Dòng sự kiện:

Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị ngộ độc thực phẩm và cách xử lý

23:16 16/07/2016
Cơ thể trẻ thường có những phản ứng như nôn, đau đầu, đau bụng,…khi bị ngộ độc thực phẩm, thường là do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn,… hoặc nhiễm các chất độc khác.

Nguyên nhân khiến trẻ có thể bị ngộ độc thực phẩm là do ăn phải thức ăn có nhiễm độc hoặc nhiễm các vi khuẩn, các loại ký sinh trùng,… hoặc ở thực phẩm không được làm lạnh ở nhiệt độ phù hợp, đồ ăn chưa nấu chín.

Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị ngộ độc thực phẩm

- Buồn nôn sau vài giờ ăn. Sau khi ăn thức ăn lạ, trẻ cảm thấy buồn nôn kéo dài hoặc cảm thấy khó nuốt thì cần phải tới bệnh viện hoặc phòng khám gần nhất để khám và điều trị.

- Đau bụng dữ dội. Thường sau khi ăn phải thức ăn lạ mà bị ngộ độc thì trẻ sẽ bị đau bụng nghiêm trọng, các cơn co rút ở vùng bụng xuất hiện. Khi triệu chứng này kéo dài quá lâu thì cần phải đến trung tâm y tế để khám chữa kịp thời.


(Ảnh minh họa)

- Tăng nhiệt độ cơ thể bất thường. Lúc này cơ thể trẻ giống như người bị cúm. Thậm chí có người còn tăng nhiệt đến 40 độ C, lên cơn co giật rất nguy hiểm cho sức khỏe. Lúc này cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt để tránh dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho tính mạng. 

- Tiêu chảy. Một số người bị ngộ độc thực phẩm lại có triệu chứng tiêu chảy hoặc đi phân lỏng kéo dài, thậm chí kéo dài từ 3 ngày trở lên. Có những bé còn thấy cả máu khi nôn hoặc có trong phân. 

- Cơ thể mất nước. Người bị ngộ độc thực phẩm còn có biểu hiện khát nước, cơ thể thiếu nước khiến miệng khô, tiểu tiện ít và mệt mỏi.

- Chóng mặt, đau đầu. Triệu chứng nhẹ của ngộ độc thực phẩm là chóng mặt, đau đầu. Nếu triệu chứng này không được khắc phục hoặc chữa trị cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe thậm chí có thể biến chứng nguy hiểm. 

Cách xử lý khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm

- Uống nhiều nước để giữ nước cho cơ thể, bù đắp cho phần nước đã mất khi bị tiêu chảy hoặc nôn mửa. Có thể ngậm viên đá nhỏ để nước đi vào cơ thể chậm hơn hoặc uống từng ngụm nhỏ. 


(Ảnh minh họa)

- Những trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nhẹ thì sau khi cơ thể đã đỡ hơn nên tránh các thực phẩm chứa caffeine hoặc các sản phẩm từ sữa. Nếu sử dụng chúng dạ dày sẽ bị kích thích và tình hình ngộ độc sẽ nghiêm trọng hơn. 

- Ăn bánh ngọt hoặc bánh mì sau khi nôn và uống nước trắng để bổ sung chất cho cơ thể.

- Sau khi điều trị ngộ độc thực phẩm, cần bổ sung probiotic cho trẻ để can bằng hoạt động của hệ tiêu hóa trong đường ruột, hình thành những vi khuẩn có lợi để chống lại vi khuẩn gây hại trong đường ruột.

- Không dùng thuốc chống tiêu chảy cho trẻ bởi trong lúc này cơ thể đang cố gắng tống các chất có hại trong cơ thể ra ngoài, nếu uống thuốc cầm cự lại thì sẽ khiến bệnh tình càng nặng hơn.

- Cho trẻ nghỉ ngơi trong thời gian nhất định sau khi bị ngộ độc thực phẩm. Nếu có biểu hiện không có dấu hiệu tiến triển tốt thì cần tới bác sĩ kịp thời để được khám và điều trị....

Khánh Ngọc

Theo Gia đình Việt Nam