Dòng sự kiện:

Làm gì để giảm đau tức ngực khi mang thai?

15:56 17/02/2016
Đau tức ngực khi mang thai là tình trạng phổ biến nhưng sẽ là nguy hiểm nếu có một vài biểu hiện khác đi kèm.

 

 

 

Thưa bác sĩ, tôi đang mang thai ở tháng thứ 5. Dạo gần đây, tôi thấy mình có biểu hiện đau tức phần ngực. Cảm giác đau này ngày một tăng dần. Liệu đây có phải là biểu hiện của bệnh gì nguy hiểm ảnh hưởng tới con tôi hay không? Tôi có thể làm gì để giảm đau tức ngực?
----------

Chào chị,

Chị thân mến, mang thai là giai đoạn hạnh phúc nhất của người phụ nữ nhưng cùng với đó cũng là nhiều mối lo vây quanh.

Hiện tượng đau tức ngực của chị có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Tình trạng fibrocystic: Đây được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây hiện tượng đau tức ngực trong suốt thai kỳ. Fibrocystic là một tình trạng lành tính phổ biến gây các mô vú trở nên dày đặc và sần. Chính sự thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt khiến cho fibrocystic xuất hiện.

Mất cân bằng hormone: Trong suốt thai kỳ, cơ thể có nhiều thay đổi để chuẩn bị cho sự phát triển của em bé. Một trong số đó là sự mất cân bằng về hormone, đặc biệt về estrogen. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tức ngực.

Do ợ nóng: Sự gia tăng hormone trong thời kì mang thai có tác dụng duy trì niêm mạc tử cung và làm mềm các dây chằng nên có thể khiến các thực quản co hẹp lại. Khi đó, axit dạ dày có thể trào ngược trở lại vào cổ họng và thực quản, gây mùi chua đặc trưng. Ngoài ra, thai nhi đang lớn ép cơ hoành và dạ dày cũng là nguyên nhân gây đau ngực có liên quan đến ợ nóng khi mang thai. Ợ nóng càng nhiều, khả năng đau tức ngực càng tăng.

Do căng cơ bắp: Khi mang thai, hiện tượng căng các cơ bắp và dây chằng ở vùng ngực xuất hiện. Với một số người, hiện tượng này có thể gây đau ngực. Để giảm sự khó chịu này, chị em có thể tắm nước ấm và tránh nâng vật nặng, chọn áo ngực phù hợp.

Rò rỉ sữa non: Bắt đầu từ tháng 6 của thai kỳ, ngực của mẹ bầu đã có thể bắt đầu sản xuất sữa non. Từ thời gian này, bạn có thể sẽ cảm nhận được một dòng chảy đang hoạt động trong ngực, đồng thời đầu ti cũng có thể rò rỉ sữa non. Hiện tượng này diễn ra bình thường, kèm theo đau tức ngực nhẹ. Tuy nhiên, nếu kèm theo máu hay đau trầm trọng, mẹ bầu nên tới bác sỹ để kiểm tra.

Ảnh minh họa.

Những thay đổi ở ngực: Càng gần tới ngày vượt cạn, ngực của mẹ bầu càng có nhiều thay đổi. Khi đó, những tế bào sản sinh sữa hình thành, dẫn tới kích thước ngực lớn hơn rất nhanh, đồng nghĩa thêm nhiều lớp mỡ tích lũy. Việc mặc áo lót quá chật cũng khiến hiện tượng đau tức ngực xảy ra.

Để bệnh nhanh chóng khỏi, chị có thể áp dụng những mẹo nhỏ sau:

1. Hãy chọn loại áo ngực rộng rãi, nâng đỡ ngực tốt. Nên thay áo ngực thường xuyên, tùy theo kích cỡ và sự phát triển nhanh chóng của vòng 1. Một số mẹ bầu có thói quen không mặc áo ngực, nhưng nó có thể khiến tình trạng đau ngực trầm trọng hơn, đồng thời ảnh hưởng tới hình dạng của ngực.

2. Nếu ngực quá lớn, mẹ bầu nên chọn loại áo ngực thể thao có khả năng nâng đỡ tốt, lại rất thoáng cho da.

3. Dù bạn tin hay không, việc cắt giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày có thể giảm cơn đau tức ngực khi mang thai. Bởi lẽ muối khiến cơ thể tích nước, từ đó ngực trở nên nặng nề hơn.

4. Nên uống nhiều nước để giúp cơ thể tăng cường đào thải chất lỏng dư thừa, đồng thời  bạn sẽ thấy nhẹ nhàng, tràn đầy sức sống hơn.

5. Phụ nữ mang thai thường có xu hướng ngủ nhiều. Tuy nhiên, thói quen tích cực vận động lại rất quan trọng trong việc giúp cơ thể linh hoạt, giảm các cơn đau như đau tức ngực. Bạn nên đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, làm việc nhà nhẹ.

6. Tắm nước ấm với vòi hoa sen

Bất cứ khi nào cảm thấy căng tức ngực, bà bầu nên tắm nước ấm với vòi hoa sen, những tia nước nhỏ sẽ massage núi đôi, giúp bạn dễ chịu hơn hẳn. Nhớ đảm bảo nhiệt độ nước dưới 38 độ C.

Ngoài ra, mẹ bầu có thể ngâm mình trong bồn nước ấm, đảm bảo cho núi đôi chìm hẳn dưới nước. Dùng tay khuấy vùng nước quanh ngực qua lại, lên xuống để tạo lực tác động massage cho ngực.

7. Tránh động chạm

Tránh chạm vào ngực của bạn vào thời gian nhạy cảm này, trừ lúc tắm và sử dụng kem chống rạn hay dưỡng ẩm. Chia sẻ cảm giác đau tức ngực của bạn với anh xã để hạn chế tác động, trừ khi bạn cảm thấy dễ chịu khi được chồng massage ngực nhẹ nhàng.

8. Thoa kem hay lotion

Không nên tự mua các loại kem mỡ giảm đau thoa lên khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Tuy nhiên, bạn có thể mua kem chứa lanolin, giúp ngăn ngừa khô da, kích ứng và nhiễm trùng. Ngoài ra, mẹ bầu có thể dùng túi trà hoa cúc đắp lên ngực để giảm sưng, đau. Các loại dưỡng từ bơ ca cao, bơ hạt mỡ cũng là lựa chọn lý tưởng giúp giảm bớt cơn đau.

Thông thường, hiện tượng đau tức ngực sẽ tự dần dần thuyên giảm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đây là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm, chị không nên bỏ qua. Nên tới bác sĩ để được thăm khám nếu có các biểu hiện sau:

- Đau ngực đột ngột, kèm ho hoặc khó thở.

- Cơn đau từ ngực lan xuống hai cánh tay.

- Đau ngực kèm sốt.

- Đau ngực kèm chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi bất thường.

Những cơn đau như thế có thể cảnh báo bệnh ở tim, phổi. Nếu chỉ có triệu chứng đơn lẻ (sốt, khó thở, ho bất ngờ, chóng mặt, hay đổ mồ hôi bất thường) thì chị cũng nên đi khám dù không bị đau ngực.

Chúc chị sức khỏe!

Nguồn: Gia đình Việt Nam