Cảnh báo bệnh nguy hiểm khi thấy bé lắc đầu liên tục
Mẹ hoảng sợ, gia đình lục đục vì bé lắc đầu
Con gái 11 tháng tuổi của gia đình chị Vân Anh (Duy Tân – Cầu Giấy – Hà Nội) có biểu hiện lắc đầu từ cách đây vài tháng. Do nghĩ đó là một trò chơi của trẻ, chị Vân Anh không quá chú tâm. Thỉnh thoảng, người trong nhà còn trêu đùa, lắc theo bé. Ban đầu, bé chỉ thỉnh thoảng lắc, thế nhưng, càng ngày bé càng lắc đầu nhiều, thậm chí lắc cả trong lúc ngủ. Nhiều lúc, con lắc đầu đến loạng choạng, ngã dúi dụi xuống cũi.
Chứng kiến tình trạng của bé, chị Vân Anh dần cảm thấy lo lắng, đến mức hoảng sợ. Hỏi qua rất nhiều người quen, bạn bè có con nhỏ, chị được biết một số bé cũng lắc đầu, nhưng không nhiều như con mình. Lo bé có thể gặp vấn đề về thần kinh, chị vội vàng đưa con đi khám bệnh.
Thiếu canxi có thể là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ có biểu hiện lắc đầu.
Cũng đứng ngồi không yên vì con lắc đầu, gia đình chị Thu Hoài (Hào Nam – Hà Nội) còn lục đục chỉ vì bất đồng ý kiến xung quanh dấu hiệu này của bé. Con của chị Hoài mới 8 tháng tuổi, bú sữa mẹ hoàn toàn. Bé thường xuyên đổ mồ hôi trộm, đêm ngủ không yên giấc kèm theo thỉnh thoảng lại lắc đầu quầy quậy những lúc ngồi chơi.
Ông bà nội xót cháu, muốn chị cho bé uống dặm thêm sữa công thức vì cho rằng bé ăn uống không đủ chất, đặc biệt là đường và muối do mẹ không cho gia vị vào đồ ăn dặm của con. Nhưng chị Hoài thì phản đối, do không tin tưởng uống sữa công thức là tốt cho bé vì mẹ vẫn tràn trề sữa. Không khí trong gia đình vì thế mà hết sức căng thẳng, ngột ngạt, trong khi cậu bé vẫn nhiều lúc vô thức lắc đầu nguầy nguậy.
“Ngã ngửa” vì những nguyên nhân vừa quen, vừa lạ
Nhiều ông bố bà mẹ chia sẻ, con mình cũng có hiện tượng lắc đầu, nhưng mỗi bé lại có mức độ khác nhau. Có bé lắc nhiều, có bé lắc ít, thỉnh thoảng mới lắc đầu, thường là trước khi ngủ, lúc ăn hoặc trong khi chơi đùa. Một số bậc cha mẹ cho rằng hiện tượng này hoàn toàn bình thường, bỏ qua và bé tự hết. Nhưng cũng có những bé, lắc đầu tăng nặng, kèm theo suy sút về sức khỏe, cân nặng và chất lượng ăn, ngủ. Trong bất cứ tình huống nào, cha mẹ cần tỉnh táo quan sát, dõi theo bé, cũng như có cách xử trí phù hợp, không nên thờ ơ cũng không nên hoảng hốt, rối loạn.
Sau khi đưa con đi khám bác sĩ Nhi, con gái 11 tháng của chị Vân Anh được chẩn đoán là thiếu canxi – phải lập tức bổ sung canxi dạng nước cho bé, kèm uống Vitamin D3 nhằm tăng khả năng hấp thụ canxi cho bé. Bác sĩ phân tích, không chỉ lắc đầu, bé còn có những biểu hiện rõ ràng của thiếu canxi như: Tóc rụng vành khăn, đổ mồ hôi trộm, ngủ kém, bứt rứt… nhưng gia đình không chú ý, chỉ phản ứng khi con lắc đầu nhiều.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng khuyến cáo gia đình giúp bé giảm lắc đầu bằng việc quan tâm, chơi cùng bé, giúp bé tập trung vào chơi hoặc các hoạt động khác nhau, “quên” đi hành động lắc đầu. Ngoài ra, bé cũng cần bổ sung khẩu phần ăn giàu dinh dưỡng như canxi, vitamin hơn…
“Mình thở phào nhẹ nhõm vì loại trừ được nguy cơ bé gặp vấn đề về thần kinh”– chị Vân Anh tâm sự.
Cũng theo chị Vân Anh, khi bé khoảng 3 tháng, trong một lần đưa con đi khám dinh dưỡng, chị đã được tư vấn cho bé uống Vitamin D3, tăng cường khả năng hấp thụ canxi nhưng do chủ quan và ngại cho con dùng các biệt dược, chị đã không làm theo hướng dẫn.
“Bác sĩ khuyên trẻ em cần được uống bổ sung Vitamin D3, tắm nắng để tăng cường khả năng hấp thụ canxi cho đến 18 tháng tuổi. Nhưng bé nhà mình lại không được uống suốt từ lúc sinh đến giờ. Xót con, mà cũng giận mình vì chủ quan…” – chị Vân Anh nói.
Trong khi đó, trường hợp của gia đình chị Hoài, sau vài ngày lắc đầu và có dấu hiệu mè nheo, quấy hơn bình thường, bé bỗng nhú thêm 2 chiếc răng cửa hàm trên, trong sự ngạc nhiên của gia đình.
“Bé mới mọc 4 chiếc răng cửa hàm trên, hàm dưới, nên mình không nghĩ con mọc răng. Từ sau khi răng nhú, con cũng bớt lắc đầu. Vậy là có thể bé đau răng nên cũng lắc đầu. Phải mất rất nhiều công thuyết phục nữa, ông bà và bố cháu mới chịu nhượng bộ chuyện cho cháu uống sữa công thức” – chị Hoài cho hay.
Dấu hiệu cần chú ý
Ngoài lắc đầu, cha mẹ nên lưu ý những biểu hiện khác của bé để có thể xác định nguyên nhân, tình trạng sức khỏe con mình như: Rụng tóc, ăn ngủ kém, quấy khóc...
Lắc đầu có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe cụ thể, thường đi kèm theo nhiều biểu hiện khác ở trẻ. BS Lê Đình Hưng (Trưởng khoa Tai Mũi Họng, B.viện E, HN) cho biết, nếu bé lắc đầu liên tục, đi kèm ngủ kém, rụng tóc vành khăn, đổ mồ hôi trộm nhiều… có thể nguyên nhân do thiếu canxi. Còn nếu lắc đầu kèm theo quấy khóc, kéo tai, ráy tai có mùi hôi… rất có thể bé gặp vấn đề về tai, cha mẹ nên đưa đi khám Tai – Mũi – Họng để kiểm tra xem bé có bị viêm tai giữa hay không. Bác sĩ Hưng cũng cho rằng, trẻ lắc đầu liên tục chưa đủ cơ sở kết luận vấn đề về thần kinh, nếu khám và xác định tai bé bình thường, cha mẹ có thể đưa con đi kiểm tra Chuyên khoa Thần kinh Nhi để có kết luận chính xác.
Còn theo các bác sĩ Trần Thu Thủy – BV Nhi Trung Ương, đôi khi lắc đầu cũng là cách trẻ giải tỏa năng lượng dư thừa, giải tỏa căng thẳng, hoặc tự ru ngủ.
Thay vì suy đoán mò, dẫn đến hoang mang, lo sợ, nếu thấy con lắc đầu bất thường, cha mẹ nên tìm đến bác sĩ, người có chuyên môn để được tư vấn và xử trí kịp thời.
Theo Emdep
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua