Dòng sự kiện:

Cha mẹ có ý định bấm lỗ tai cho con, sẽ giật mình khi biết thông tin này

14:06 24/09/2016
Trong khi nhiều người hào hứng với việc bấm lỗ tai cho con gái từ khi mới chào đời, nhưng cũng không ít người phản đối ý định này vì cho rằng sẽ gây nhiều mối nguy hại cho con.
Có nên bấm lỗ tai cho trẻ sơ sinh hay không là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Trong khi nhiều người rất hào hứng với việc bấm lỗ tai cho con gái từ khi mới chào đời để làm duyên cho con với bông hoa tai nhỏ xinh, nhưng cũng không ít người phản đối ý định này vì cho rằng sẽ gây nhiều mối nguy hại cho con.

Không những bấm lỗ tai khi trẻ mới 2-3 ngày tuổi giúp con không nhớ gì về cảm giác đau đớn mà còn giúp giải quyết vấn đề xác định giới tính ở các bé gái. Nhất là khi nhiều người lớn dường như không thể phân biệt được bé sơ sinh là bé trai hay bé gái.


Nhiều người rất hào hứng với việc bấm lỗ tai cho con gái từ khi mới chào đời để làm duyên cho con với bông hoa tai nhỏ xinh... (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, cha mẹ có ý định bấm lỗ tai cho con, sẽ giật mình khi biết thông tin này: 

Bấm lỗ tai có thể khiến bé bị nhiễm trùng

Bấm lỗ tai có thể gây nhiễm trùng vết thương cho trẻ, do các dụng cụ dùng để bấm chưa được khử trùng sạch sẽ. Theo tiến sĩ Julia Tzu, bác sĩ da liễu đại học New York và người sáng lập trung tâm Wall Street Dermatology ở thành phố New York thì các dụng cụ bấm lỗ tai thường được mua với giá rẻ và đôi lúc là không rõ nguồn gốc. Chính vì vậy, nó có thể khiến da trẻ bị nhiễm trùng khi tiếp xúc.

Bấm lỗ tai có thể gây ra sẹo lồi trên tai của bé

Nguyên nhân của vết sẹo lồi này là kết quả của sự tăng sinh không kiểm soát của mô sợi sau khi da bị tổn thương. Những mảng da màu hồng, đôi khi đau và ngứa thường phát triển quanh khu vực bị tổn thương và sau đó lan rộng sang các mô xung quanh. Đa phần sẹo lồi thường lành tính, tuy nhiên sẹo có thể gây nên một số biểu hiện như: ngứa, đau nhức, giật nhẹ, co kéo… Lý giải về việc tại sao lại xuất hiện của sự tăng sinh không kiểm soát của mô sợi sau khi da bị tổn thương khi bấm lỗ tai ở trẻ là có thể do mẹ đã vô tình không có chế độ ăn kiêng và chăm sóc đúng cách cho bé. Đó chính là nguyên nhân khiến hình thành vết sẹo lồi khó chữa.

Bấm lỗ tai có thể gây ra sẹo lồi trên tai của bé. Ảnh minh họa

Nguy cơ hóc nghẹn khi trẻ nuốt bông tai

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) không khuyến khích cha mẹ bấm lỗ tai cho trẻ khi còn quá nhỏ bởi những nguy cơ hóc nghẹn. Nếu cha mẹ muốn xỏ khuyên cho bé, nên chọn những loại bông tai chắc chắn, không rơi dễ dàng bởi những chi tiết nhỏ như khuyên tai – hoặc có thể rơi vào tai bé, hoặc có thể rơi ra ngoài và bé sẽ nuốt phải.

Rách thùy tai 

Khi trẻ nhỏ đeo những loại bông tai dài, lủng lắng, bé có nguy cơ cao bị rách thùy tai trong khi vui chơi, vận động. Bông tai có thể bị kẹt và khiến bé đau đớn.

Độ tuổi trẻ có thể bấm lỗ tai

Bấm lỗ tai cho trẻ tưởng chừng như là việc vô cùng đơn giản nhưng thực ra không phải dễ một chút nào. Nhiều cha mẹ thường bấm lỗ tai cho trẻ ở độ tuổi sơ sinh vì nghĩ rằng ở giai đoạn này dễ quên nỗi đau nhanh hơn.

Tuy nhiên một số khác lại cho rằng nên bấm lỗ tai cho trẻ ở độ tuổi lớn hơn, vì lúc đó trẻ hiểu biết, kiềm chế được các cơn đau tốt hơn. Vậy đâu mới là độ tuổi phù hợp để có thể thực hiện bấm lỗ tai cho trẻ?

Theo các bác sĩ nhi khoa, độ tuổi thích hợp để các bậc phụ huynh có thể bắt đầu bấm lỗ tai cho trẻ là khoảng 7 tháng tuổi trở lên. Ở độ tuổi này, trẻ vẫn có thể chịu được đau đớn và cũng phù hợp để chữa lành được vết thương.

Khánh Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam