Dòng sự kiện:

Chữa vặn mình cho trẻ bằng lòng trắng trứng với nước cốt chanh có đúng?

02:00 25/11/2016
Phương pháp chữa vặn mình bằng cách trộn lòng trắng trứng với nước cốt chanh và bôi lên da của trẻ do một mẹ chia sẻ đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.

Thường xuyên vặn mình, đỏ mặt là biểu hiện của hầu hết những trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi. Những biểu hiện này nhiều khi chỉ thoáng qua nhẹ nhàng trong vài giây, song cũng có khi khiến trẻ giật mình tỉnh giấc, thậm chí là gây nôn trớ. Cũng chính vì vậy, nhiều người coi vặn mình là bất thường và “săn lùng” mọi cách để chữa trị cho con.

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền bài viết của một mẹ bỉm sữa về cách chữa vặn mình cho trẻ bằng bôi dung dịch nước cốt chanh và lòng trứng gà lên da khiến nhiều người bán tín, bán nghi. Theo giải thích của bà mẹ này, trẻ vặn mình là do lớp lông đẹn nằm sâu phía trong da gây khó chịu. Và hỗn hợp trên chính là cách hữu hiệu để “tiêu diệt” lớp lông đẹn, từ đó giải quyết triệt để tình trạng vặn mình ở trẻ.

Trộn lòng trắng trứng gà với nước cốt chanh chữa vặn mình cho trẻ đang được các mẹ "bỉm sữa" chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.

Không chỉ dừng lại ở hướng dẫn pha dung dịch, bà mẹ này còn chia sẻ hình ảnh của một em bé lưng trần với lớp “lông đẹn” màu đen xuất hiện chi chít trên da cùng kết luận: "Chỉ cần thực hiện như vậy sau một tuần, các triệu chứng vặn mình sẽ ngay lập tức biến mất. Bởi lẽ, lúc này, lông đẹn đã được tiêu diệt sạch sẽ nên trẻ sẽ khoan khoái, dễ chịu hơn"

Chẳng biết thực hư của phương pháp này đến đâu, thế nhưng, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, bài viết đã nhận được cả chục nghìn lượt chia sẻ. Nhiều người thậm chí còn coi đây là mẹo hay bỏ túi để sau này dùng hoặc để “nhắc nhở” những người xung quanh cách trị vặn mình cho trẻ nhỏ.

Lông đẹn (màu đen) chính là nguyên nhân mà bà mẹ kia cho rằng gây ra hiện tượng vặn mình ở trẻ.


Cận cảnh làn da của trẻ sau khi được đánh lông đẹn.

 

Coi chừng trẻ nhiễm trùng da khi áp dụng cách trị vặn mình phi khoa học này

Bàn về tác dụng của phương pháp chữa vặn mình mà không ít người coi là “thần thánh” này, lương y Bùi Hồng Minh, chủ tịch Hội Đông y Ba Đình khẳng định: "Về bản chất, lòng trắng trứng gà và nước cốt chanh đều rất lành tính. Trên thực tế, ở người lớn, dung dịch này còn được sử dụng để bôi lên mặt, làm đẹp da, trị mụn khá hiệu quả. Tuy nhiên, sử dụng nó để chữa vặn mình cho trẻ như một bài thuốc thì đông y chưa từng ghi nhận".

Phân tích về bản chất, lương y Bùi Hồng Minh cho hay, dung dịch lòng trắng trứng và nước cốt chanh kia chỉ là những tác động ngoài da. Trong khi đó, việc trẻ vặn mình có rất nhiều nguyên nhân. Đó có thể là hiện tượng sinh lý đơn thuần, trẻ vặn mình vì thấy mỏi (như chúng ta vẫn thường thực hiện), hoặc là do điều kiện vệ sinh kém khiến trẻ ngứa ngáy. Vặn mình đôi khi còn do quần áo mặc khó chịu, môi trường bên ngoài nóng bức…

Hơn nữa, theo lương y Bùi Hồng Minh, “lông đẹn” là lớp lông nhỏ, mỏng, mọc trên da của trẻ. Nó được hình thành ngay từ trong thai kỳ. Lớp lông này thực chất không gây ngứa, trừ trường hợp lỗ chân lông bị viêm. Cho nên không thể nói nhờ được tẩy hết lớp lông đẹn mà trẻ hết vặt mình.

Có thể thấy lớp da của trẻ sau khi đánh lông đẹn có nhiều vết mẩn đỏ.

Trường hợp người mẹ này cảm thấy con ít vặn mình hơn sau khi bôi dung dịch kia lên người rất có thể do da được vệ sinh sạch sẽ, các chất bẩn được lấy đi khiến trẻ thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, vệ sinh da cho con bằng cách này cũng vô cùng nguy hiểm. Bởi lẽ, như chúng ta đã biết, trong chanh có khá nhiều axit. Khi bôi lên da trực tiếp với lượng đậm đặc có thể khiến làn da mỏng manh của bé bị kích ứng, mẩn đỏ. Nếu da đang có vết thương hở, xết xước thì nó còn tạo cảm giác rát, xót, thậm chí là nhiễm trùng. Ở người lớn, khi lớp da đã phát triển hoàn thiện và khá dày mà nhiều người vẫn còn bị dị ứng với dung dịch này thì ở trẻ nhỏ, nguy cơ càng cao hơn.

Trên thực tế, có nhiều người vẫn sử dụng nước cốt chanh hòa loãng với một lượng lớn nước để tắm và sát trùng da cho trẻ. Việc này vốn không được khuyến khích vì axit của chanh có thể làm bong lớp da non khiến trẻ bị tổn thương. Thế nên, việc xát trực tiếp chanh lên da trẻ như thế này càng không nên thực hiện.

Vặn mình là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường và có thể tự hết. Dù nó có thể gây ra một số phiền phức, thế nhưng, nếu trẻ vẫn ăn ngủ tốt, lên cân thì chúng ta hãy cứ “thuận theo tự nhiên”. Trong trường hợp nghi ngờ trẻ có bất thường về sức khỏe, tốt nhất bạn nên đưa con đi thăm khám bác sĩ để có giải pháp hữu hiệu nhất. Đặc biệt đừng bao giờ biến con thành “chuột bạch” cho bất cứ phương pháp chữa bệnh truyền miệng nào.

PLXH

Nguồn: Gia đình Việt Nam