:17 13/11/2015
Thai chết lưu gây ra cho người mẹ các nguy cơ như chảy máu do rối loạn đông máu, nhiễm trùng. Đồng thời còn ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của người mẹ, đặc biệt là những bà mẹ hiếm con.
 

Thai chết lưu là tất cả các trường hợp thai bị chết mà còn lưu lại trong tử cung trên 48 giờ. Thai ở trong tử cung mặc dù được người mẹ bảo vệ nhưng vẫn có thể bị chết ở bất kỳ thời điểm nào. Thai chết lưu gây ra cho người mẹ các nguy cơ như chảy máu do rối loạn đông máu, nhiễm trùng. Đồng thời còn ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của người mẹ, đặc biệt là những bà mẹ hiếm con.


 Những nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng thai chết lưu

- Mẹ bị các bệnh mạn tính như: viêm thận, suy gan, lao phổi, thiếu máu, bệnh tim, cao huyết áp. Các bệnh nội tiết như basedow, suy giáp, tiểu đường, thiểu năng hoặc cường năng tuyến thượng thận.

- Các trường hợp mẹ bị nhiễm độc, nhiễm ký sinh trùng sốt rét, giang mai, viêm gan, quai bị, cúm sởi. Các  bà mẹ tuổi lớn hơn 40, lao động vất vả, dinh dưỡng kém cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho thai chết lưu.


-  Rối loạn nhiễm sắc thể là nguyên nhân chủ yếu của thai dưới 3 tháng bị chết lưu. Rối loạn nhiễm sắc thể là do di truyền từ bố mẹ, cũng có thể do đột biến gene trong quá trình tạo noãn, tạo tinh trùng, thụ tinh và phát triển của phôi.

- Thai có thể bị chết do bất đồng nhóm máu Rh giữa mẹ và con, do thai dị dạng, não úng thủy, phù thai rau, thai già tháng, đa thai khi các thai truyền máu cho nhau thì thai cho máu dễ bị chết lưu. Vì thế có những trường hợp khi thai nhỏ siêu âm là 2 thai, khi thai lớn siêu âm chỉ thấy còn 1 thai.

- Mọi bất thường về dây rốn như dây rốn thắt nút, dây rốn ngắn tuyệt đối, dây rốn xoắn quá mức, dây rốn bị chèn ép, quấn cổ, quấn thân, quấn chi đều có thể khiến thai bị lưu. Tình trạng bánh rau xơ hóa, rau bị bong, u mạch máu màng đệm của bánh rau, đa ối, thiểu ối cũng có thể là tác nhân.


 

- Mẹ bị dị dạng tử cung như tử cung nhi tính, tử cung kém phát triển làm cho thai nhi bị nuôi dưỡng kém và bị chết lưu.

 Triệu chứng thai chết lưu được phát hiện như thế nào?

Trước đó đã có các dấu hiệu có thai như chậm kinh, nghén, bụng to dần, thử nước tiểu có hCG dương tính, siêu âm đã thấy thai và hoạt động tim thai. Nay thấy bụng nhỏ đi, ra máu âm đạo ít một, máu đỏ sẫm hay nâu đen, thử nước tiểu thấy hCG âm tính sau khi thai đã chết được vài tuần


Thai chết lưu trên 20 tuần có các dấu hiệu như không thấy thai cử động, 2 vú tiết sữa non, ra máu âm đạo ít gặp hơn. Bác sĩ khám không nghe thấy tim thai, siêu âm không thấy hoạt động tim thai, đầu méo mó, có thể thấy dấu hiệu 2 vòng xương sọ do da đầu của thai bị bong ra, nước ối ít hoặc hết nước ối. Khi đã chẩn đoán xác định là thai lưu thì phải cho thai ra bằng các phương pháp hút thai, nạo gắp thai, gây sẩy thai, gây chuyển dạ tùy theo tuổi thai. Đồng thời chú ý điều trị chống rối loạn đông máu, chống nhiễm trùng.

Sau khi đã lấy thai lưu ra rồi, bạn cần có một thời gian để phục hồi sức khỏe về mặt thể chất và tinh  thần. Với thai lưu hơn 15 tuần thì bạn cần nghỉ ngơi trong vòng 30 ngày. Khi bạn cảm thấy trong người khỏe mạnh, tư tưởng đã thoải mái, có ham muốn tình dục là lúc bạn có thể giao hợp được nhưng phải tránh thai ít nhất là 3 tháng mới nên có thai lại. Trong thời gian ngắn vài tháng này, bạn nên áp dụng biện pháp tránh thai bằng bao cao su hoặc xuất tinh ngoài âm đạo.

2 vợ chồng bạn có thể làm xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ. Bản thân bạn có thể làm xét nghiệm định nhóm máu Rh. Chú ý chế độ ăn uống đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là tinh bột, đạm, chất béo, vitamin có nhiều trong rau quả tươi. Đồng thời bổ sung axít folic để chuẩn bị cho lần mang thai sắp tới được an toàn hơn. Khi đã có thai bạn nên đi khám thai sớm ở những cơ sở y tế đáng tin cậy để được bác sĩ tư vấn, giúp đỡ, đưa ra các biện pháp điều trị đúng đắn và kịp thời. Chúc bạn nhanh có tin vui và sinh nở mẹ tròn - con vuông.

 

NHƯ Ý (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam