Dòng sự kiện:

Cha mẹ cần dạy con nói lời cảm ơn thế nào cho đúng?

Cha mẹ cần dạy con biết nói lời cảm ơn từ những điều nhỏ nhất. Khi con nhận được một món đồ mới, khi con được cho thứ gì, khi con được ai giúp đỡ, khi con thấy vì mình mà mọi người vất vả.

Lòng biết ơn là cảm xúc tốt đẹp khi được nhận những giá trị cho đi từ người khác.

Thứ được nhận lại có thể là giá trị vật chất; cũng có thể là hành động giúp đỡ; đó cũng có thể là sự nâng đỡ, hỗ trợ về mặt tinh thần… Cho dù biểu hiện dưới hình thức nào, thì những giá trị ấy cũng cần được công nhận và đền đáp bằng lòng biết ơn.

Có nhiều cách để thể hiện lòng biết ơn, bằng ánh mắt, bằng thái độ trân trọng, bằng hành động đáp đền… Tuy nhiên, cách thể hiện lòng biết ơn đơn giản nhất, cần làm trước hết, đó là nói lời cảm ơn.

Lời cảm ơn chính là một cách để bộc lộ cảm xúc hạnh phúc vì được yêu thương, quan tâm, chia sẻ.

Lời cảm ơn chính là một cách để bộc lộ những cảm xúc biết ơn, hạnh phúc vì được yêu thương, chia sẻ, quan tâm. Lời cảm ơn cũng là để thể hiện thái độ trân trọng đối với người cho và những gì được nhận. Lời cảm ơn cũng cho thấy ý thức về bản thân của người được nhận, đó là người biết ứng xử văn hóa và biết tự trọng.

Người cho đi cũng thấy vui lòng, cảm thấy được công nhận giá trị, được đáp đền, cảm thấy việc làm của mình là có ý nghĩa. Mối quan hệ giữa hai bên trở nên ấm áp, thấu hiểu. Khi mọi người đều biết nói lời cảm ơn, bầu không khí xã hội trở nên văn minh, lịch sự và tốt đẹp.

Có người cho rằng nói cảm ơn là khách sáo, rằng chỉ cần sự biết ơn chân thật là đủ, điều đó không sai. Tuy nhiên, biết ơn mà chỉ để trong lòng, thì lòng biết ơn ấy không có nhiều ý nghĩa. Lòng biết ơn cần được bộc lộ. 

Cao hơn, nói lời cảm ơn còn là để duy trì một lối giao tiếp văn minh, một ứng xử văn hóa, thể hiện một truyền thống đạo lý. Ông cha ta thường dạy “Oán ai một chút thì quên/ Ơn ai một chút, để bên dạ này”.

Đó cũng là kết quả của một quá trình giáo dục gia đình, và quá trình tự giáo dục của bản thân. Nếu không quen nói lời cảm ơn ngay từ nhỏ, thì lời cảm ơn rất khó được thốt ra mà người nói không cảm thấy ngượng miệng. Việc nói lời cảm ơn cũng phải được duy trì thành thói quen ứng xử, nếu không nó sẽ dễ dàng bị quên lãng. Bằng chứng là khi đi học mầm non, cháu nào cũng biết nói lời cảm ơn, nhưng khi lớn lên rồi, không nhiều người còn giữ thói quen này.

Không mấy người nói “cảm ơn” với người giữ xe ở cơ quan nơi mình đến giao dịch. Không mấy người nói lời cảm ơn với cô nhân viên ngân hàng, hay nhân viên những văn phòng công chứng. Hiếm người nói “cảm ơn” khi bà chủ quán bê ra cho chúng ta tô bún ăn sáng. Ít người nói “cảm ơn” với bác sĩ khi được ra viện… Lời cảm ơn, tưởng là dễ nói, mà sao hiếm hoi đến vậy.

Con cần biết nói cảm ơn từ những điều bình thường nhất đến những điều ý nghĩa nhất

Bởi vậy, cha mẹ cần dạy con biết nói lời cảm ơn từ những điều nhỏ nhất. Khi con nhận được một món đồ mới, khi con được cho thứ gì, khi con được ai giúp đỡ, khi con thấy vì mình mà mọi người vất vả… tất cả những điều đó đều xứng đáng được cảm ơn.

Con cần được dạy cho biết rằng, lời cảm ơn phải được nói ra từ tấm lòng thực sự biết ơn, thực sự cảm kích, phải đi cùng với một ánh mắt chân thành. Nếu chỉ nói lời cảm ơn một cách hình thức, khách sáo, ngoài miệng thôi, thì điều đó là giả dối, lời cảm ơn không còn nhiều giá trị.

Cha mẹ cũng phải biết thường xuyên cảm ơn nhau, và cảm ơn con. Cảm ơn khi mẹ nấu một bữa ăn ngon, cảm ơn khi cha đưa cả nhà đi xem phim. Cảm ơn khi con rót cho li nước, lấy cho cái tăm… Giáo dục bằng cách làm gương bao giờ cũng là cách giáo dục hiệu quả nhất, đồng thời tạo nên một bầu không khí ứng xử văn hóa. Tất cả sẽ tạo thành thói quen nói lời cảm ơn, sau này, khi không ứng xử như vậy trẻ sẽ thấy khó chịu.

Cha mẹ cũng phải thường xuyên nói cảm ơn con (Tranh: họa sĩ DAD)

Biết ơn là cảm xúc tự nhiên, tuy nhiên nó cũng có thể bị mài mòn, mai một, thậm chí biến mất khi người ta được nhận quá nhiều, và chỉ quen nhận. Vậy thì, cha mẹ không chỉ yêu thương con, bao bọc con vô điều kiện, mà cần phải dạy con biết đáp lại những yêu thương đó. Con phải biết chia sẻ việc nhà, biết tự lo lắng cho bản thân, biết quan tâm đến những người xung quanh. Khi ấy, con mới hiểu được giá trị của những gì mình được nhận, và lời cảm ơn của con mới thực sự chân thành.

Khi ta biết ơn, tim ta tràn ngập yêu thương, trìu mến. Khi ta luôn nói cảm ơn, ta cảm thấy cuộc đời đã cho ta rất nhiều, bởi vậy mà ta thấy hạnh phúc.

Nguồn: Gia đình Việt Nam