Dòng sự kiện:

"Đau đầu" những kiểu ngôi thai khiến bác sĩ "dở khóc dở cười"

16:50 20/10/2015
Từ tuần 32-36 thai kỳ, thai nhi sẽ tự xoay chuyển cơ thể để về vị trí thuận lợi cho việc sinh nở.
 

 

Ngôi thai lý tưởng nhất để cuộc sinh nở thuận lợi là ngôi xoay đầu, đầu bé chúc xuống và gáy quay về phía bụng mẹ. Thông thường từ tuần thai thứ 28 thai nhi bắt đầu xoay đầu và chúc đầu xuống phía dưới xương chậu để ổn định vị trí ngôi thai chuẩn bị cho hành trình chào đời của bé.


Ngoài ra, nếu thai nhi có ngôi mông hoặc ngôi ngang thì hầu hết đều được bác sĩ chỉ định đẻ mổ. Nhưng tại sao trong khi hầu hết các ca mang bầu đều có ngôi thai thuận thì lại có những em bé mang ngôi thai ngược. Nguyên nhân khiến ngôi thai ngược được cho là do:

- Do người mẹ sinh con nhiều lần nên tử cung bị giãn, thai nhi khó xoay và cố định đầu vào khung chậu trong. Ngoài ra, nếu mẹ bị u xơ tử cung, u buồng trứng hay tử cung dị dạng, tử cung có vách ngăn... sẽ tạo nên sự chèn ép, khiến thai nhi không xoay trở được.

- Thai nhi có đầu quá to

- Dây rốn quá ngắn làm em bé không xoay được hoặc xoay nửa chừng thì không xoay được nữa. Như thế sẽ tạo thành ngôi ngang. Ngược lại, dây rốn quá dài và quấn cổ cũng khiến thai nhi không xoay được.

- Nước ối quá ít làm thai nhi không xoay trở được hoặc quá nhiều khiến thai nhi không cố định được ngôi.

- Một số trường hợp nhau bám thấp cũng gây cản trở sự điều chỉnh của thai trong bụng mẹ vào những tháng cuối của thai kỳ.

Dưới đây là những kiểu ngôi thai thường khiến bác sĩ "đau đầu" và hầu hết đều được chỉ định sinh mổ:

Ngôi đầu


Ngôi đầu thường rất phổ biến nhưng không phải em bé nào có ngôi đầu cũng dễ dàng sinh thường. Ngôi đầu được chia làm 4 kiểu bao gồm:

- Nếu đầu em bé cúi tốt, bác sĩ khám cửa mình của mẹ và sờ thấy thóp sau, gọi là ngôi chỏm.

- Nếu đầu em bé không cúi tốt, hơi ngửa, sờ được thóp trước, gọi là ngôi thóp trước.

- Nếu đầu em bé ngửa lưng chừng, sờ được từ mũi đến miệng, không sờ được cằm, gọi là ngôi trán.

- Nếu đầu em bé ngửa hết cỡ, sờ thấy cằm, gọi là ngôi mặt.

Phương pháp sinh nở:

Khi xác định ngôi chỏm và ngôi mặt, thai phụ có thể sinh bằng phương pháp tự nhiên. Nếu thai nhi ngôi mặt nhưng có cằm xoay về phía lưng mẹ, trường hợp này phải sinh mổ.

Trường hợp thai nhi ngôi thóp trước và ngôi trán, thai phụ nên sinh mổ. Lý do là đầu em bé ngửa lưng chừng nên đường kính đầu đi qua khung chậu lớn, không đi qua được.

Ngôi mông (ngôi ngược)


Là khi đầu em bé hướng lên trên, mông quay xuống dưới phía tử cung của mẹ, gồm hai kiểu:

Ngôi mông đủ: thai nhi có tư thế ngồi xếp bằng trong tử cung. Khi bác sĩ khám mẹ sẽ sờ được mông và hai bàn chân bé.

- Kiểu mông (thai nhi vắt ngược hai chân lên ôm sát vào ngực, bác sĩ khám sẽ sờ thấy mông bé, không thấy chân).

- Kiểu chân (thai nhi đứng, sờ được chân mà không thấy mông) .

- Kiểu gối (em bé quỳ, sờ được đầu gối).

Phương pháp sinh nở:

Trong các trường hợp xác định ngôi mông, bác sĩ thường chỉ định sinh mổ có chọn lọc, tức là không phải tất cả các trường hợp phải mổ. Tuy nhiên, vì muốn độ an toàn cao cho cả mẹ lẫn con nên bác sĩ chỉ định cho mổ nhiều hơn. Trường hợp ngôi mông đủ và mông thiếu kiểu mông, thai phụ có thể sinh thường. Tùy theo sức khỏe của mẹ, sự xoay trở của thai nhi trong quá trình chuyển dạ, bác sĩ sẽ có giải pháp phù hợp cho sản phụ.

Riêng ngôi mông kiểu chân, người mẹ được chỉ định sinh mổ. Ngoài ra, ngôi mông cùng những bất thường khác như vỡ ối, tử cung có vết mổ cũ, sinh đôi, con so nặng trên 3kg..., bác sĩ cũng sẽ chỉ định sinh mổ.

Ngôi ngang

Hình phía ngoài bên tay phải là hiện tượng ngôi ngang.

Là khi thai nhi nằm chắn ngang cổ tử cung do chỉ xoay được nửa chừng.

Phương pháp sinh nở:

Ngôi ngang bắt buộc phải sinh mổ, không có cơ chế sinh thường vì cơ thể bé không thể qua được khung chậu.

Nhận biết ngôi thai ngược


Từ tháng thứ 6, thai phụ có thể cảm nhận được ngôi thai thuận hay ngược nếu chú ý vị trí đạp của thai:

– Ở ngôi thai thuận, thai nhi đạp ở vùng trên rốn, thỉnh thoảng có thể cảm nhận chân của thai nhi gồ lên ở vùng hạ sườn

– Ở ngôi thai ngược, thai nhi đạp ở vùng bụng dưới, đôi khi cảm thấy tức tức ở vùng hạ sườn do đầu bé chèn vào.

Ngày nay, nhờ có siêu âm, người ta có thể xác định có ngôi ngược hay không. Điều cần thiết là thai phụ đi khám thai đều đặn, nhất là vào tháng thứ 7, để gặp trường hợp thai chưa xoay, cán bộ sản khoa theo dõi và can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ và con.

 

TUỆ ANH (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam