Dòng sự kiện:

"Bỏ túi" các bước sơ cứu khi bé bị ong đốt, rắn cắn

03:05 07/07/2015
Trong trường hợp bị ong đốt, rắn cắn thì phải làm như thế nào? Các cha mẹ cần nhớ rõ các bước sau đây để sơ cứu các bé lúc nguy cấp.

Khi bị rắn cắn

Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành đều cần theo dõi sát như là một trường hợp rắn độc cắn, ít nhất là trong 6 giờ đầu. Đặc biệt khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ngay và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế.


* Cách sơ cứu:

- Cho nạn nhân nằm yên, trấn an họ.

- Bất động và đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc.

- Rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước.

- Phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để nơi đây xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.

* Những việc nên tránh:

- Không nên garô phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi.

- Không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra do có thể gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc.

*Phòng ngừa:

- Mang giầy cao ống và mặc quần dài phủ ra ngoài giầy là cách tốt nhất khi đi trên cỏ rậm hoặc vùng có nhiều rắn.

Khi bị ong đốt

* Cách sơ cứu:

- Hầu hết ong đốt đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da nạn nhân, ngoại trừ ong vò vẽ. Tốt nhất là lấy vòi chích ra bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.


- Rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông và nước ấm.

- Đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau và giảm sưng.

- Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nếu:

+ Nổi mề đay.

+ Nạn nhân cảm thấy mệt, tay chân lạnh.

+ Tiểu đỏ, tiểu ít.

+ Bị ong vò vẽ đốt trên 10 vết.

*Phòng ngừa:

- Nói chuyện với trẻ về tác hại của ong đốt cũng như không chọc phá tổ ong.

Kim Mai/Báo Gia đình & Xã hội