Dòng sự kiện:

Giúp trẻ vượt qua trầm cảm

giaoducthoidai
07:44 28/10/2017
Những áp lực trong gia đình cũng như ngoài xã hội đã khiến nhiều trẻ em hiện nay rơi vào trạng thái trầm cảm. Nếu không được giải quyết triệt để thì hậu quả dẫn đến khá nghiêm trọng. Thậm chí có những em không thể chịu đựng được đã tìm đến cái chết để tự giải thoát bản thân.

Hiện tượng trầm cảm do áp lực gia tăng

Những con số thống kê về “Chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh trường học tại Hà Nội” là một thực tế rất đáng lo ngại. Theo đó, 19,46% học sinh độ tuổi từ 10 - 16 gặp trục trặc về sức khỏe tâm thần.

Nghiên cứu 21.960 thanh thiếu niên Hà Nội phát hiện 3,7% em có rối loạn hành vi. Tỷ lệ này đối với nam, nữ, tiểu học, THCS nội thành, ngoại thành không có gì khác biệt.

Theo khảo sát của dự án này, quận Hai Bà Trưng có tỷ lệ học sinh gặp khó khăn về ứng xử cao nhất, với 44,2%, so với các quận còn lại là Hoàng Mai (28,8%), Từ Liêm (26,9%). Nghiên cứu cũng cho thấy, ảnh hưởng của điều kiện sống, môi trường sống là những tác động hành vi ứng xử của các em.

Trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 50% dân số Việt Nam. Tuy nhiên, hiểu biết của người dân về vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho đối tượng này còn nghèo nàn.

Những trẻ bị mắc chứng bệnh trầm cảm thường có những biểu hiện dễ bị kích động, bực tức, gắt gỏng vô cớ. Hoặc có em rơi vào trạng thái thu mình trong vỏ óc không giao tiếp, bất hợp tác với mọi người.

Tuy nhiên, trong khi người lớn có xu hướng tự cô lập khi chán nản thì trẻ thường thu hẹp mối quan hệ với một vài người bạn. Những trẻ bị trầm cảm sẽ giảm giao tiếp xã hội, xa lánh cha mẹ hoặc có thể bắt đầu chơi với một nhóm bạn hoàn toàn khác. Với những trẻ trầm cảm các em rất nhạy cảm với những lời phê bình, góp ý của những người xung quanh.

Gần đây, vụ việc của một em nhỏ tại TPHCM, do không chịu được những áp lực, mặc dù đã được gia đình đặc biệt quan tâm, chữa chạy song thật đáng tiếc em nhỏ đó đã tự mình tìm đến cái chết. Đó thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các phụ huynh, cũng như toàn xã hội, phải làm thế nào để có thể nắm bắt tâm lý và chia sẻ kịp thời trợ giúp cho các em.

Trẻ em cần được trợ giúp về tâm lý

Trên thực tế, khi người ta rơi vào trạng thái tâm lý đau buồn cũng như nỗi đau đớn, sự sợ hãi đến tột cùng, họ cảm thấy không có một con đường nào khác cho mình người ta sẽ tìm đến cái chết.

Đặc biệt với những người rơi vào trạng thái trầm cảm thường không kiểm soát được hành vi của mình. Có thể là sự giằng xé kéo dài trong một thời gian, hoặc là sự bộc phát tức thời để có sự giải thoát ngay.

Chuyên gia Phạm Hiền, Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Wedo-Wegood, cũng đã chia sẻ về điều này: Ở trẻ em sức chịu đựng kém hơn rất nhiều. Khả năng tư duy, cũng như khả năng trong cuộc sống của các con rất hạn chế.

Thậm chí chúng đang rất non nớt, các con mới đang thực sự trải nghiệm để có những thích nghi với những áp lực để biết cách giải quyết nó.

Còn người lớn của chúng ta đã có cả một quá trình dài, mà đôi khi người lớn còn không thể chịu nổi, huống hồ là trẻ con, điều đó thực sự ghê gớm. Với con trẻ không chỉ có áp lực học hành. Nếu người lớn chúng ta có những áp lực gì, thì con trẻ đương nhiên sẽ có những áp lực như vậy.

Theo Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, những trẻ rơi vào trạng thái áp lực thường từ 11, 12 tuổi trở lên - ở độ tuổi vị thành niên khi mà các con có những cảm nhận về áp lực.

Đôi khi áp lực đó lại cộng thêm cái tôi của các con nữa, cái tôi đòi hỏi theo mong muốn của bản thân. Vì vậy, nó càng đẩy áp lực lên cao hơn. Cho nên, nếu không có người tháo gỡ những áp lực đó thì áp lực ngày càng leo thang và khiến các con rơi vào sự bĩ cực.

Nguồn: Gia đình Việt Nam