Dòng sự kiện:

Hướng dẫn cách xử lý trẻ bị hóc dị vật tại nhà

03:02 18/07/2016
Hóc dị vật là điều cực kỳ nguy hiểm đối với tính mạng của trẻ. Trường hợp này cha mẹ cần phải bình tĩnh để xử lý, sơ cứu cho trẻ trong khi chờ cấp cứu đến.

Tai nạn hóc dị vật có thể xảy ra ở mọi tuổi nhưng thường hay xảy ra ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến dưới 3 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ thường sẽ rất tò mò, những thứ tưởng như vô hại với người lớn như hạt nhãn, hạt điều, kim may, đinh gim, hạt dẻ, hạt dưa, bỏng ngô, kẹo cứng,…nhưng lại vô cùng nguy hiểm với trẻ .

Nguyên nhân và phát hiện sớm hóc dị vật ở trẻ

Trong nhiều tình huống trẻ nhỏ chơi nghịch, vô tình nuốt phải dị vật dẫn tới tình trạng hóc dị vật. Hóc dị vật là tai nạn cực kỳ nguy hiểm và thường xảy ra những lúc trẻ ăn, chơi. Những lúc này dị vật thường bịt kín đường thở dẫn tới khó thở, tím tái, nếu không kịp thời cứu chữa sẽ dẫn tới tử vong. 

Rất nhiều trường hợp trẻ bị hóc dị vật mà người nhà không hề hay biết hoặc không biết cách xử lý đúng cách đã dẫn tới tình trạng nặng hơn. 


Cần chú ý trong khi trẻ vui chơi để tránh trẻ bị hóc di vật (Ảnh minh họa)

Có những trường hợp trẻ hóc xương vụn trong cháo, người nhà cố tìm cách móc họng để lấy xương nhưng tình hình không những không khá hơn mà còn tệ đi, trẻ trở nên tím tái, thiếu oxy nặng. 

Như Dân trí đã đưa tin trường hợp gần nhất là một ca hóc dị vật của bé trai 8 tuổi. Khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu thì bé đã trong tình trạng ngừng tuần hoàn, không còn phản xạ. 

Mặc dù được các y bác sĩ tận tình cấp cứu, cứu chữa nhưng sau 20 ngày nằm hồi sức thì bệnh nhi đã không qua khỏi. Nguyên nhân là do thời gian ngừng tuần hoàn quá lâu trước khi được đưa đến viện, dù đã cấp cứu khiến tim đập lại được nhưng bé luôn trong tình trạng hôn mê, phải thở máy, não tổn thương do thiếu oxy quá lâu.


Cách sơ cứu khi trẻ gặp tai nạn hóc dị vật (Ảnh: Zing)

Cách phát hiện sớm trẻ bị dị vật đường thở 

- Theo Trí thức trẻ, khi trẻ đang ăn mà tự nhiên ho sặc sụa, mặt mày tím tái khó thở thì cần nghĩ ngay tới việc trẻ bị hóc dị vật đường thở và cần kịp thời đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

- Trong trường hợp trẻ bị hóc nhưng vẫn còn tỉnh táo thì tuyệt đối không được móc họng hoặc cố tình gây ói để trẻ nôn ra nhằm lấy dị vật. 

Tùy theo độ tuổi và tình trạng lúc hóc dị vật để có thể có những cách xử lý đúng đắn.

Đối với trẻ dưới 2 tuổi cần làm biện pháp vỗ lưng, ấn ngực, hà hơi thổi ngạt và đồng thời gọi cấp cứu hoặc di chuyển trẻ đến bệnh viện. 

Đối với trẻ trên 2 tuổi, cần áp dụng phương pháp ép bụng. Cho trẻ đứng thẳng, một người ra phía sau đứng ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ rồi ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp sau đó đưa bé ngay vào viện.

Phòng tránh trẻ bị hóc dị vật

- Không cho trẻ chơi những đồ chơi có mảnh lắp ráp quá nhỏ, có nhiều bộ phận tách rời, nhiều góc cạnh.

- Nấu thức ăn cho trẻ cần lấy hết các mạnh vụn, xương trước khi cho trẻ ăn.

- Chú ý khi cho trẻ ăn hoa quả bởi chúng có thể bị hóc hạt mà không biết.

- Tạo môi trường an toàn cho trẻ vui chơi và học tập.

Khánh Ngọc

Theo Gia đình Việt Nam