Dòng sự kiện:

Cách xử lý khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm tại nhà

22:31 01/08/2016
Khi trẻ ăn phải những thức ăn bị nhiễm vi sinh vật, ký sinh trùng... rất deexxayr ra ngộ độc thực phẩm. Vậy cách xử lý thế nào?

Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra sau khi ăn, uống những thức ăn nhiễm độc, nhiễm khuẩn, thức ăn bị biến chất ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia... Đây là tình trạng bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, dễ bị vi khuẩn tấn công. Việc xử lý nhanh, đúng, kịp thời sẽ giúp trẻ mau lành bệnh, phòng được nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các triệu chứng khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Trẻ bị ngộ độc thực phẩm có biểu hiện buồn nôn, nôn ói, đau bụng và tiêu chảy. Trẻ có thể nôn liên tục hoặc vài lần trong ngày; đau bụng dữ dội, quặn từng cơn sau đó đi tiêu chảy, triệu chứng đau quặn bụng thường xảy ra trước lúc đi ngoài.

Thông thường, nếu do độc tố, trẻ bị nôn nhiều và đau bụng. Nếu do vi khuẩn, triệu chứng tiêu chảy sẽ nổi bật hơn. Sốt, đi ngoài phân nhầy máu là dấu hiệu nhiễm khuẩn gây tổn thương ruột. Ngoài ra, trẻ bị ngộ độc thức ăn có thể biểu hiện nhiễm trùng toàn thân, viêm màng não...

Trẻ ngộ độc thực phẩm cần xử lý nhanh​. Ảnh minh họa

Cách xử lý khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm tại nhà

Khi trẻ bị ngộ độc, nếu chưa thể đưa trẻ đi bệnh viện hoặc trong quá trình đưa đi bệnh viện, mẹ nên tìm cách tống vi khuẩn, chất độc trong cơ thể trẻ ra ngoài bằng cách:

- Nếu trẻ ngộ độc trước 6 giờ, lúc này, chất độc chưa ngấm nhiều vào cơ thể mẹ có thể kích thích họng để gây nôn cho trẻ. Mẹ rửa tay sạch ngoáy họng hoặc cho trẻ uống nước muối ấm để kích thích nôn. Khi gây nôn, mẹ lưu ý cho trẻ nằm đầu thấp, nghiêng về một bên rồi móc họng để trẻ nôn hết. Tuyệt đối không cho trẻ nằm ngửa vì có thể khiến thức ăn sặc lên mũi, xuống phổi rất nguy hiểm.

- Nếu trẻ ngộ độc sau 6 giờ, lúc này chất độc đã bị hấp thu một phần vào cơ thể, mẹ cần sử dụng các loại thực phẩm như bột mì, bột gạo, lòng trắng trứng gà, nước cháo để ngăn chặn sự hấp thu chất độc ở dạ dày, ruột.

Cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra nguyên nhân gây ngộ độc và có phác đồ điều trị kịp thời.

Ngoài ra, mẹ có thể cho trẻ uống từng ngụm nước dừa để làm sạch dạ dày, đường ruột và bù nước cho trẻ. Do khi bị ngộ độc, trẻ thường nôn ói, tiêu chảy nên sẽ mất nước, khát nước, việc bù nước lúc này rất cần thiết. Mẹ chỉ nên cho trẻ uống từng ít một, không được uống nhiều trong một lần uống để tránh tình trạng tiêu chảy nặng.

Lưu ý: Đối với tất cả các trường hợp ngộ độc đều phải được đưa ngay tới cơ sở Y tế để được bác sỹ đưa ra phác đồ cấp cứu điều trị, phù hợp, kịp thời.

Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Để hạn chế ngộ độc thực phẩm 1 cách hiệu quả, bạn có thể áp dụng những cách sau đây:

- Ăn thức ăn thịt cá tươi sống, rau quả tươi, trứng còn nguyên vẹn không nứt vỏ, trứng cũ.

- Không ăn đồ hộp đóng gói, nếu ăn phải nấu chín kỹ các thức ăn đồ hộp trước khi ăn.

- Không ăn bơ, sữa hay các sản phẩm từ bơ sữa để quá lâu.

- Thịt cá tươi cần bỏ vào bao sạch để vào ngăn đá của tủ lạnh. Nếu lấy ra nấu thì cần ăn hết, không nên lấy ra rã đông rồi cất lại để dành.

- Thức ăn để tủ lạnh chỉ dược 1-2 ngày là không nên ăn nữa vì vi khuẩn có thể sinh sản trong đó.

- Thức ăn có mùi lạ phải bỏ đi.

- Không ăn cá thịt ươn hay vừa mới bắt đầu ươn.

- Khi đi du lịch, cẩn thận khi ăn uống dọc đường.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân.

Mai Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam