Dòng sự kiện:

Bé muốn "nói" gì khi "đạp" mẹ bầu

15:51 07/07/2015
Những cái đạp nhè nhẹ của con trong bụng mẹ là sự "giao tiếp" đầu đời mà mẹ vô cùng trân trọng. Động tác thai máy giúp mẹ yên tâm rằng em bé khỏe và con vẫn đang phát triển từng ngày.

Chúng ta đều biết rằng khi em bé phát triển sẽ bắt đầu cử động trong bụng mẹ. Ta thường gọi là trẻ đạp nhưng thực sự nó không hẳn là một cú đạp. Nó có thể là sự chuyển động cơ hoành, các động tác duỗi chân tay của bé, một cú nhào lộn hoặc một động tác chuyển từ bên này qua bên kia. Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyển động này đều được người mẹ cảm nhận.  Vào những khoảng thời gian đầu, người mẹ chỉ cảm thấy một cảm giác rung hoặc nôn nao trong bụng.

Năng đá chứng tỏ bé đang phát triển tốt

Theo nghiên cứu, cú đá của thai nhi chính là dấu hiệu cho thấy em bé khỏe mạnh và phát triển tốt. Bên cạnh đó, cú đá cũng cho thấy bé con khá năng hoạt động. Ngoài ra, mẹ cũng có thể có cảm giác như bụng mình rung lên giống như khi bị bé đá khi bé bị nấc, chuyển mình hay duỗi tay và chân.


Bé đá để phản ứng lại những thay đổi của môi trường trong bào thai

Khi gặp những thay đổi nhất định của môi trường xung quanh, thai nhi thường phản hồi bằng việc đá trong bụng mẹ. Em bé có thể di chuyển hay duỗi tay và chân ra để phản ứng với một số kích thích bên ngoài, chẳng hạn như tiếng ồn hay thức ăn mà mẹ vừa ăn. Các cú đá là một phần của sự phát triển bình thường của thai nhi, vì vậy mẹ hoàn toàn không cần lo nghĩ gì khi đột nhiên bị bé ‘đá liên hồi’, bởi rất có thể bé cũng đang ‘hứng phấn’ khi mẹ nghe nhạc đấy.

Bé đá nhiều hơn khi mẹ nằm nghiêng bên trái

Khi mẹ bầu nằm nghiêng bên trái thường sẽ cảm nhận được nhiều cú đá hơn từ bé. Nguyên nhân là do việc nằm nghiêng bên trái khi mang thai làm tăng lượng máu cung cấp cho thai nhi. Do đó, em bé cũng sẽ trở nên vận động tích cực hơn trong tư thế này của mẹ.


Bé đá nhiều hơn sau khi mẹ ăn

Mẹ có thể nhận ra rằng sau các bữa ăn thì tần suất các cú đá của bé cũng tăng lên. Thông thường, một em bé khỏe mạnh sẽ đá khoảng từ 15 tới 20 lần mỗi ngày.

Bé có thể ‘đá mẹ’ sau 9 tuần tuổi

Thai nhi bắt đầu có thể ‘khua chân múa tay’ trong bụng mẹ sau khoảng 9 tuần thai nghén. Tuy nhiên, những cú đá lúc đầu chỉ có thể phát hiện qua thiết bị siêu âm, mẹ hầu như khó có thể nhận ra và phân biệt được di chuyển trong bụng này có phải thực sự là do em bé hay không. Sau tuần thứ 24 của thai kỳ, mẹ sẽ gặp các cú đã thường xuyên và rõ rệt hơn của bé. Đối với các bà mẹ sinh con tới lần thứ 2 thì có thể cảm nhận được những cú đá của bé sớm hơn, thậm chí ngay từ tuần thứ 13 của thai kỳ.


Bé đá ít đi có thể do thiếu oxy

Việc thai nhi đá trong bụng mẹ chỉ ra em bé đang khỏe mạnh và phát triển bình thường. Tuy nhiên khi bé đột nhiên không còn hay vận động bên trong bụng mẹ thì đây có thể là một dấu hiệu không tốt. Nguyên nhân của việc này nhiều khả năng là do nguồn cung cấp oxy cho thai nhi không đủ. Tần suất chuyển động của thai nhi có thể giảm do sự sụt giảm lượng đường trong máu của mẹ ảnh hưởng tới bé. Mẹ cũng nên chú ý nếu thấy sau khi mình ăn mà em bé không đá hay có biểu hiện di chuyển trong bụng. Trong trường hợp tình trạng này mới xuất hiện, mẹ có thể thử uống một ly nước lạnh hay đi bộ xung quanh để xem phản ứng của thai nhi. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, tốt nhất mẹ hãy nên tới trung tâm y tế và làm các xét nghiệm đo nhịp tim thai để sớm xác định nguyên nhân. Trong trường hợp nghiêm trọng, việc sinh sớm có thể sẽ cần thiết để bảo vệ thai nhi.

Bé ít đá hơn sau tuần 36

Sau tuần thứ 36 của thai kỳ, mẹ có thể nhận ra bé vận động ít hơn trong bụng mình. Nguyên nhân là do lúc này thai nhi đã khá lớn, nên không gian còn lại để hoạt động cũng sẽ giảm đi. Trẻ đôi khi cũng có thể ‘nghỉ ngơi’ trong bụng mẹ từ 40 tới 50 phút mà không có nhiều vận động rõ rệt.

Số lần đá giảm đi có thể báo hiệu điều gì đó

Một em bé khỏe mạnh sẽ đá khoảng 15 đến 20 lần trong ngày. Do vậy, nếu số lần đá giảm đi thì điều đó có thể là thai nhi không nhận được đầy đủ dinh dưỡng và oxy.  Để đánh giá chính xác nguyên nhân cần phải siêu âm, xét nghiệm và kiểm tra nhịp tim thai nhi.

Đôi khi qua đó người ta phát hiện ra vấn đề nghiêm trọng ở em bé và sẽ có biện pháp kịp thời để cứu em bé khỏi đau khổ.

Trái ngược với niềm tin phổ biến rằng một em bé đạp ít hơn nghĩa là nó có tính cách hiền lành hơn, thực tế, thai nhi cử động ít hơn bình thường là một tín hiệu cần sự giúp đỡ. Nếu thai nhi không cử động trong hơn 1 giờ dù người mẹ ăn một cái gì đó thì đây có thể là một điều đáng lưu tâm. Đôi khi cử động thai có xu hướng chậm lại nếu mức đường của người mẹ giảm.

Cử động thai giảm không phải luôn luôn là tín hiệu rắc rối

Đôi khi em bé cũng nghỉ ngơi trong tử cung. Thời gian nghỉ ngơi này vào khoảng 40 đến 50 phút là bình thường. Nó chỉ là bất thường nếu hơn 1 giờ mà trẻ vẫn không đạp. Ngoài ra, sau tuần thứ 36, thai nhi cũng có thể ít đạp hơn do không gian trong tử cung đã chật hẹp không thể cử động nhiều.


Khả năm "cảm nhận" thai phụ thuộc vào môi trường nuôi thai của bà bầu

Khả năng “cảm nhận” thai máy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Ví dụ như cùng số tháng mang thai, bà bầu mang thai con rạ (con thứ 2 hoặc 3) sẽ cảm nhận được dấu hiệu thai máy rõ rệt hơn nhiều so với bà bầu mang thai lần đầu (điều này chỉ là vấn đề “kinh nghiệm” chứ không liên quan gì đến chuyện thai của ai… khỏe hơn!). Ngoài ra, những thai phụ có thành bụng dày sẽ khó cảm nhận thai máy hơn người có thành bụng mỏng. Lượng nước ối quá nhiều hay quá ít cũng làm thay đổi khả năng cảm nhận.

Đếm cử động thai nhi

Sau tuần thứ 28, bạn nên dành thời gian 2 lần mỗi ngày để đếm cử động thai nhi. Trong lúc “thức”, tối thiểu thai sẽ cử động từ 3 đến 4 lần một giờ (tức là mẹ sẽ đếm được khoảng 10 cử động trong vòng 30 phút đến 2 giờ). Thấp hơn mức này, có thể thai đang ngủ, hoặc đang có vấn đề sức khỏe. Ngược lại cử động quá nhiều (hơn 20 lần), có thể thai đang bị stress hay chính người mẹ đang căng thẳng. Lúc này cần bình tĩnh, nghỉ ngơi, sẽ thấy thai có cử động nhẹ nhàng lại. Nếu cử động vẫn tăng nhanh, dồn dập, nên đến bệnh viện kiểm tra. Trường hợp thấy thai cử động quá ít, bạn hãy ăn nhẹ và để ý tiếp trong giờ sau. Nếu số lượng cử động của thai vẫn ít, nên đến khám bác sĩ.

 

PHƯƠNG MAI (Tổng hợp)/ ĐSPL