Dòng sự kiện:

Giải tỏa lo lắng trẻ sơ sinh 3 ngày không đi ngoài

Theo Marrybaby
08:02 26/08/2017
Trẻ sơ sinh 3 ngày không đi ngoài liệu có đáng lo? Bé có đang bị táo bón hay gặp phải vấn đề nào đó về sức khỏe? Cùng MarryBaby tìm hiểu và giải đáp những thắc mắc này, mẹ nhé!

Hầu hết mẹ sẽ dựa vào số lần đi ngoài và đặc tính phân của bé để xác định tình trạng sức khỏe cũng như khả năng hấp thu chất dinh dưỡng có tốt không. Nguồn thức ăn có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hóa của trẻ sơ sinh và số lần đi ngoài ở mỗi bé sẽ khác nhau. Vì vậy, khi thấy trẻ sơ sinh 3 ngày không đi ngoài thì mẹ không nên quá lo lắng.

Số lần đi ngoài bình thường của trẻ

Sau khi sinh, một em bé thường đi tiểu tiện 10-20 lần một ngày và đi đại tiện 10 lần một ngày. Số lần đi tiêu sẽ giảm đi khi bé lớn lên trong những tháng tiếp theo. Những bé bú sữa mẹ hoàn toàn và sữa công thức có số lần đi ngoài khác nhau.

1. Trẻ bú mẹ hoàn toàn

Vào khoảng vài ngày đầu sau sinh, bé sẽ đi ngoài rất nhiều để tống hết phân su được hình thành khi còn trong bụng mẹ ra ngoài. Sau đó, phân của bé sẽ dần dần thay đổi có màu vàng hoặc xanh, kết cấu lỏng, lợn cợn nhiều hạt trắng nhỏ, có mùi chua. Thông thường trẻ sẽ đi ngoài khoảng từ 3-5 lần trong ngày.

Trẻ bú mẹ và trẻ bú sữa công thức có số lần đi ngoài khác nhau

2. Trẻ bú sữa công thức

Do sữa công thức thường khó tiêu hơn sữa mẹ nên trẻ có xu hướng đi ngoài ít hơn, có thể từ 1-2 lần/ngày. Phân có kết cấu cứng hơn và cũng nặng mùi hơn so với trẻ được bú mẹ.

3. Trẻ ăn dặm

Khi đã làm quen với các chất rắn thì việc đi ngoài của bé cũng sẽ có nhiều thay đổi. Trẻ đi ngoài phân thường cứng hơn, có kết cấu hình khối và nặng mùi hơn. Ở độ tuổi này, việc đi ngoài của bé có thường xuyên hay không còn phụ thuộc vào chế độ ăn. Nếu tiêu hóa tốt trẻ có thể đi ngoài mỗi ngày 1 lần nhưng cũng có thể cách 1 ngày đi một lần. Nhưng nếu bé ăn nhiều thức ăn gây khó tiêu thì sẽ ít đi ngoài hơn.

Theo đó, trẻ sơ sinh 3 ngày không đi ngoài có đáng lo ngại hay không còn tùy thuộc vào việc bé nhà bạn đang được nuôi dưỡng như thế nào và trong giai đoạn nào. Tuy nhiên, để đảm bảo mẹ vẫn nên quan tâm và để ý ngay khi có những dấu hiệu bất thường cũng như tìm cách khắc phục tình trạng lâu ngày không đi ngoài của bé. Điều này nhằm ngăn ngừa bệnh táo bón có thể “ghé thăm” bé bất cứ lúc nào.

Vì sao trẻ sơ sinh 3 ngày không đi ngoài?

Vấn đề tiêu hóa ở trẻ luôn là nỗi bận tâm khá lớn đối với người làm mẹ, do đó bạn nên biết một số lý do có thể khiến trẻ sơ sinh 3 ngày không đi ngoài hoặc có thể hơn.

Sữa mẹ rất dễ tiêu hóa nên có trường hợp bé hấp thu một cách tối đa các chất dinh dưỡng và không để lại nhiều bã. Do đó, phải qua vài ngày lượng bã này mới nhiều lên, làm căng ruột và khiến trẻ đi ngoài.

Những trẻ bú kém, ít bú sữa mẹ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho trẻ ít đi ngoài hơn so với bình thường.

Từ 2 tháng tuổi trở lên, có một thời điểm dung tích ruột của bé sẽ giãn nở ra, hiện tượng này gọi là “giãn ruột”. Lúc này, ruột bé trở nên lớn hơn và lượng sữa mẹ được hấp thu tốt nên chất thải cũng ít đi. Vì vậy, thay vì đi ngoài nhiều lần trong ngày trẻ sẽ đột nhiên đi ít hơn có thể là mấy ngày mới đi một lần.

Do hệ tiêu hóa còn khá non yếu nên một số trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi những thành phần có trong sữa công thức và các sản phẩm làm từ sữa bò. Kết quả là trẻ sẽ đi ngoài ít hơn và không thường xuyên hơn.

Chế độ ăn thiếu chất xơ, quá nhiều chất đạm là “thủ phạm” gây nên hiện tượng ít đi ngoài ở trẻ sơ sinh đang trong độ tuổi ăn dặm.

Trẻ sơ sinh 3 ngày không đi có đáng lo?

Số lần đi ngoài trong ngày ở mỗi trẻ sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu trẻ 3 ngày không đi ngoài nhưng sau đó vẫn đi ị được, phân mềm và bé vẫn ăn uống khỏe mạnh thì mẹ hoàn toàn có thể yên tâm. Có thể vì lúc này bé chưa muốn đi ngoài mà thôi.

Tùy vào tình trạng phân mẹ có thể biết tình trạng sức khỏe của bé

Nhưng cũng có trẻ lại không “chịu” đi và mẹ có thể giúp bé bằng cách gây ra một vài kích thích nhỏ để khuyến khích bé đi ngoài bằng cách: Dùng bông tăm nhúng một ít dầu ăn hoặc vaseline cho trơn rồi đưa vào hậu môn của bé khoảng chừng 1cm, đưa ra đưa vô nhẹ nhàng. Thực hiện 2 ngày một lần và trẻ sẽ tự đi ngoài dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh 3 ngày không đi ngoài hoặc thậm chí có thể hơn kèm theo các dấu hiệu như đau bụng, rặn đỏ mặt tía tai, phân cứng vo tròn, có lẫn máu. Trẻ thường hay khó chịu, quấy khóc mỗi lần đi ngoài thì mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ. Bởi có thể bé đã bị táo bón hoặc mắc một số bệnh lý nào đó liên quan đến đường tiêu hóa.

Ngoài ra, trong chế độ ăn dặm bạn cũng nên chú ý đến việc cân bằng các nhóm thực phẩm đưa vào cơ thể. Bổ sung nhiều loại rau xanh, các loại củ quả, trái cây nhằm cung cấp thêm chất xơ, vitamin và khoáng chất khác.

Nguồn: Gia đình Việt Nam