Dòng sự kiện:

Dấu hiệu nhận biết mẹ có nguy cơ vỡ tử cung

17:35 28/01/2016
Vỡ tử cung là một trong những tai biến sản khoa hàng đầu đe doạ trực tiếp đến tính mạng của cả người mẹ lẫn thai nhi.

 

 

 

 [mecloud]NmMy4kBmEA[/mecloud]

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung (Trưởng khoa Sản, phòng khám đa khoa Thái Hà) cho biết trên báo Pháp luật xã hội, vỡ tử cung là một trong những tai biến sản khoa hàng đầu đe doạ trực tiếp đến tính mạng của cả người mẹ lẫn thai nhi. Vỡ tử cung thường xảy ra trong thời gian chuyển dạ, nhưng cũng có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai đặc biệt trong quý 3 của thai kỳ.

Vỡ tử cung là một vết rách trên thành tử cung (thường ở vị trí của vết mổ đẻ trước đó). Khi bị vỡ hoàn toàn, vết rách toạc qua các lớp của thành tử cung và hậu quả có thể nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi. Tai biến này rất nguy hiểm vì một khi tử cung của bà bầu đã vỡ, thai nhi sẽ chết và nếu không được xử trí kịp thời thì thai phụ có khi cũng bị tử vong theo. Bác sĩ nhấn mạnh, mọi người cần lưu ý vì trước khi vỡ tử cung chắc chắn sẽ có một giai đoạn dọa vỡ tử cung, giai đoạn này cần phải phát hiện sớm để can thiệp kịp thời, bảo toàn tính mạng cho sản phụ và thai nhi.

Có hai loại vỡ tử cung (vỡ tử cung hoàn toàn và vỡ tử cung không hoàn toàn). Vỡ tử cung hoàn toàn là tử cung bị vỡ, bị xé rách từ niêm mạc qua lớp cơ và cả phúc mạc làm buồng tử cung thông với ổ bụng.

Vỡ tử cung không hoàn toàn hay còn gọi vỡ tử cung dưới phúc mạc là loại tổn thương từ niêm mạc đến  rách cơ tử cung nhưng phúc mạc còn nguyên, thường gặp vỡ ở đoạn dưới.

1. Nguyên nhân vỡ tử cung

Nguyên nhân gây vỡ tử cung thường đến từ hai phía: cả mẹ và thai nhi.

Từ người mẹ:

- Do người mẹ có khung chậu hẹp, méo mó làm đầu thai nhi không chui lọt để ra ngoài.

- Do mẹ có khối u ở đoạn dưới cổ tử cung, ở cổ tử cung, ở đường sinh dục dưới … khối u này chặn đường ra của thai nhi.

- Do mẹ đã sinh nở nhiều lần nên tử cung mỏng, nhão, các cơn co mạnh gây vỡ, rách lớp cơ đoạn dưới tử cung.

- Do mẹ có vế mổ cũ ở tử cung (mổ lấy thai, mổ cắt bóc khối u ở tử cung) nên vết sẹo tử cung trở thành nơi yếu nhất, các cơn co tử cung mạnh có thể làm toác vết mổ, gây vỡ tử cung.

Từ phía thai nhi:

- Thai nhi quá to, không chui lọt qua khung chậu mặc dù khung chậu bình thường.

- Thai nhi dị dạng có đầu to quá mức do não chưa đầy nước nên không chui qua được khung chậu.

- Thai nhi nằm trong tử cung theo tư thế không bình thường như: thai nằm ngang, thai không cúi đầu cũng không ngửa mặt, thai đưa mặt ra trước nhưng cằm lại quay về phía xương cùng của mẹ… Các tư thế bất thường này làm cho thai không chui qua khung chậu để ra ngoài trong khi các cơn co dồn dập cứ thúc thai nhi xuống gây vỡ tử cung.

2. Các dấu hiệu nhận biết nguy cơ vỡ tử cung

Vỡ tử cung thường xảy ra trong lúc chuyển dạ đẻ, cũng có trường hợp hi hữu xảy ra trong các tháng cuối trước khi chuyển dạ do tử cung có sẹo mổ cũ và vết sẹo đã bị nhiễm khuẩn nên khi có cơn co mạnh sẹo bị nứt dần gây vỡ.

Dấu hiệu dọa vỡ:

Các cơn co tử cung ngày càng mạnh và nhanh, mẹ đau đớn, vật vã.

Nhìn trên ổ bụng thấy đáy tử cung cao dần lên so với rốn.

Ở dưới rốn thấy tử cung có một chỗ thắt lại làm cho tử cung không còn hình trứng mà có hình một quả bầu, vòng thắt này ngày càng rõ rệt. Vòng thắt này chính là ranh giới giữa thân tử cung và đoạn dưới tử cung và tử cung sẽ vỡ dưới vòng thắt.

Dấu hiệu vỡ tử cung:

Cơn co tử cung ngày một dồn dập, người mẹ đau tăng lên dữ dội rồi tự nhiên giảm đau. Khi đó tử cung đã vỡ nên mất hẳn cơn co hoặc cơn co chỉ còn rất nhẹ, hình dáng tử cung thay đổi, có thể sờ ngay thấy thai nhi dưới da bụng người mẹ, tim thai mất hoặc đập rất yếu.

Vì tử cung bị vỡ nên máu sẽ chảy ồ ạt vào ổ bụng làm cho mẹ bị choáng, mặt nhợt nhạt, thở nông, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhỏ và nhanh, huyết áp tụt thấp. Mẹ có thể chết ngay vì choáng và chảy máu.

3. Phòng ngừa vỡ tử cung

Mẹ phải thực hiện khám thai định kỳ và phải đăng ký sinh nở tại cơ sở y tế có nữ hộ sinh theo dõi đỡ đẻ hoặc tại các khoa sản bệnh viện.

Trường hợp mẹ có nguy cơ cao như khung chậu hẹp, méo, sẹo mổ tử cung, đẻ nhiều lần cần được chuyển đẻ ở bệnh viện có chuyên khoa sản để được can thiệp kịp thời bằng foocxep hoặc mổ đẻ tránh nguy cơ vỡ.

Các mẹ nên thực hiện sinh đẻ kế hoạch, không nên đẻ dày quá và không đẻ nhiều lần vì tử cung nhão cũng dễ vỡ. Nếu đã mổ sinh thì nên có thai lại cách nhau 5 năm để an toàn hơn.

4. Xử lý khi bị vỡ tử cung

Tùy thuộc vào tổn thương ở tử cung, nếu rách phức tạp, đã lâu nên cắt tử cung. Chỉ khâu lại vết rách khi tổn thương gọn rõ ràng, nhất là người mẹ còn muốn sinh tiếp. Có trường hợp sản phụ bị shock nặng, kéo dài vẫn nên mổ bụng để cầm máu, truyền máu tươi, dịch truyền khác. Đây là điều kiện mà nhiều bệnh viện có thể thực hiện được ở ta hiện nay.

Chi Chi (tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video hot: [mecloud]n7cn8XNbYj[/mecloud]