Cảnh giác với các dấu hiệu sớm của bệnh viêm phổi ở trẻ
Như chúng tôi đã đưa tin về sự việc bé Phan Bảo A. (14 tháng tuổi, ở phường Vĩnh Trãi, thành phố Lạng Sơn) tử vong khi nhập viện điều trị viêm phổi có xuất hiện kèm triệu chứng tiêu chảy, đến nay nguyên nhân tử vong vẫn chưa được làm rõ.
Vậy liệu rằng có phải khi bị viêm phổi sẽ kèm với bị tiêu chảy, phóng viên Emdep.vn đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đinh Văn Lượng (Khoa Phẫu thuật Lồng ngực – Bệnh viện Phổi Trung ương).
Theo Tiến sĩ Lượng, nguyên nhân của bệnh viêm phổi là do vi khuẩn, virus, nấm hoặc các tác nhân khác gây ra. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Khi được hỏi bệnh viêm phổi có liên quan gì đến bệnh tiêu chảy hay không, Tiến sĩ Lượng cho biết, ở một số trẻ khi mắc chứng viêm phổi sẽ kèm theo tiêu chảy, nôn, trớ, gây mất nước và nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Về triệu chứng của viêm phổi, Tiến sĩ Lượng cảnh báo, dấu hiệu thường thấy là trẻ bị ho kèm theo đờm, sốt, thở nhanh.
Trong đó, thở nhanh là triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ vị viêm phổi, các bà mẹ có thể để ý để đếm nhịp thở của con mình khi nằm ngủ trong vòng 1 phút (Nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên ở trẻ dưới 2 tháng, từ 50 lần/phút trở lên ở trẻ từ 2 – 11 tháng, từ 40 lần/phút trở lên ở trẻ từ 12 tháng – 5 tuổi là có vấn đề).
Ảnh minh họa.
Khi trẻ có dấu hiệu thở co lõm lồng ngực, có thể bệnh viêm phổi đã nặng, cần nhập viện ngay để điều trị. Để nhận ra chính xác dấu hiệu này, theo Tiến sĩ Lượng, các bà mẹ cần vén áo trẻ lên cao, để thấy rõ vùng ngực và bụng trẻ. Quan sát kỹ khi trẻ không khóc hay bú nhằm xác định chính xác.
Khi trẻ bỏ bú hoặc bú kém, co giật, trẻ ngủ li bì – khó đánh thức trẻ dậy, sốt hoặc lạnh, thở khò khè là lúc trẻ đang trong tình trạng nguy kịch, các bậc phụ huynh cần đưa đến bệnh viện ngay nếu không muốn tính mạng bị đe dọa.
Chú ý bù nước cho trẻ khi viêm phổi, tiêu chảy
Cũng trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi – bệnh viện Bạch Mai cho biết, đặc điểm chung của trẻ khi viêm phổi là ho, chảy mũi, sốt, nôn, tiêu chảy.
Theo PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng, vào mùa đông, số bệnh nhi viêm phổi tăng lên rõ rệt, chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, trẻ sơ sinh. Do đó cần phải giữ ấm cho trẻ, khi tắm phải tắm ở phòng kín và tránh gió lùa.
PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng cũng lưu ý, nếu trẻ viêm phổi kèm tiêu chảy phải bù nước cho con. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh có tâm lý sợ con mất nước nên liên tục cho uống oresol. Nhiều người không biết rằng điều đó phản tác dụng, do bé bị kích thích gây nôn liên tục, mất sức.
“Với trẻ nôn ít, cứ 1-2 phút cho uống một ngụm (hoặc dùng thìa nếu trẻ nhỏ). Còn nếu trẻ bị nôn nhiều phải cho uống oresol chậm hơn, sau 2-3 phút lại uống một lần, một ngụm (thìa nhỏ), cho trẻ uống oresol phải kiến trì, uống chậm sẽ hấp thu tốt. Nếu trẻ bị nôn ra ngay sau khi uống, không vội uống lại ngay. Sau cơn nôn, để con bình tĩnh lại và kiên nhẫn cho uống từng ngụm oresol”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Theo Emdep
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua