Dòng sự kiện:

Cách trị trẻ khóc đêm mẹ cần biết

02:00 09/09/2015
Mỗi khi đêm đến là trẻ bắt đầu khóc, trăn trở khó chịu, ngủ không yên, hoặc trẻ đang ngủ yên thỉnh thoảng bỗng giật mình, tỉnh dậy, khóc thét. Mẹ cần làm thế nào?
 

 

Hầu hết khi trẻ mới sinh ra cha mẹ chưa thể phân biệt được nhu cầu của trẻ qua tiếng khóc mà cần phải trải qua một chút thời gian. Các bác sĩ khuyên rằng ban đầu bạn hãy vỗ nhẹ vào lưng con, hỏi han, xem bỉm cho con, rồi sau đó một vài phút nếu con không nín thì hãy làm các cách khác như bế và cho con bú. Nếu đã bế và cho trẻ bú mà trẻ vẫn không nín thì có thể xem con mặc tã có bị nóng quá, lạnh quá hay bị côn trùng cắn hay không. Để trẻ chờ đợi vài phút cũng là một cách giúp trẻ hiểu rằng không phải trẻ đòi hỏi là sẽ được đáp ứng ngay, trẻ cần phải chờ đợi để thông qua đó dạy cho trẻ tính kiên nhẫn. Ở giai đoạn từ 3 tháng trở đi có nhiều mẹ sẽ không cho trẻ bú đêm dù trẻ khóc mà chỉ vỗ nhẹ vào lưng để tránh thói quen cho trẻ bú đêm nhiều lần, và bản thân cũng có giấc ngủ dài hơn.


Ngoài ra, bạn hãy xem mình đã cho trẻ bú lượng sữa thích hợp mỗi ngày chưa? Nếu như trẻ được vận động nhiều mà vẫn khóc thì có thể do lượng sữa bạn cho bú và cho uống là nguyên nhân. Hãy coi lại lượng sữa cho bú và cho uống nhiều hay ít.

Nếu như trẻ có khóc nhiều quá và ngủ quá giờ ngủ trưa mà mình quy định khoảng 30 phút thì cũng không nhất thiết phải đánh thức trẻ dậy. Khi trẻ khóc mệt quá mà ngủ thiếp đi thì hãy vỗ nhẹ vào lưng trẻ để ru trẻ.

Các bước giúp trẻ ngủ ngon không khóc đêm

Bước đầu tiên 


Giúp bé có giấc ngủ ngon đó là hãy điều chỉnh nhiệt độ cơ thể cho bé trước khi ngủ. Khi nhiệt độ cơ thể giảm 1 độ C thì cơ thể sẽ cảm thấy buồn ngủ vì thế tốt nhất hãy tắm cho bé trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng, hoặc là sau bữa ăn dặm, sau khi bú nếu không phải trời lạnh thì mẹ có thể dùng quạt tay quạt nhẹ cho bé để dụ bé vào giấc ngủ. Cha mẹ hãy dựa vào hoàn cảnh và điều kiện thời tiết để áp dụng phương pháp này.

Bước thứ hai

Sau khi sinh được 5 ngày trẻ sơ sinh đã có thể phân biệt được ngày và đêm. Dưới ảnh hưởng ánh sáng mặt trời thì tự khắc đồng hồ sinh học trong cơ thể bé sẽ hoạt động. Chính vì thế dưới môi trường ánh sáng mà cha mẹ điều chỉnh bé sẽ bắt đầu hình thành nhịp sinh hoạt có quy tắc. Nếu cha mẹ tạo thói quen mở rèm lúc 6-7 giờ sáng để bé quen ánh nắng buổi sớm, cho bé đi dạo lúc 8-9 giờ để bé tắm nắng (tùy theo mùa có thể điều chỉnh thời gian này), giấc ngủ trưa hãy để ánh sáng ban ngày và tiếng ồn thay vì kéo rèm để bé không bị nhầm với buổi tối, còn buổi tối khoảng 8 giờ để phòng ngủ giảm ánh sáng và ru bé ngủ. Nếu như ngay từ khi bé mới sinh ra đã được luyện thói quen phân biệt được ngày đêm qua sự điều chỉnh về ánh sáng như này thì tự khắc đồng hồ sinh học của bé sẽ hoạt động theo đúng quy tắc.

Bước thứ ba 


Giữ thói quen sinh hoạt có quy tắc và bắt đầu càng sớm cho bé càng tốt. Nếu bạn đã đề ra mục tiêu sinh hoạt có quy tắc cho bé (với bé đã hơn 1 tuổi trở đi) như là 7 giờ sáng dậy, 8 giờ tối đi ngủ, ngủ trưa tầm 1 -1 tiếng rưỡi, giờ nào là giờ ăn, giờ nào chơi thì hãy quyết tâm thực hiện. Đặc biệt hãy sắp xếp thời gian để bé và mẹ cùng trải qua những hoạt động thiết thực như đi dạo ngoài trời vào buổi sớm (9-10 giờ), chơi cùng nhau, để bé chơi với các bạn cùng lứa, buổi chiều là thư giãn ở nhà hoặc dẫn trẻ đi dạo…và tránh tình trạng để bé ngủ gà gật vào những thời gian không phải là giấc ngủ. Nếu bạn dụ trẻ bằng cách coi ti vi hoặc trên máy vi tính thì mỗi ngày không nên để quá 30 phút. Ngoài ra cả cha và mẹ hãy tạo thời gian trò chuyện và chơi nhiều với bé vì đó là khoảng thời gian khiến trẻ cảm thấy an toàn và có tâm lí ổn định vì cảm nhận được tình yêu của cha mẹ.

Mẹ cần làm những nghi thức dụ trẻ ngủ ví dụ như lấy truyện đọc cho bé, cho bé nhìn ông trăng hay ánh sao trên trời như là những ám thị để bé hiểu rằng đã đến giờ đi ngủ rồi.

NHƯ Ý (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin